| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng: Rộn ràng mùa thuốc lào

Thứ Năm 04/06/2015 , 06:13 (GMT+7)

Các vùng trồng thuốc lào của Hải Phòng (tập trung ở hai huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo) đang vào mùa thu hoạch rộ.

Thuốc lào năm nay được mùa, tuy giá bán không bằng năm ngoái, song hiệu quả vẫn cao gấp 3-4 lần cây lúa.

Vụ xuân năm nay, Hải Phòng có khoảng 2.800ha thuốc lào, trong đó huyện Tiên Lãng gần 1.500ha, Vĩnh Bảo hơn 1.300ha. Năng suất đạt 1,3 – 1,6 tấn/ha, giá bán cho thương lái dao động từ 100.000 – 150.000đ/kg, trong khi năm ngoái giá tới 200.000đ/kg.

Khâu thu hái và sơ chế thuốc lào cần nhiều công lao động nên các hộ làm đổi công cho nhau. Cứ luân phiên hết nhà nọ đến nhà kia. Ngày bẻ thuốc và ngày thái thuốc của mỗi nhà cũng giống những ngày hội nho nhỏ.

Gia chủ làm cỗ mời những người làm công và anh em họ hàng như một dịp mừng ngày “hái quả” sau bao ngày vất vả gieo trồng. Không khí lao động tấp nập, khẩn trương. Việc thu hoạch thuốc lào bắt đầu từ đầu tháng 5 và sẽ kéo dài trong vòng hơn một tháng.

Bác Nguyễn Trí Thanh (thôn Đông Nha, xã Liên Am, Vĩnh Bảo), một lão nông có thâm niên trồng thuốc lào cho biết, nghề trồng thuốc lào khá vất vả, tỉ mỉ, lại đòi hỏi nhiều kỹ năng khó mà không phải ai cũng làm được.

Bằng cảm quan và kinh nghiệm, người trồng phải xác định được đúng thời điểm lá thuốc “chín” già, tích lũy đủ hương liệu, là lúc cho thu hoạch. Nếu hái sớm, lá thuốc còn xanh sẽ khiến thuốc có màu không sáng đẹp, chất lượng kém.

 “Việc thu hái và vận chuyển phải tránh lá thuốc bị ướt. Không thu hái vào buổi sáng mà chọn lúc trưa hoặc chiều, khi lá thuốc đã khô hết sương đêm. Cũng không thu hoạch vào ngày mưa hoặc sau khi mưa, lá bị ướt sẽ rất khó chế biến và có thể bị thối”, bác Thanh nói.

Lá hái về phải rọc sống lá bằng một dụng cụ chuyên dụng bằng tre (kìm tre). Việc này đòi hỏi sự khéo léo, nếu rọc không có kỹ thuật lá thuốc sẽ bị rách nát, ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.

14-14-15_hm_thuoclo2
Sau khi “dấm” lá thuốc, cuộn thuốc được thít lại một lần nữa cho chặt trước khi thái

Sau khi rọc, lá thuốc được cuộn thành những cuốn thuốc dài 2,5-2,8m, đường kính 20-25cm. Cuộn lá thuốc thành cuốn cũng là một kỹ thuật khó, đòi hỏi kinh nghiệm và sự khéo léo để cuộn thuốc không quá mềm rỗng hoặc quá cứng.

Nếu cuộn thuốc mềm thì không khí bên trong cuộn còn nhiều, dễ gây thối hoặc héo lá. Nếu cứng quá thì thuốc cũng dễ thối và lá thuốc không đủ độ “chín” khi thái...

Bà con trồng thuốc lào cho biết, khi chưa có máy thái, người dân thái thuốc bằng tay. Vài năm gần đây, đã có máy thái thuốc, giảm được công lao động, sợi thuốc cũng nhỏ và đều hơn.

Tuy thuốc được thái bằng máy nhưng người điều khiển máy vẫn đóng vai trò quan trọng, đôi bàn tay khéo léo của người thợ thái giúp cho sợi thuốc đều, nhỏ và không bị đứt chỉ.

14-14-15_hm_thuoclo4
Dùng que phơi để trải thuốc lên phên phơi cho đều

Ở những xã trọng điểm như Lý Học, Tam Cường, Hòa Bình (Vĩnh Bảo) hay Quang Phục, Kiến Thiết… (Tiên Lãng) có đến 80-90% số hộ trồng thuốc lào. Thuốc lào Tiên Lãng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý năm 2010. Còn thuốc lào Vĩnh Bảo, huyện cũng vừa hoàn thiện hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Theo bác Nguyễn Văn Síu (thôn Bình Huệ, xã Quang Phục, huyện Tiên Lãng), một bí quyết trong công đoạn phơi thuốc là phơi sương. Thuốc được phơi thông từ chiều đến 9-10 giờ tối, thời điểm sương muối xuống, thuốc được tưới sương sẽ mềm, độ dầu dẻo cao và màu sắc đẹp hơn.

Khi thuốc đã khô kiệt và chuyển màu nâu sẫm, nâu hạt cau hoặc vàng thì tiến hành đóng gói và bảo quản. Thời gian đóng gói thường vào buổi chiều tối hoặc sáng, sau khi thuốc lào được ủ từ trưa (nếu đóng vào chiều tối) hoặc từ chiều hôm trước (nếu đóng sáng hôm sau).

Theo bác Síu, trồng thuốc lào vất vả, hầu như hôm nào cũng phải ra thăm ruộng, bấm ngọn, bẻ chồi, tưới nước… Được cái, hiệu quả kinh tế gấp 3-4 lần trồng lúa. Với 9 sào thuốc lào, vụ xuân năm nay bác thu được hơn 6 tạ thuốc lào. Với giá bán 150.000đ/kg, bác thu về 90 triệu đồng.

“Thủ phủ” của cây thuốc lào cả về diện tích lẫn chất lượng thuộc xã Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng) và xã Lý Học (huyện Vĩnh Bảo). Hai xã này liền kề nhau, ngăn cách bởi con sông Hàn.

Ở xã Kiến Thiết, năng suất thuốc lào đạt tới 1,6 tấn/ha. Năm 2014, giá thuốc tăng cao vì nhiều nơi mất mùa, giá trị thu từ cây thuốc lào toàn xã đạt hơn 80 tỷ đồng với sản lượng gần 500 tấn. Nhiều hộ có thu nhập 500-600 triệu đồng từ cây thuốc lào.

14-14-15_hm_thuoclo5
Thuốc lào phơi khắp đường làng ngõ xóm, nét quen thuộc của vùng quê Tiên Lãng, Vĩnh Bảo

Cây thuốc lào đang là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.