Theo công văn 1739 của UBND tỉnh Long An ngày 3/4 kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ cho các DN cho XK lại gạo nếp không giới hạn số lượng.
Trong công văn, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho rằng: Long An là tỉnh có diện tích trồng nếp chiếm khoảng 30-32% diện tích của toàn tỉnh, riêng vụ ĐX diện tích trồng nếp chiếm 65.000ha.
Do thói quen của người dân Việt Nam có nhu cầu về lương thực là gạo mà không có thói quen dùng lúa nếp nhiều. Các DN XK lúa gạo trên địa bàn đã ký chưa giao hàng từ đây đến cuối năm 2020 là 204.571 tấn gạo, trong đó thị trường Trung Quốc là 44.303 tấn (chủ yếu là nếp). Theo thống kê hiện nay các DN tồn kho nếp là 55.937 tấn.
UBND tỉnh Long An kiến nghị đến Chính phủ cho XK lại mặt hàng nếp không giới hạn số lượng, có mã HS 1006.30 nhằm để giải quyết lượng tồn kho nếp trong các DN, giúp DN tiếp tục thu mua nếp của người dân với giá thu mua tốt hơn.
Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, An Giang vừa có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo cho nông dân và DN ở tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, tỉnh An Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép được ưu tiên XK nếp và các loại giống lúa Japonia (hạt tròn). Hiện nông dân An Giang gieo sạ hàng năm hơn 115.000 ha nếp, tương đương 747.500 tấn nếp chưa bóc vỏ và khoảng 10.000 ha lúa hạt tròn với sản lượng 75.000 tấn/năm.
Đến nay, tổng lượng kho tồn của các DN kinh doanh, XK lúa gạo, nếp tỉnh An Giang đạt 109.546 tấn lúa gạo và 151.650 tấn nếp. Quy đổi sang gạo, nếp đạt 206.423 tấn. Trong đó bao gồm dự trữ lưu thông là 5%.
Mục tiêu sản xuất 2 sản phẩm trên chủ yếu để phục vụ XK (không dành tiêu thụ trong nước) và những năm qua nông dân cùng DN liên kết, hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ có hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỉnh An Giang cũng kiến nghị cho phép thực hiện các hợp đồng XK đang có hiệu lực, trong đó ưu tiên cho XK sớm số lượng gạo đã và đang làm thủ tục khai báo hải quan, tồn đọng tại cảng, cùng số lượng gạo đã ký hợp đồng đến hết năm 2020.
Theo tính toán, đến hết tháng 4/2020, toàn tỉnh có khoảng 48.475 tấn gạo không giao theo hợp đồng đã ký của 16 DN, tương đương với 23,6 triệu USD (giá xuất 487 USD/tấn). Nếu trường hợp tạm dừng XK đến tháng 5/2020 thì tiếp tục có 33.800 tấn gạo không xuất được. Toàn tỉnh sẽ còn khoảng 82.275 tấn gạo không giao hàng theo hợp đồng đã đăng ký.
UBND tỉnh An Giang cũng cho biết thêm, năm 2020 dự kiến toàn tỉnh sản xuất khoảng 4 triệu tấn lúa, quy ra khoảng trên 2 triệu tấn gạo.
Ông Nưng đánh giá, hiện nay, ngoài các DN thu mua bán nội địa có khoảng 18 DN thu mua lúa gạo trên địa bàn An Giang để XK.
Phần lớn các DN này đều có liên kết tiêu thụ thu sản phẩm với người dân, trực tiếp giải quyết lúa gạo đầu ra cho nông dân. Nếu tạm dừng hoặc hạn chế XK gạo thì DN có khả năng bị phạt vi phạm hợp đồng, uy tín giảm sút, mất thị trường, lãi suất ngân hàng, thanh toán người dân, kế hoạch XK cho mùa vụ sau…
Còn nông dân sản xuất sẽ thiếu vốn tái đầu tư cho mùa vụ sau, không an tâm sản xuất do đầu ra không ổn định và giá lúa bấp bênh.
Hiện nay, tỉnh An Giang cùng với cả nước chung tay chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đồng thời đang tìm mọi biện pháp để hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Việc XK các mặt hàng cũng bị ảnh hưởng, nhưng chủ lực gạo là điểm sáng, bù đắp lại cho các mặt hàng khác. Trong khi đó lúa gạo được sản xuất ra, DN đã tìm được thị trường XK, ký kết hợp đồng, giá tốt… Nếu dừng hay hạn chế XK gạo DN sẽ bị thiệt hại rất lớn và càng tạo khó khăn cho thị trường.
Vì vậy, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Chính phủ căn cứ vào yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực và có chủ trương cho XK phù hợp. Về việc ký hợp đồng mới XK gạo, sẽ tuân thủ theo chủ trương, chính sách của Chính phủ về an ninh an toàn lương thực trong bối cảnh thời tiết dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên kiến nghị Chính phủ cần sớm quyết định để người dân và DN, chính quyền địa phương chủ động trong sản xuất kinh doanh và điều hành quản lý nhà nước.
Chính sách XK có kiểm soát ổn định ít nhất là hàng năm, có những giải pháp phù hợp khi hạn chế XK không làm ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống nhân dân, không phá vỡ liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo giữa nông dân và DN. Đây cũng chính là vấn đề quan trọng nhất trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nông nghiệp như An Giang.