Về đích nông thôn mới
Thành phố Cao Bằng bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2011 gồm có 3 xã với xuất phát điểm thấp, cụ thể: xã Hưng Đạo đạt 6/19 tiêu chí; xã Chu Trinh đạt 2/19 tiêu chí; xã Vĩnh Quang đạt 3/19 tiêu chí. Do đó, việc triển khai thực hiện chương trình trong những năm đầu gặp không ít khó khăn.
Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên căn cứ trên các lĩnh vực phụ trách, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các xã thực hiện các tiêu chí NTM.
Đến xã Hưng Đạo những ngày này có thể nhận thấy rõ sự đổi thay của bộ mặt nông thôn nơi đây. Những con đường bê tông phẳng lỳ được trải dài đến từng thôn xóm, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát.
Bà Lý Thị Vương, 75 tuổi, xóm Đà Quận, xã Hưng Đạo chia sẻ: Trước đây, khi chưa có chương trình NTM, tuyến đường qua xóm xuống cấp, gồ ghề đi lại rất khó khăn. Từ khi triển khai chương trình, các tuyến đường quanh xóm được đổ bê tông rộng rãi, lại được lắp hệ thống đèn cao áp để đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân đi lại, sinh hoạt buổi tối. Người dân chúng tôi rất vui và phấn khởi trước những đổi thay của địa phương.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thống nhất của các cấp, ngành trên địa bàn thành phố những năm qua, chương trình NTM đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Tổng nguồn lực huy động cho xây dựng NTM đạt hơn 340 tỷ đồng, trong đó gần 120 tỷ đồng huy động từ xã hội hóa, nhân dân và một số nguồn khác. Huy động người dân hiến 20.630 m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội và huy động hơn 40.000 ngày công tham gia thực hiện các công trình như làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi, xây dựng, sửa chữa trường học, nhà văn hóa…
Cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước được hoàn thiện, đường trục xã, liên xã được bê tông cứng hóa 100%, cơ bản các tuyến đường đã bê tông hóa với tổng chiều dài hơn 120 km, chiếm 83% tổng chiều dài các tuyến. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới. Các xã không có nhà tạm, nhà dột nát; tỷ lệ hộ có nhà đạt theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Xây dựng đạt 93%.
Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 67,8 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 37,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1% tổng số hộ; 98,9% người trong độ tuổi lao động có việc làm…
Phát triển nông nghiệp thông minh
Mấy năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cao Bằng bắt đầu có sự chuyển biến tích cực, một số mô hình nông nghiệp được người dân và các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã tạo ra các sản phẩm chất lượng, sạch để cung cấp cho thị trường.
Về lĩnh vực trồng trọt đã có các mô hình ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tiêu chủ động, giúp cây trồng phát triển tốt hơn, an toàn hơn, năng suất, chất lượng cao hơn so với sản xuất truyền thống.
Tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố khoảng 4,2 ha với các sản phẩm như dâu tây, dưa lưới, dưa chuột, nho, rau an toàn, rau thủy canh tại khu vực xã Hưng Đạo và các phường Đề Thám, Hòa Chung, Ngọc Xuân. Các loại sản phẩm nông nghiệp này đang được mở rộng diện tích sản xuất, dần trở thành cây chủ lực của thành phố, trở thành hàng hóa mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Mô hình trồng nho hạ đen của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ xanh CAB được triển khai từ năm 2019 tại xóm Đà Quận, xã Hưng Đạo với diện tích 1 ha. Cuối năm 2020, vườn nho bắt đầu thu được hơn 1 tấn nho trái vụ. Hiện nay, vườn nho đang cho thu hoạch với sản lượng ước tính đạt khoảng 8 tấn nho, giá bán trung bình từ 120 - 150 nghìn đồng/kg.
Ông Đặng Nhật Quân, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ xanh CAB thông tin: Việc đầu tư vào mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Cao Bằng tiềm ẩn không ít rủi ro. Nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc nên sản phẩm nho hạ đen của công ty được khách hàng trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố khác đặt mua.
Ông Nguyễn Quốc Trung, Chủ tịch UBND thành phố Cao Bằng cho biết: Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố đã thu hút được khách hàng đến trải nghiệm tại cơ sở sản xuất (mô hình nho, dâu tây), sản phẩm dưa các loại (dưa lê, dưa lưới...) đã được đưa vào các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn. Tuy nhiên hiện nay việc sản xuất nông nghiệp còn ở mức nhỏ lẻ, chưa mở rộng được diện tích, sản phẩm làm ra chủ yếu được tiêu thụ trực tiếp tại địa bàn thành phố chưa qua sơ chế, đóng gói; sản phẩm đạt tiêu chuẩn bán tại các cửa hàng, siêu thị chưa nhiều.
Thành phố đã xây dựng đề án “Phát triển nông nghiệp thông minh thành phố Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025”. Mục tiêu tập trung được các nguồn lực đầu tư hạ tầng sản xuất nông nghiệp tạo thuận lợi trong cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ. Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Thu hút các nhà đầu tư, liên kết sản xuất và xây dựng các mô hình "nông nghiệp cảnh quan" phục vụ du khách đến thăm quan, giải trí và mua các sản phẩm nông nghiệp sạch.
Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó quy hoạch các vùng để ổn định sản xuất, vùng phát triển sản xuất tập trung các cây trồng chủ lực; xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với cây trồng có tiềm năng, thế mạnh của thành phố góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.
Sản xuất hàng hóa tập trung, các sản phẩm có năng suất, chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật VietGAP, GlobalGap, hữu cơ... và có sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu, nhu cầu trên địa bàn Thành phố và các huyện lân cận; tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ông Trung cho biết thêm.