| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng phục dựng chợ quê thời nhà Mạc

Thứ Năm 03/08/2023 , 11:49 (GMT+7)

Việc phục dựng được thực hiện thông qua tái hiện lại chợ quê thời Mạc lần thứ I vừa qua được tổ chức tại làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy.

Nhiều sản phẩm OCOP của Hải Phòng được giới thiệu. Ảnh: Đinh Mười.

Nhiều sản phẩm OCOP của Hải Phòng được giới thiệu. Ảnh: Đinh Mười.

Quảng bá sản phẩm OCOP

Trong 3 ngày diễn ra sự kiện "Chợ quê thời nhà Mạc", đã có hàng chục gian hàng trưng bày, giới thiệu, bán phục vụ đa dạng đối tượng gồm những sản vật nông nghiệp chất lượng, có thương hiệu, được đầu tư công phu, tỉ mỉ và tâm huyết từ các địa phương trong cả nước gửi đến tham gia.

“Cổng chợ có những câu đối liên quan đến việc mở chợ, phát triển giao thương thời Mạc. Trong các gian hàng có lò rèn, các đồ ngư cụ đặc trưng thời xưa như đăng, đơm, đó,… Chợ còn có những món ăn đặc trưng như bánh đa, bánh đúc và những hiển vật cổ được trưng bày”, ông Kể cho hay.

Hoạt động nhằm mục đích để lưu giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa, truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ trước để lại, sẽ là một sản phẩm văn hóa, du lịch, không đơn thuần là chợ thương mại.

Bên cạnh đó, sẽ quảng bá, giới thiệu giới thiệu được các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống được khởi nghề từ thời Mạc và các sản vật tiêu dùng, các sản phẩm OCOP nổi tiếng được làm ra ở các địa phương của Hải Phòng.

Qua đó thúc đẩy giao thương, mua bán, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế xã hội các địa phương.

Tiến sĩ Hoàng Văn Kể, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng - Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng cho biết, các chợ làng, chợ quê, cảng thị được hình thành, phát triển và hoạt động nhộn nhịp thời kỳ nhà Mạc và các triều đại phong kiến không chỉ có vai trò lịch sử nhất định trong việc trao đổi, mua bán hàng hóa, kết nối cung - cầu giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

TS Hoàng Văn Kể - Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng chia sẻ những nét độc đáo về giao thương thời kỳ nhà Mạc. Ảnh: Đinh Mười.

TS Hoàng Văn Kể - Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng chia sẻ những nét độc đáo về giao thương thời kỳ nhà Mạc. Ảnh: Đinh Mười.

Bên cạnh đó, chợ quê còn là đặc trưng, nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa, cuộc sống người dân làng quê yên ả, thanh bình, thuần khiết rất cần được lưu giữ, bảo tồn, phục dựng trong thời kỳ công nghiệp hóa, đô thị hóa, thay đổi mạnh mẽ hôm nay như những đối chứng văn hóa, lịch sử quý giá.

Vào thời nhà Mạc, những người đứng đầu đất nước đã từng nhiều lần tự tay kêu gọi xây chùa, mở chợ, khuyến khích giao thương buôn bán, phát triển kinh tế Đại Việt cả nội địa và quốc tế.

Các nguồn sử liệu và văn bia còn lưu giữ, Mạc triều được ghi nhận đã thực thi nhiều chính sách cởi mở, cách tân, tiến bộ như trọng nông, khuyến công nhưng không ức thương, cải cách hạn điền, khai khẩn đất đai, đắp đê đảo sông bảo vệ mùa màng.

Thời Mạc, hoạt động buôn bán được đẩy mạnh, hàng hóa dồi dào, hình thành các cảng thị ven sông, ven biển… Đặc biệt, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn là người dành tâm đức tôn tạo chùa chiền, mua ruộng, xây cầu, mở chợ, giúp người dân hoạt động, buôn bán.

Do vậy, việc phục dựng dựa trên cơ sở mô phỏng từ sử tích, thần tích, phả tích có thật,… đây là một nét đẹp lịch sử, văn hóa độc đảo, bản sắc của vùng đất Dương Kinh xưa và Hải Phòng ngày nay.

Hoạt động thu hút đông đảo người dân và khách du lịch. Ảnh: Đinh Mười.

Hoạt động thu hút đông đảo người dân và khách du lịch. Ảnh: Đinh Mười.

Phối hợp tham gia sự kiện này, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã giao cho Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tổ chức, triển khai 10 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm nông nghiệp của Đất Cảng.

Trong đó, có 2 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện Kiến Thụy, 1 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện Tiên Lãng, 2 gian hàng thủy hải sản đặc trưng của Hải Phòng, 2 gian hàng trưng bày các sản phẩm nước mắm OCOP, 3 gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP đặc trưng của Hải Phòng.

Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng đã phối hợp với các ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở; doanh nghiệp, cá nhân để thu thập sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng đảm bảo có tính chất đặc trưng, tiêu biểu, như: Tinh bột củ sen, mắm chắt cá cơm ủ chum, trà Núi Ngọc, bánh cốm, bánh đa, nem hải sản, chả mực, rươi, cá mòi kho, rượu Đế Vương, mật ong hoa rừng ngập mặn, gạo ruộng rươi, nếp cái hoa vàng, nấm đông trùng hạ thảo,…

Việc thiết kế, dàn dựng, gia công các gian hàng được thực hiện đảm bảo mỹ quan, phát huy được giá trị lịch sử văn hóa, khu trưng bày có tiểu cảnh cầu tre, dòng sông quê. Mỗi gian hàng được làm bằng khung nhà tre, trải nền thảm đỏ, có pano vách lưng gian hàng, pano vách ngăn gian hàng và biển tên.

Chợ quê không đơn thuần chỉ là nơi mua bán hàng hóa, mà còn là nơi giao lưu gặp gỡ, giữ gìn nét văn hóa độc đáo của nhân dân. Ảnh: Đinh Mười.

Chợ quê không đơn thuần chỉ là nơi mua bán hàng hóa, mà còn là nơi giao lưu gặp gỡ, giữ gìn nét văn hóa độc đáo của nhân dân. Ảnh: Đinh Mười.

Lưu giữ, phát huy nét đẹp truyền thống

Ông Phạm Tiến Thuật, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy đánh giá, chợ quê (nông thôn) là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, không đơn thuần chỉ là nơi mua bán hàng hóa, mà còn là nơi giao lưu gặp gỡ, giữ gìn nét văn hóa độc đáo của nhân dân.

Những năm gần đây, việc xã hội hóa xây dựng chợ nông thôn ở nhiều địa phương trong huyện đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng cường cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thương mại - dịch vụ, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương từng bước phát triển.

Trong sự phát triển chung đó, việc phục dựng và tổ chức “Chợ quê thời Mạc” không chỉ góp phần quảng bá những thành tựu đạt được trong xây dựng nông thôn mới mà còn là sự kế thừa, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của một triều đại phát tích tại Hải Phòng.

“Việc lưu giữ những nét đẹp, truyền thống văn hóa thông qua các hoạt động như thế này sẽ góp phần quảng bá được các sản phẩm truyền thống, độc đáo, đặc sắc, các sản phẩm OCOP của Hải Phòng. Đây là thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới, thông qua sự kiện này là cơ hội để giới thiệu, tuyên truyền đến với khách du lịch và người dân địa phương”, ông Thuật cho hay.

Một gian hàng tái hiện lại cảnh thầy đồ viết thư pháp bằng chữ Hán. Ảnh: Đinh Mười.

Một gian hàng tái hiện lại cảnh thầy đồ viết thư pháp bằng chữ Hán. Ảnh: Đinh Mười.

Lý giải thêm về việc phục dựng chợ quê nhà Mạc, TS Hoàng Văn Kể chia sẻ, đến bây giờ chưa có nghiên cứu đầy đủ nào phân định rạch ròi ra chợ thời nhà Mạc và chợ thời xưa, các triều đại phong kiến khác nhau như thế nào.

Chợ nhà Mạc có thể kế thừa những nét truyền thống của các chợ truyền thống của triều đại phong kiến trước nhưng phát triển gắn chợ với chùa, để người dân ra chùa có thể vào chợ và ngược lại.

Bên cạnh đó, do không có đường giao thông nên chợ được làm ven các con sông, nên cảng thị thời kỳ này rất phát triển, sầm uất, đó cũng là sự khởi đầu cho việc phát triển các cảng ở Hải Phòng.

“Chợ quê thời Mạc nhằm bảo tồn, lưu giữ bản sắc và truyền thống văn hóa tốt đẹp của miền quê vùng châu thổ Sông Hồng nói chung, vùng cố đô Dương Kinh xưa nói riêng. Việc tái hiện các hoạt động chợ quê thời Mạc không chỉ thúc đẩy giao thương, buôn bán mà còn từng bước hình thành một sản phẩm văn hóa, du lịch, lịch sử tâm linh độc đáo của thành phố Hải Phòng”, TS Hoàng Văn Kể khẳng định.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.