Khoảng nửa tháng nay, gió mùa Đông Bắc đã tràn về các địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên trước đó mấy tháng, ngành NN-PTNT và các địa phương đã chủ động phương án, xây dựng kế hoạch trồng cỏ, ngô... làm thức ăn cho đàn vật nuôi.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay, tổng đàn trâu của tỉnh là 87.840 con, đàn bò 39.389 con, đàn lợn 576.800 con, đàn gia cầm 7,3 triệu con...
Để bảo vệ đàn gia súc, cùng với các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phòng chống đói rét, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cũng tích cực phối hợp với các địa phương, đơn vị, thông tin kịp thời về diễn biến tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh tới người chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ đó giúp người dân chủ động phòng, chống đói, rét, bệnh dịch, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho vật nuôi, ổn định phát triển kinh tế.
Gia đình anh Dương Văn Thành, thôn Lũng, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn nuôi 100 con bò. Chủ động phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi, song song với việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, những ngày giá rét, anh chuẩn bị quây bạt che chắn khu chăn nuôi. Anh cũng chuẩn bị sẵn sàng kho chứa rơm khô, trồng 6.000m2 cỏ voi, cỏ VA06 để dự phòng trong những ngày giá rét, khan hiếm nguồn thức ăn.
Anh Thành cho biết, chăn nuôi quy mô lớn nên mọi biện pháp bảo vệ đàn gia súc là rất cần thiết. Người nông dân phải biết quý trọng và quan tâm đến đàn vật nuôi bởi chúng khỏe mạnh mới đảm bảo bảo vệ tài sản của chính gia đình mình.
Chiêm Hóa là địa phương có số lượng đàn đại gia súc lớn nhất tỉnh Tuyên Quang. Đây cũng là địa phương có địa hình đồi núi cao, nhiệt độ vào ngày mùa đông thường xuống thấp hơn so với những huyện, thành phố khác của tỉnh. Hiện nay, huyện có 19.900 con trâu, 2.600 con bò, 120.000 con lợn và gần 1,6 triệu con gia cầm.
Chị Nguyễn Thị Uyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hoàng Thức, huyện Chiêm Hóa cho biết, hiện nay HTX nuôi hơn 200 con trâu, bò. Đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi trong ngày đông giá rét, HTX hướng dẫn người chăn nuôi trồng cây ngô với mật độ dầy đảm bảo diện tích (khoảng 300m2/1 con trâu, bò trưởng thành); chăm sóc số diện tích cây thức ăn (cỏ voi, cỏ ghi-nê, cỏ VA06...) để có đủ thức ăn cho trâu, bò trong những ngày mùa đông giá lạnh, khan hiếm nguồn cỏ tự nhiên.
Cùng với đó, người chăn nuôi cũng chủ động tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân cây ngô, lá mía để chế biến, dự trữ thức ăn bằng phương pháp ủ chua hoặc phơi khô đánh thành cây (cây rơm) để sử dụng cho đàn trâu, bò ăn trong mùa đông.
Nhờ luôn chủ động tốt các biện pháp phòng chống đói rét cũng như nguồn thức ăn, nên nhiều năm nay trong những ngày đông giá rét, đàn trâu, bò của các thành viên tại HTX không những không bị dịch bệnh hay chết vì đói rét mà còn tăng trọng lượng ổn định, giúp người nuôi có thể xuất bán theo đúng kế hoạch đề ra.
Hiện nay, diện tích đồng cỏ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang là khoảng 7.600ha, tập trung nhiều nhất tại các địa phương như huyện Sơn Dương hơn 2.100ha, huyện Chiêm Hóa hơn 1.800ha, huyện Yên Sơn hơn 1.200ha… Tỉnh Tuyên Quang cũng tận dụng diện tích soi bãi, không trồng cây rau màu để trồng cây ngô đông làm thức ăn cho gia súc với diện tích hơn 3.000ha.