| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh: Bánh gai làng Khóng vào siêu thị

Thứ Bảy 30/11/2019 , 07:10 (GMT+7)

Mỗi ngày HTX sản xuất bánh gai xã Đức Yên, huyện Đức Thọ làm ra hàng nghìn chiếc bánh nhưng thị trường tiêu thụ rất hẹp.

Chủ yếu quẩn quanh dọc quốc lộ 8A, một số chợ đầu mối trong và ngoài huyện. Vì vậy lượng hàng hỏng, phải đổ bỏ vì ế không hề ít.

22-32-20_1
Bánh gai làng Khóng đã có mặt ở các tỉnh phía Nam, phía Bắc.

Đến năm 2018, khi tham gia Chương trình OCOP, những chiếc bánh gai truy xuất nguồn gốc đã được Nam tiến, Bắc tiến, đặc biệt là đưa vào siêu thị.

Làng Khóng (xã Đức Yên) là “thủ phủ” làm nên thương hiệu bánh gai Đức Thọ. Từ đời cố can nghề làm bánh được duy trì đến tận hôm nay. Trước người dân sản xuất nhỏ lẻ bán trong xã, trong huyện rồi lên tỉnh, nhưng để phát triển sản phẩm thành phàng hóa quy mô lớn, năm 2016 bà Nguyễn Thị Nho đứng ra thành lập HTX sản xuất bánh gai Đức Yên. HTX có 13 thành viên chuyên sống nhờ nghề làm bánh gai.

Cuối năm 2018, được sự hỗ trợ của tỉnh Hà Tĩnh, huyện Đức Thọ, HTX tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Kể từ đó, bánh gai Đức Thọ tiếp cận được các thị trường khó tính ở Đà Nẵng, Bình Dương, Vũng Tàu, các siêu thị…thông qua các hội chợ, hội nghị. Bà Nguyễn Thị Nho cho hay, bình quân toàn HTX mỗi ngày sản xuất trên 400 chiếc bánh/thành viên. Trong đó, có 5 hộ mỗi ngày cung ứng ra thị trường đến 1.500 chiếc (mùa đông) và 700 - 1.000 chiếc bánh (mùa hè).

“Hiện giá bán mỗi chiếc bánh từ 3.000 – 5.000đ, nếu tính về hiệu quả kinh tế so với các ngành nghề khác thì ở mức trung bình khá. Nhưng cái hay của nghề làm bánh gai là công việc, thu nhập ổn định và không mất sức lao động”, bà Nho nói.

Chị Nguyễn Thị Hoài, thôn Hùng Dũng, xã Đức Yên “bén duyên” nghề làm bánh gai khi còn là học sinh THCS. Thời điểm đó, một buổi đi học, một buổi chị sang nhà bà Nho gói bánh gai lấy tiền nộp tiền học. Cứ thế, nghề làm bánh gai ăn vào máu thịt của chị nên khi học hết THPT chị nghỉ hẳn về làm bánh chuyên nghiệp cùng bà Nho. Hiện mức lương bình quân của chị Hoài đạt 4 – 4,5 triệu đồng/tháng.

Khi được hỏi, chị có ý định chuyển sang nghề khác hay không?, chị Hoài bảo: “Sao mà bỏ nghề được. Tôi đang tính học các công thức làm bánh chuyên sâu để mở cơ sở riêng. Nghề làm bánh gai tuy không giàu nhưng cũng đủ chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình, quan trọng là không bao giờ lo thất nghiệp dù mưa gió bão bùng hay nắng hạn khốc liệt”.

22-32-20_2
Nguyên liệu sản xuất bánh hầu hết được sản xuất tại chỗ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo bà Nguyễn Thị Nho, để làm ra một chiếc bánh gai thơi ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từ trước đến nay các thành viên trong HTX phải cam kết lấy lá gai trồng trên địa bàn huyện theo quy trình “sạch”. Các nguyên liệu như bột nếp, đậu xanh, mật mía… cũng nhập từ các cơ sở sản xuất nội huyện. “Chúng tôi cam kết không sử dụng các phụ gia bảo quản sản phẩm và các chất tạo màu, tạo hương vị cho bánh”, một thành viên khác trong HTX nhấn mạnh.

Ông Trần Hoài Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện: “Bánh gai vừa là sản phẩm đặc sản vừa là sản phẩm đặc trưng, truyền thống của Đức Thọ. Một khi đã là đặc sản, truyền thống thì huyện sẽ ưu tiên các chính sách duy trì, phát triển, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, xúc tiến thương mại, hướng tới đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng cả nước”.

(Kiến thức gia đình số 48)

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.