| Hotline: 0983.970.780

Hạ tầng cảng cá nhếch nhác không thể có nghề cá hiện đại

Thứ Sáu 12/06/2020 , 09:05 (GMT+7)

Nghề cá đang hướng đến mục tiêu chuyển từ nghề cá nhân dân tiến lên nghề cá hiện đại. Tuy nhiên, hệ thống cảng cá yếu kém sẽ là lực cản không nhỏ.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (giữa) kiểm tra hạ tầng cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (giữa) kiểm tra hạ tầng cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tại Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản năm 2020 do Bộ NN-PTNT tổ chức tại tỉnh Phú Yên gần đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Hệ thống khu neo đậu tránh trú bão và cảng cá trên toàn quốc hiện đang rất yếu kém, chưa tương xứng với sự phát triển của nghề cá, nhất là khi nghề cá của Việt Nam đang có những bước chuyển từ nghề cá nhân dân tiến lên nghề cá hiện đại.

“Trong những năm qua, mức đầu tư cho hạ tầng nghề cá là rất nhỏ giọt. Do đó, cả 146 khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền và 125 cảng cá trên toàn quốc hạ tầng cơ sở rất yếu.

Hạ tầng nghề cá nhếch nhác như vậy làm sao phục vụ được cho ngành thủy sản với tiềm lực sản lượng đạt 8,5 triệu tấn/năm. Nếu không đầu tư hạ tầng thì làm sao tiến tới nghề cá hiện đại để hội nhập quốc tế”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy nhận định nói trên của Thứ trưởng Tiến là xác đáng. Có thể đơn cử tại Bình Định, địa phương có nghề cá phát triển mạnh với lực lượng tàu cá trên 6.000 chiếc, trong đó có hơn 3.000 chiếc có công suất lớn đánh bắt xa bờ.

Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Sở NN-PTNT Bình Định, trên địa bàn tỉnh này hiện đang có 3 cảng cá: Quy Nhơn (TP Quy Nhơn), Đề Gi (huyện Phù Cát) và Tam Quan (TX Hoài Nhơn).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra hạ tầng cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa, Phú Yên). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra hạ tầng cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa, Phú Yên). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo Quyết định 1976 ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng cá Quy Nhơn là cảng cá loại I; cảng cá Đề Gi và Tam Quan là cảng cá loại II.

Trong những năm qua, mặc dù đã được đầu tư nâng cấp, ấy vậy nhưng hiện nay hệ thống các cảng cá vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu, tiếp nhận hậu cần, bốc dỡ sản phẩm và tránh trú bão cho tàu thuyền của ngư dân.

Theo ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định, trong 3 cảng cá nêu trên, cảng cá Quy Nhơn là trung tâm giao dịch thủy sản cấp vùng được đầu tư xây dựng mở rộng, đưa vào sử dụng năm 2012 với tổng diện tích đất cảng 3,5ha, sức chứa tối đa khoảng 1.000 tàu cá. Cảng cá Đề Gi được đầu tư xây dựng với tổng diện tích đất cảng 2,5ha với sức chứa tối đa khoảng 1.800 tàu cá.

Tuy nhiên, luồng lạch tại 2 cảng cá này hiện đã bị bồi lấp gây khó khăn cho tàu thuyền khi ra vào. Cảng cá Tam Quan cũng được quy hoạch là khu neo đậu tránh trú bão, nhưng hiện chưa được đầu tư xây dựng.

Cảng cá này hiện có sức chứa tối đa khoảng 1.200 tàu, nhưng hiện đã quá tải, bởi riêng số lượng tàu cá của TX Hoài Nhơn thôi đã có đến 2.400 tàu. Đó là chưa nói đến mùa mưa bão cảng càng thêm quá tải do nhiều tàu cá ngoài tỉnh vào nấp bão.

Cửa biển Tam Quan (TX Hoài Nhơn, Bình Định) thường xuyên bị bồi lấp gây trắc trở cho tàu cá ra vào cảng cá Tam Quan. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cửa biển Tam Quan (TX Hoài Nhơn, Bình Định) thường xuyên bị bồi lấp gây trắc trở cho tàu cá ra vào cảng cá Tam Quan. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Vấn đề nan giải nhất là luồng lạch tại cửa biển Tam Quan thường xuyên bị bồi lấp, trong khi kích thước tàu cá khai thác thủy sản xa bờ ngày càng lớn, nên việc ra vào cửa biển Tam Quan rất khó khăn, không đảm bảo an toàn.

Mặc dù hàng năm địa phương đã triển khai nạo vét, khơi thông luồng tuyến, nhưng đó chỉ là giải pháp “chữa cháy” chứ không thể khắc phục tình trạng bồi lấp bền vững”, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, chia sẻ.

Theo ông Trần Văn Phúc, tỉnh này đã có văn bản đề nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng cá Đề Gi đảm bảo tiêu chuẩn cảng cá loại I và tương xứng là khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng; đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá; xây dựng hệ thống kè bờ, luồng lạch, vùng nước neo đậu tại mỗi khu neo đậu sức chứa khoảng 5.000 tàu cá.

Riêng cảng cá Tam Quan, tỉnh cũng đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, kết hợp đưa cảng cá Tam Quan từ cảng cá loại II qua nhóm cảng cá loại I.

Hạ tầng cảng cá Quy Nhơn chưa tương xứng là trung tâm giao dịch thủy sản cấp vùng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hạ tầng cảng cá Quy Nhơn chưa tương xứng là trung tâm giao dịch thủy sản cấp vùng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Hạ tầng cảng cá yếu kém cũng gây nên bất cập trong công tác chống khai thác IUU. Ví như cảng cá Quy Nhơn, nơi sẽ được xây dựng là trung tâm giao dịch thủy sản cấp vùng nhưng hiện hạ tầng chưa đảm bảo và đồng bộ để thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thủy sản theo yêu cầu của EC. Thiết bị đấu nối thông tin giữa tàu cá và cảng để thực hiện việc chứng thực và kiểm soát đối chứng chưa đảm bảo để xử lý thông tin”, ông Đào Xuân Thiện, nêu ví dụ.

“Giai đoạn 2021 – 2025, Bộ NN-PTNT sẽ thực hiện quyết liệt việc đầu tư hạ tầng cho ngành thủy sản. Trong thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo cho ngành chức năng rà soát toàn bộ những cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên toàn quốc để cân đối đầu tư nguồn ngân sách”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất