Sau loạt bài "Ngân sách nào kham nổi?", dư luận ở Hà Tĩnh coi đây là một vấn đề nhức nhối của cả nước hiện nay, nếu không có biện pháp tích cực sắp xếp, tinh giản bộ máy hành chính nguy cơ loạn cán bộ thôn, xã sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình phát triển kinh tế, xã hội ở các vùng nông thôn. Vì thế, lãnh đạo Hà Tĩnh đang tỏ tõ quyết tâm là tỉnh tiên phong tinh giản bộ máy ở 600 thôn, xã, dự kiến sẽ giảm tới trên 5.400 cán bộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự: "Chúng tôi đã giao Sở Nội vụ từ nay đến cuối năm 2012 phải hoàn tất việc sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, BQL dự án, tổ chức hội nhằm hoạt động có hiệu quả, tiết kiệm nguồn ngân sách". |
Ông Nguyễn Đức Hảo, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó trưởng ban đổi mới đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, BQL dự án, tổ chức hội của tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Thực trạng từ trước tới nay, bộ máy hành chính cồng kềnh ở cấp xã, thôn là vấn đề nhức nhối dẫn đến xã hội chậm phát triển nên Nghị quyết số 26/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành đã phê duyệt "Đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, BQL dự án, tổ chức hội".
Sau một thời gian thực hiện, đến nay bộ máy hành chính ở Hà Tĩnh đã tinh giản được 147 cán bộ công chức; 600 thôn, xóm với trên 5.400 cán bộ thôn. Trong đó, có những xã ba thôn nhập lại thành một như ở các huyện Can Lộc, Đức Thọ, Lộc Hà. Cụ thể, huyện Đức Thọ có 28/28 xã, thị trấn giảm được 88 thôn; Thạch Hà 23/31 xã, thị trấn giảm được 100 thôn...
Theo ông Hảo, tính cơ cấu như trước đây thì 3 thôn có đến 27 cán bộ, nay nhập lại thành một thôn thì chỉ còn lại 9 người. Còn nói về bộ máy cấp xã, hiện tỉnh cũng đang tích cực rà soát, tinh giản xuống mức thấp nhất đúng với tinh thần Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra, cán bộ xã chỉ để lại những vị trí chủ chốt. Đặc biệt, Hà Tĩnh cũng sẽ tiến hành sáp nhập các trường tiểu học, trung học cơ sở không đủ tiêu chuẩn quy định lại với nhau, có thể 2-3 trường nhập lại một để đảm bảo đủ số lượng học sinh theo quy định của Bộ GD- ĐT, như thế số cán bộ, giáo viên sẽ giảm xuống còn một nửa.
Đối với các cơ quan đoàn thể hoạt động không hiệu quả, chủ trương cũng sẽ giải thể và tinh giản một số đơn vị. Riêng ngành NN- PTNT là đơn vị nằm trong phương án sáp nhập các BQL ngành NN- PTNT với nhau. Từ 10 Ban nay chỉ còn lại 2 Ban là BQL các dự án XDCB và BQL các dự án ODA.
Việc sắp xếp, tinh giản bộ máy hành chính trên địa bàn là một chủ trương lớn nhưng đằng sau chủ trương này còn có nhiều vấn đề khó khăn như việc chi trả lương trách nhiệm cho Bí thư chi bộ hoặc Trưởng thôn. Họ chỉ mới được hưởng chế độ từ cuối năm 2011 đến nay nhưng giờ thực hiện chủ trương tinh giản biên chế buộc họ phải thôi việc. Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho số cán bộ này, một số huyện như Lộc Hà, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà... đã trích ngân sách hỗ trợ cho mỗi cán bộ thôn một khoản kinh phí nhằm động viên họ trước lúc thôi chức.
Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, hiện nay ở Hà Tĩnh bộ máy hành chính ở một số huyện, xã, thôn còn rất cồng kềnh gây phiền nhiễu cho dân. Chủ trương HĐND tỉnh đề ra, bằng mọi biện pháp tập trung chỉ đạo quyết liệt cả hệ thống chính trị vào cuộc xem đây là một cuộc cách mạng lớn. Vì thế, đối với một số xã dân số ít sẽ tiến hành nhập hai xã thành một, đảm bảo mỗi xã đạt 4.500-5.000 người, tránh tình trạng một số xã chỉ có 1.500-2.000 người nhưng phải để cả một bộ máy cồng kềnh vận hành tốn kém rất nhiều ngân sách, kìm hãm sự phát triển nông thôn.
Theo vị Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, nếu thực hiện tốt đề án trên thì bộ máy hành chính các cấp sẽ tinh giản được hàng ngàn người.