Cần xử lý vấn đề môi trường
Ngày 13/4, sau khi đi kiểm tra thực tế tại 2 xã, làm việc với lãnh đạo Sở NN-PTNT Hải Phòng và UBND huyện An Dương, đoàn thẩm định nông thôn mới (NTM) của Trung ương đã đánh giá cao kết quả xây dựng NTM tại địa phương này.
Những tiêu chí trọng tâm như cơ sở hạ tầng và thu nhập của người dân, huyện An Dương đã đáp ứng được yêu cầu theo quy định, ví dụ như về thu nhập của người dân 15 xã, 1 thị trấn cũng như giá trị sản xuất nông nghiệp/1ha đạt cao, trong đó có nhiều mô hình tiêu biểu, về cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu theo quy định theo tiêu chuẩn của huyện NTM.
Tuy nhiên, đoàn công tác cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại mà huyện An Dương cần khắc phục. Đó là môi trường chưa đảm bảo; về giáo dục thì khu vệ sinh và khu vệ sinh cho học sinh bán trú còn quá tải; về an ninh trật tự vẫn còn 3 xã nằm trong danh sách điểm nóng của Bộ Công an.
“Về môi trường vẫn còn chưa ổn, nhất là thu gom xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt, cảnh quan môi trường, rác xây dựng, lấn chiếm kênh mương, lòng đường, vỉa hè…. Việc này đề nghị địa phương tiếp tục rà soát, xử lý. Trước mắt, chấm dứt tình trạng đốt rác thải nhựa, túi bóng… vi phạm quy định về môi trường”, ông Nguyễn Minh Tiến – Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương cho biết.
Cũng theo ông Tiến, huyện An Dương có quá trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, nhiều khu công nghiệp, quy mô dân số lớn, do đó định hướng sắp tới của huyện An Dương cần tiếp tục đầu tư, bổ sung mới đáp ứng được yêu cầu sự phát triển của huyện.
“Chúng tôi sẽ có văn bản, trong đó chủ yếu là các giải pháp xử lý nhưng vấn đề còn tồn tại, tiếp tục nâng chất các tiêu chí chưa bền vững. Ví dụ như cơ sở hạ tầng, để đáp ứng nhu cầu phát triển và dân số ngày càng tăng, nhất là cơ sở hạ tầng để đáp ứng yêu cầu phát triển, việc gia tăng dân số trong các khu công nghiệp”, ông Tiến nói.
Sẽ tập trung khắc phục
Tiếp thu ý kiến của đoàn thẩm định, ông Phạm Văn Thép – Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng cho biết, sẽ bổ sung các ý kiến đóng góp của đoàn công tác để hoàn thiện hồ sơ, sẽ tiếp tục cùng thành phố khắc phục những tiêu chí còn thiếu, còn yếu.
Theo ông Thép, Hải Phòng có 7/8 huyện xây dựng NTM, trừ huyện Bạch Long Vĩ, năm 2019, thành phố đã hoàn thành xây dựng NTM trước mục tiêu đề ra 1 năm với 139/139 xã, ngay sau đó, lãnh đạo TP đã chỉ đạo ngay kế hoạch xây dựng NTM kiểu mẫu.
Quá trình thẩm định, các tiêu chí còn chưa đạt, còn hạn chế, năm 2019 -2020, thành phố đã bố trí 500 tỷ cho các địa phương khắc phục, trong đó riêng Cát Hải là 200 tỷ, 300 tỷ là cho các địa phương còn lại. Cuối năm 2020, tại các trường cấp 3, thành phố bố trí 130 tỷ để sửa chữa, nâng cấp đáp ứng nhu cầu phát triển.
Tháng 10/2020, huyện Cát Hải đã được công nhận là huyện đạt chuẩn NTM, với 6 huyện còn lại, Hải Phòng đặt mục tiêu hoàn thành đạt chuẩn nNTM trong năm 2021.
“Về tiêu chí môi trường, lãnh đạo TP đã chỉ đạo, tất cả các xã sau khi hoàn thiện xây dựng NTM thì tập trung về khu xử lý rác, không để tập trung xử lý ở xã hay ở huyện. Hiện tại, ngoài việc cấp 130 tỷ để xây dựng khu xử lý rác thải tập trung tại Cát Hải, thành phố cũng bố trí 2.000 tỷ để xây dựng khu xử lý rác thải BiGas. Mặt khác, TP đang cho khảo sát cho xây dựng nhà máy nghiền rác tại Đình Vũ với công suất khoảng 2.000 tấn/1 ngày, tổng mức đầu tư khoảng 215 triệu USD”, ông Thép cho biết.
Theo UBND huyện An Dương, qua hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến hết năm 2018, 15/15 xã trên địa bàn huyện được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 100%, tổng nguồn lực thực hiện chương trình trên địa bàn huyện là 5.162.542 triệu đồng.
Trong những năm qua, huyện An Dương đã chủ động chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị trên cơ sở đa dạng hóa nguồn vốn huy động, xây dựng kế hoạch đầu tư các công trình theo thứ tự ưu tiên, đến nay không còn nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.