| Hotline: 0983.970.780

Hải Phòng: Xâm hại công trình thủy lợi ngày càng tăng

Thứ Hai 25/11/2019 , 10:55 (GMT+7)

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cảng, việc xây dựng và phát triển nhanh chóng cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp, đô thị, dân cư, sự thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp dẫn đến tình trạng xâm hại đến công trình thủy lợi có xu hướng gia tăng.

Vi phạm gia tăng ở khu vực ven đô

Thành phố Hải Phòng hiện có 6.968 km kênh mương và có tới hiện có hơn 700 điểm xả nước thải vào công trình thủy lợi (trên 5m3). Trong đó, có 234 điểm xả từ các khu dân cư, làng nghề, trang trại chăn nuôi tập trung và 467 điểm xả phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Nhiều hệ thống kênh mương thủy lợi ở Hải Phòng ô nhiễm nặng do một lúc thực hiện 2 chức năng từ xả thải. Ảnh: ĐM

Trong đó, tình trạng vi phạm hành chính thủy lợi hoặc xâm hại đến công trình thủy lợi như: xả nước thải trái phép, đổ vật liệu, lấn chiếm diện tích hành lang trình thủy lợi để xây dựng lều quán, các công trình của các dự án…  có xu hướng tăng ở các khu vực ven đô.

Thống kê của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai (TL&PCTT) Hải Phòng cho thấy, trong 700 điểm xả thải vào các công trình thủy lợi, thì hệ thống kênh mương ở các huyện, quận ven đô chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể, hệ thống công trình thủy lợi An Hải có tới 210 cơ sở, xả thải, hệ thống công trình thủy lợi Đa Độ có 174 cơ sở xả thải, tiếp đến là Thủy Nguyên với 35 cơ sở xả thải. Các hệ thống công trình thủy lợi ở các huyện xa trung tâm, có hoạt động kinh tế phát triển chậm hơn như Tiên Lãng, Vĩnh Bảo… chỉ trên dưới 20 cơ sở xả thải.

Ông Nguyễn Thế Tiễn – Trưởng phòng Quản lí nước và công trình Công ty TNHH MTV An Hải chỉ cho PV khu vực kênh bị ô nhiễm do xả thải từ khu dân cư. Ảnh: ĐM

Chỉ vào địa điểm thoát nước tràn mặt thải ra kênh tưới của trạm bơm Bạch Mai, Ông Nguyễn Thế Tiễn – Trưởng phòng Quản lí nước và công trình Công ty TNHHMTV An Hải cho biết:

“Đây là khu vực kênh tưới cho sản xuất nông nghiệp của 2 xã An Đồng và Đồng Thái. Khu vực này dân cư đông đúc, đặc biệt là có khu chung cư Hoàng Huy. Hiện nay, các điểm đấu nối khu xả thải của dân cư đang thải ra, gây ô nhiễm nguồn nước. Người dân có ý kiến phản ánh, nay Công ty đã đề nghị công ty thoát nước Hải Phòng xử lí. Theo người dân ban đêm vẫn có tình trạng xả thải ra hệ thống kênh”.

Cũng như tình trạng xả thải, cùng với quá trình đô thị hóa, sự phát triển nhanh chóng về hạ tầng kỹ thuật, các hoạt động vi phạm ở các huyện, quận ven đô cũng phổ biến hơn rất nhiều so với các huyện ở xa trung tâm..

Tính đến đầu tháng 11/2019, toàn Hải Phòng có 210 hoạt động vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi thì phần đa tập trung nhiều ở các công trình thủy lợi ven đô như hệ thống thủy lợi An Hải, Đa Độ, Thủy Nguyên...

Vai trò xử lí vi phạm từ cơ sở mờ nhạt

Hải Phòng là một trong số ít các địa phương sớm có “Quy chế phối hợp xử lý vi phạm hành chính về thủy lợi và đê điều”. Nhờ đó, thời gian qua, cơ quan chức năng đã xử lý được hàng loạt hành vi phạm hành chính thủy lợi và các hành vi xây dựng, lấn chiếm trong phạm vi công trình thủy lợi. Tuy nhiên, hiện  tại việc phát huy quy chế xử lí ở địa phương còn hạn chế.

Công trình vi phạm hành lang công trình thủy lợi ở huyện An Dương được lực lượng chức năng xử lí đầu năm 2019. Ảnh: ĐM

Tính đến đầu tháng 11/2019, toàn Hải Phòng có 210 hoạt động vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi... Nhưng trong xử lí vi phạm, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi phối hợp với Ủy ban nhân dân xã (phường) mới ngăn chặn và xử lý dứt điểm 160 vụ việc liên quan đến vi phạm dụng công trình, lấn chiếm hành lang bảo vệ CTTL, vi phạm cản trở dòng chảy… Còn nhiều vụ việc sai phạm đã rõ, đã có cơ sở xử lí nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện dứt điểm.

Theo Chi cục TL&PCTL, việc xử lí các hành vi vi phạm hành chính thủy lợi đã có quy chế quy định trách nhiệm phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, người có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân trong công tác kiểm tra phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm, tổ chức cưỡng chế, khắc phục hậu quả các hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi và đê điều trên địa bàn. 

Tuy nhiên, việc xử lí vi phạm liên quan đến xâm phạm các công trình thủy lợi theo quy chế ở chính quyền cơ sở vẫn chưa quyết liệt, vẫn còn tình trạng cả nể, không dứt điểm hoặc xử lí chiếu lệ. Ví dụ như việc xử lí công trình vi phạm hành lang công trình thủy lợi ở kênh Chanh Dương hoặc một công trình vi phạm về xây dựng trên hệ thống thủy lợi Đa Độ… phải nhiều lần đôn đốc nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa xử lí được.

Lực lượng chức năng lấy mẫu xả thải ra công trình thủy lợi để xác định tình trạng vi phạm và xử lí theo quy định. Ảnh: ĐM

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là việc thực hiện trách nhiệm xử lý vi phạm hành chính Thủy lợi của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa cương quyết, chưa kịp thời. Các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, giao thông đường thủy còn có những bất cập liên quan đến việc quản lý sử dụng đất trong hành lang bảo vệ công trình thủy lợi.

Mặt khác, lực lượng chuyên trách về công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính về thủy lợi còn rất mỏng, trong khi trách nhiệm nhiều cơ quan, đơn vị được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực Thủy lợi chưa thực sự vào cuộc trong công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Ông Nguyễn Bá Tiến – Chi cục trưởng Chi cục TL&PCTT Hải Phòng cho biết: Với 1 thành phố trong quá trình phát triển công nghiệp, đô thị hóa, công tác quản lí thủy lợi gặp nhiều khó khăn, thách thức. Những năm gần đây, vi phạm từ hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi của các tổ chức, cá nhân diễn ra trên các hệ thống công trình thủy lợi tồn tại nhiều, đặc biệt đối với các huyện ngoại thành chưa có hệ thống thu gom nước thải riêng biệt. Ý thức chấp hành pháp luật về thủy lợi của một bộ phận dân cư, một số tổ chức doanh nghiệp còn hạn chế, thậm chí có ý, chây ỳ, không tự giác chấp hành pháp luật.

Hải Phòng có 17.084 tuyến kênh mương, dài là 6.968 km, cung cấp nước tưới cho trên 100.000ha đất canh tác nông nghiệp và cung cấp 90 triệu m3 nước thô mỗi năm. Đồng thời, cũng chính những công trình này là nơi tiếp nhận đến hơn 60% tổng lượng nước thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nước thải từ hoạt động sinh hoạt của cộng đồng dân cư trên địa bàn.

 

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam

Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ 'Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại', thể hiện niềm kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.