| Hotline: 0983.970.780

Hai giống lúa thuần thế hệ mới của Hải Dương

Thứ Hai 07/10/2019 , 14:10 (GMT+7)

Đó là giống lúa chịu ngập SHPT3 và giống NPT3 (TL 12).

Giống lúa chịu ngập SHPT3

Được công nhận chính thức tại Quyết định số 2645 ngày 5/7/2019 của Bộ NN-PTNT. Tác giả là PGS.TS Lê Hùng Lĩnh, GS.TS Lê Huy Hàm và cộng sự (Viện Di truyền nông nghiệp).

08-25-07_shpt3
Lúa SHPT3 cứng cây, chịu ngập tốt, phục vụ nhu cầu chế biến.

Đây là giống lúa thuần ngắn ngày, cấy 2 vụ/năm, chọn tạo bằng công nghệ sinh học phân tử từ tổ hợp lai giữa giống Khang Dân 18 lai với giống PSBRc68 mang gen chịu ngập Sub1 được nhập nội từ IRRI. Do vậy giống SHPT3 có khả năng chịu ngập sâu từ 10-15 ngày ở giai đoạn mạ và lúa đẻ nhánh.

Thời gian sinh trưởng 132-135 ngày (vụ xuân), 105-110 ngày (vụ mùa), chất lượng gạo khá, năng suất đạt 70-75 tạ/ha, thích ứng rộng, ít nhiễm sâu bệnh, rất cứng cây, chống đổ tốt, chịu chua, ngập úng, gạo có hàm lượng Amyloza 29%, phù hợp cho chế biến bún, bánh đa, phục vụ các làng nghề truyền thống địa bàn trong và ngoài tỉnh Hải Dương. Giống lúa SHPT3 đã được Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương tiếp thu công nghệ và bản quyền.

Theo thống kê, toàn tỉnh Hải Dương hiện có 7 làng nghề chuyên làm bún và bánh đa, với trên 1.600 hộ gia đình trực tiếp tham gia sản xuất.

Ước tính mỗi năm, các làng nghề này tiêu thụ từ 600 - 800 nghìn tấn gạo thương phẩm, riêng hộ tư nhân anh Lưu Văn Quỳnh, chị Lê Thị Dịu tại khu Xuân Dương, phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương (làng Lộ Cương cũ), lắp 2 dây chuyền sản xuất bánh đa tự động, cần 10 tấn gạo/ngày. Dây chuyền được làm quanh năm đủ 12 tháng, bánh đa đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, được tiêu thụ hết trong ngày, thị trường mở rộng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trước đây, nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất bún và bánh đa là gạo của giống lúa Khang Dân 18, Q5, VN 10, DT 10. Song, do nguồn nguyên liệu cho chế biến thường không ổn định về chất lượng gạo, những giống lúa khác không sản xuất được nên nguồn nguyên liệu tại chỗ nhiều khi thiếu hụt.

Từ khi giống lúa mới SHPT3 được gieo trồng, Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương đã mua gạo đem thử tại làng nghề bún, bánh đa Lang Khê, xã An Lâm, Nam Sách, làng bánh đa Lô Cương, Tứ Minh, thành phố Hải Dương cho thấy chất lượng bún, bánh đa tốt hơn hẳn so với các loại gạo truyền thống KD18, Q5, VN 10 đang dùng, như độ giòn, dai, độ bóng, ăn có độ béo, ngậy, đặc trưng, chất lượng bún, bánh đa bảo quản lâu hơn không bị chua, do đó nhu cầu gạo chế biến từ giống lúa SHPT 3 ngày càng được nhiều hơn, đây là tín hiệu vui cho người trồng lúa.
 

Giống lúa NPT3 (TL 12)

Tác giả là GS.TS Trần Duy Quý và cộng sự, được chọn tạo từ nguồn vật liệu tổ hợp lai xa giữa Japonica và Indica nhờ phương pháp gây đột biến bằng tia Gamma nguồn CoBan 60 khi xử lý hạt khô độ ẩm hạt 13% ở liều lượng 300Gy. Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương chọn tạo và làm thuần. Giống NPT3 (TL 12) được Bộ NN-PTNT công nhận cho sản xuất thử tại Quyết định số 583/QĐ-TT-CLT, Hà Nội ngày 28/12/2016.

08-25-07_sieu_lu_tl_12
Lúa NPT3 đạt năng suất cao.

Giống NPT3 có thời gian sinh trưởng 130-135 ngày (vụ xuân) và 103-108 ngày (vụ mùa). Sinh trưởng và phát triển tốt, trỗ bông tập trung, bộ lá đứng, màu xanh bền, chống chịu với điều kiện ngoại cảnh tốt, cứng cây, chống đổ khá; bông to, số hạt trên bông trung bình từ 250-280 hạt/bông, trỗ thoát tốt, tỷ lệ hạt vào chắc cao, độ thuần đồng ruộng tốt, chịu thâm canh.

Đây là giống có tiềm năng năng suất rất cao, năng suất bình quân đạt 70-75 tạ/ha (vụ xuân), 65-70 tạ/ha (vụ mùa); cao hơn so với giống đối chứng KD18 gieo trồng phổ biến từ 15-20%. Chất lượng gạo ngon, cơm đậm, ngon hơn Khang Dân 18.

Về thời vụ thích hợp vụ xuân muộn, mùa sớm tại các tỉnh phía Bắc. Chân đất gieo cấy: trên chân đất vàn, vàn cao. Đến nay 2 giống lúa SHPT3, NPT3 đang được bà con nông dân tiếp thu nhanh áp dụng vào gieo cấy sản xuất tại nhiều tỉnh phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định... đáp ứng yêu cầu trong sản xuất lúa thương phẩm hàng hóa.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.