| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng sẽ xây dựng nhà máy xử lý rác thải phát điện

Thứ Sáu 04/03/2022 , 11:52 (GMT+7)

Sở TN-MT Hải Phòng đang trình duyệt đề án liên quan đến thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải cho giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều công nghệ hiện đại.

Hơn 60% rác thải nông thôn ở Hải Phòng vẫn phải chôn lấp. Ảnh: Đinh Mười.

Hơn 60% rác thải nông thôn ở Hải Phòng vẫn phải chôn lấp. Ảnh: Đinh Mười.

Theo đề án này, đến năm 2025, thành phố Hải Phòng sẽ thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại.

Đơn cử như nhà máy đốt rác phát điện tại Đình Vũ (quận Hải An) và nhà máy đốt rác phát điện và dây chuyền sản xuất phân bón, dây chuyền tái chế tại xã Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo).

Trong đó, với nhà máy đốt rác phát điện tại Đình Vũ, có mức đầu tư khoảng 110 triệu USD cho giai đoạn 1 (2021 - 2025) với công suất 1.000 tấn/ngày, sẽ xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn các quận, huyện: Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, An Dương, đảo Cát Hải và các vùng lân cận.

Còn nhà máy đốt rác phát điện và dây chuyền sản xuất phân bón, dây chuyền tái chế tại xã Trấn Dương sẽ có quy mô công suất là 1.000 tấn/ngày, công suất phát điện khoảng 20MW.

Nhà máy có tổng mức đầu tư 110 triệu USD, diện tích 20ha, trong đó, diện tích xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện 10ha, dải cây xanh vùng đệm cách ly 5ha, đất dự phòng 5 ha.

Sẽ xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn các quận, huyện: Kiến An, Đồ Sơn, Dương Kinh, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy và các khu vực lân cận. Nhà máy cũng có dây chuyền sản xuất phân bón, dây chuyền tái chế với quy mô công suất 200 tấn/ngày.

Tại Hải Phòng, không khó để nhìn thấy hình ảnh rác thải tập kết la liệt ven đường. Ảnh: Đinh Mười.

Tại Hải Phòng, không khó để nhìn thấy hình ảnh rác thải tập kết la liệt ven đường. Ảnh: Đinh Mười.

Có thể nói, việc đề án được hoàn thiện với những đánh giá và giải pháp khá cụ thể về xử lý rác thải tại thành phố cảng vào thời điểm hiện tại là rất kịp thời, như “nắng hạn chờ mưa”, bởi lẽ vấn đề này lâu nay đã trở thành chủ đề nhức nhối tại nhiều làng quê, ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Tìm hiểu cho thấy, hiện nay, tại Hải Phòng, việc xử lý rác thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế, chủ yếu là công nghệ chôn lấp vệ sinh tại đô thị và chôn lấp tại các bãi rác tại nông thôn.

Mặt khác, tình trạng xả chất thải rắn không đúng nơi quy định vẫn còn diễn biến phức tạp, gây ô nhiễm, làm suy giảm chất lượng môi trường đất, nước, không khí.

Trong khi đó, công tác quản lý, kiểm soát chất thải đặc thù còn nhiều hạn chế, với việc gia tăng dân số và sự phát triển kinh tế thì chất thải rắn phát sinh ngày càng lớn về số lượng, đa dạng về chủng loại sẽ tiếp tục gây áp lực đến công tác xử lý rác thải.

Theo khảo sát của Sở TN-MT Hải Phòng, hiện nay, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh tại 8 huyện khoảng 822 tấn/ngày, nhưng tại các địa phương tổng cộng mới có 972 tổ thu gom của các thôn, xóm, khu dân cư đảm nhiệm và chỉ thu gom được khoảng khoảng 802 tấn/ngày.

Rác thải được tập kết ra ven đường rồi đốt cháy đen kịt, gây ô nhiễm môi trường.

Rác thải được tập kết ra ven đường rồi đốt cháy đen kịt, gây ô nhiễm môi trường.

Còn về xử lý rác thải vẫn còn nhiều bất cập, cơ bản vẫn xử lý bằng cách chôn lấp, ngoài huyện An Dương được Công ty Môi trường Đô thị Hải Phòng thu gom, xử lý tại khu xử lý chất thải Đình Vũ và huyện Thủy Nguyên, có một số xã được thu gom xử lý tại khu xử lý chất thải Minh Tân, khu xử lý rác thải Đình Vũ, Tràng Cát thì các huyện còn lại xử lý tại các bãi rác tạm.

Dù việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn hiện tại đạt chỉ tiêu đề ra nhưng còn nhiều hạn chế, các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn xử lý theo phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh dẫn tới nguy cơ quá tải, ô nhiễm.

Bên cạnh đó, chất thải nguy hại từ sản xuất nông nghiệp như: vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, chất thải từ các làng nghề được xử lý đạt tỷ lệ rất thấp, gần như chưa được xử lý.

Do đó, nếu đề án được duyệt, những vấn đề nhức nhối liên quan đến rác thải nông thôn, rác thải công nghiệp,… tồn tại nhức nhối nhiều năm nay tại thành phố cảng có nhiều triển vọng được giải quyết triệt để.

“Đề án đánh giá thực trạng công tác thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại về chất thải rắn, đảm bảo công tác xử lý chất thải rắn đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường tại Hải Phòng. Hiện tại, chúng tôi đang trình UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt”, ông Phạm Văn Thuấn - Phó Giám đốc Sở TN-MT Hải Phòng cho biết.

Hiện tại, về xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hải Phòng bằng công nghệ chôn lấp còn rất cao, chiếm tới 62%, tương đương với khối lượng khoảng 1.077 tấn/ngày.

Chế biến phân vi sinh chiếm 4%, chủ yếu tại khu xử lý chất thải rắn Tràng Cát với công suất 200 tấn/ngày nhưng hiện nay mỗi ngày chỉ xử lý được 70 tấn chất hữu cơ thành phân mùn, còn công nghệ xử rác thải sinh hoạt bằng lò đốt cỡ nhỏ rất ít, chỉ chiếm có 2%.

Còn lại, trên địa bàn các huyện đang có đến 137 bãi rác tạm, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn nhưng không đảm bảo theo quy định, không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường với lượng rác lên tới 562 tấn/ngày.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Biến lá bồ đề thành sản phẩm tranh độc đáo

Sóc Trăng Khai thác giá trị từ lá bồ đề, thanh niên trẻ sáng tạo ra sản phẩm tranh trang trí độc đáo, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Sóc Trăng.

Bình luận mới nhất