| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh sẽ bứt phá thế nào khi quy hoạch tỉnh khá mạch lạc, mạnh mẽ

Thứ Sáu 19/05/2023 , 16:45 (GMT+7)

Từ ngày 26 – 28/5 sẽ diễn ra hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Tĩnh.

Định hướng 5 yếu tố tạo đột phá

Sau rất nhiều năm “thai nghén”, với sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, ngày 8/11/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Đây là tỉnh thứ 2 trên cả nước (sau Bắc Giang) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

Họp báo thông tin về công tác chuẩn bị cho Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh, diễn ra sáng nay (19/5). Ảnh: Thanh Nga.

Họp báo thông tin về công tác chuẩn bị cho Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh, diễn ra sáng nay (19/5). Ảnh: Thanh Nga.

Trong bối cảnh nền kinh tế cả nước đang nỗ lực phục hồi hậu Covid-19, việc công bố, thực hiện quy hoạch tỉnh trong giai đoạn này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở đường cho việc thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Theo quy hoạch, để thực hiện đạt mục tiêu phấn đấu trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước, tỉnh Hà Tĩnh xác định có 5 định hướng lớn tạo đột phá phát triển, gồm:

Bốn ngành trọng điểm: Công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch.

Ba trung tâm đô thị: Trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh, trong đó thành phố Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh kết nối thành phố Hà Tĩnh, gồm: thị trấn Thạch Hà, thị trấn cẩm Xuyên và thị trấn Lộc Hà. Trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận. Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và vùng phụ cận.

TP Hà Tĩnh sẽ là hạt nhân trong 3 trung tâm đô thị tạo đột phá phát triển của tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

TP Hà Tĩnh sẽ là hạt nhân trong 3 trung tâm đô thị tạo đột phá phát triển của tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Ba hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển gắn với quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam và đường ven biển. Hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế cầu Treo. Hành lang kinh tế trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh.

Một trung tâm động lực tăng trưởng: Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.

Bốn nền tảng chính: Nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch.

Riêng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ chuyển đổi cơ cấu và hiện đại hóa ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng phát huy lợi thế của các địa phương, các vùng sinh thái; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu.

Xúc tiến đầu tư 108 dự án

Theo ông Phan Thành Biển, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, từ ngày 26 – 28/5 sẽ tổ chức 2 hội nghị lớn với sự tham dự của hơn 700  đại biểu là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và Quốc tế.

Bản đồ phương án phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Ảnh: Thanh Nga.

Bản đồ phương án phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Ảnh: Thanh Nga.

“Tại hội nghị sắp tới, dự kiến sẽ ký kết 21 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư trên 200 nghìn tỷ đồng”, ông Biển nói.

Phó Giám đốc Sở KH – ĐT thông tin thêm, hiện Hà Tĩnh đã thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về danh mục 108 dự án kêu gọi đầu tư.

Trong đó, có 30 dự án trọng điểm, đơn cử như: Cảng biển và Trung tâm logistics Sơn Dương, thị xã Kỳ Anh với tổng vốn đầu tư 50 nghìn tỷ đồng. Trung tâm nhập khẩu và phân phối LNG tại Khu kinh tế Vũng Áng, tổng vốn đầu tư 50 nghìn tỷ. Khu đô thị mới Hàm Nghi, với diện tích 150ha; tổng vốn đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng.

Dự án khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí bãi nổi Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam, huyện Nghi Xuân với diện tích 300 – 400 ha; tổng vốn đầu tư 25 nghìn tỷ.

Tổ hợp dự án khu đô thị, du lịch và sân golf Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, với diện tích khoảng 300 ha; số vốn đầu tư 2 nghìn tỷ đồng.

Tổ hợp dự án khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf tại thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, trên diện tích 185ha; tổng vốn đầu tư 3 nghìn tỷ đồng.

Khu đô thị nghỉ dưỡng và sân golf tại Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên với mức đầu tư khoảng 3 nghìn tỷ. Đầu tư xâu dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh và Khu kinh tế của khẩu quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn); tổng mức đầu tư khoảng 3 nghìn tỷ đồng…

Sẽ có 108 dự án được kêu gọi đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Sẽ có 108 dự án được kêu gọi đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Riêng lĩnh vực nông nghiệp, có 4 dự án kêu gọi đầu tư, gồm: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Khu vực bãi thải thuộc dự án thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang; vùng nước Nậy, xã Thọ Điền (huyện Vũ Quang) với tổng diện tích 380 ha.

Trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại Vườn quốc gia Vũ Quang trên diện tích 20 nghìn ha. Dự án nông nghiệp công nghệ cao tại xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh và dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh). Tổng mức đầu tư, diện tích các dự án này sẽ xác lập theo đề xuất của nhà đầu tư.

Quy hoạch của tỉnh Hà Tĩnh lần này đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021- 2030 đạt trên 9%/năm. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,9%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 60,3%; dịch vụ chiếm khoảng 26,6% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 5,14%.

GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 32,6%. Giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD. Năng suất lao động tăng 11,3%/năm. Mức thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng bình quân khoảng 14 - 15%/năm, tỷ lệ thu ngân sách bình quân so với GRDP là 27%/năm. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ khoảng 750 - 800 nghìn tỷ đồng.

Xem thêm
Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội trước sau đó bầu Chủ tịch nước

Công tác nhân sự sẽ được Quốc hội khóa XV thực hiện từ 20-22/5, trong đó chức danh Chủ tịch Quốc hội sẽ được bầu trước, sau đó là chức danh Chủ tịch nước.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.