Bên cạnh những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, để cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước biết và nắm bắt cơ hội trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, hoạt động xúc tiến, quảng bá là vô cùng quan trọng để giới thiệu môi trường đầu tư tiềm năng, minh bạch và thuận lợi.
“Hiện nay, có rất nhiều cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến trái cây tại tỉnh Sơn La và các địa phương miền núi phía Bắc, kết quả này không phải là sự ngẫu nhiên, mà đó là quá trình tích lũy dài hạn nhờ quảng bá, xúc tiến đầu tư tới các doanh nghiệp. Trong quá trình này, các đơn vị truyền thông như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp tại Sơn La, Lai Châu, Đắk Lắk, tạo ra sự lan tỏa vô cùng to lớn tới doanh nghiệp, hiệp hội, nông dân,…”, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp chia sẻ.
Do vậy, ông Nguyễn Minh Tiến mong muốn các đơn vị truyền thông xây dựng thông điệp về nền nông nghiệp Việt Nam sinh thái, bền vững, nông dân văn minh. Qua đó, từng người dân có nhận thức và trách nhiệm với nền nông nghiệp nước nhà, tạo dựng hình ảnh thân thiệt trong mắt nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, quan điểm của ngành nông nghiệp trong hoạt động xúc tiến đầu tư là làm trúng và đúng với nhu cầu, thế mạnh của từng địa phương, cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, hoạt động xúc tiến cũng không được chạy theo số lượng, thành tích, bởi nông nghiệp là lĩnh vực đặc thù, chịu sự tác động lớn từ nhiều yếu tố về thời tiết, môi trường, thị trường, dịch bệnh,…
“Dựa trên các nghị quyết, chủ trương chung của trung ương, hoạt động xúc tiến đầu tư đang tập trung vào thế mạnh từng vùng, chứ không thu hút dàn trải, đánh rơi tiền năng của địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến cũng lựa chọn những nơi khó khăn để tìm kiếm nhà đầu tư, qua đó, phát hiện điểm mạnh, lợi thế của địa phương để có phương án phát triển tiếp theo”, ông Nguyễn Quốc Toản cho hay.
Lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết thêm, thời gian tới, đơn vị này sẽ tham mưu Bộ NN-PTNT tiếp tục phối hợp các đơn vị chức năng tổ chức có hiệu quả thêm nhiều hoạt động, hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp tại các địa phương trên cả nước. Đặc biệt, khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), công nghệ cao để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thông minh và hội nhập. Qua đó, thay đổi về phần chất ở khu vực kinh tế nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa các liên kết vùng, đưa nông dân trở thành nghề chuyên nghiệp.
Tại các hội thảo xúc tiến đầu tư, các chuyên gia đều có chung nhận định, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế, sự hấp dẫn, mà trong những năm tới, nếu phát huy được, sẽ không chỉ đưa Việt Nam trở thành nước có nền kinh tế nông nghiệp vào top đầu của thế giới, mà quan trọng hơn kinh tế nông nghiệp sẽ mang lại thu nhập cao, ổn định, bền vững cho người dân nông thôn.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nước nhà vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nỗ lực để cả “chim sẻ” và đại bàng đều tìm đến với nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, có nỗ lực, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, các đơn vị truyền thông và nông dân trong hoạt động xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp.
Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, các nhà đầu tư châu Âu khi tìm kiếm cơ hội sẽ ưu tiên các quốc gia, khu vực có chiến lược phát triển thích hợp.
Với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, công nghệ xanh và thương mại bền vững nên bắt đầu từ những ngành xuất khẩu mũi nhọn như nông - lâm - thủy sản. Trong đó, Việt Nam cần tập trung thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ vì những lợi ích lâu dài; tận dụng lợi thế của quốc gia có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo để giảm chi phí cho các doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.