| Hotline: 0983.970.780

'Hái vàng' nhờ nhãn xuồng cơm vàng

Thứ Sáu 30/06/2023 , 15:06 (GMT+7)

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Với sự hỗ trợ đồng bộ gói kỹ thuật trồng, cải tạo vườn nhãn theo hướng hữu cơ, sinh học, các vùng nhãn giá trị thấp ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã bội thu.

Áp dụng đồng bộ kỹ thuật mới, năng suất gấp đôi

Vùng trồng nhãn VietGAP huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) những ngày này đang vào đầu mùa thu hoạch, các nhà vườn tập trung hái nhãn để cung ứng cho các cơ sở thu mua phân phối ra thị trường trong nước và đóng hàng xuất khẩu. Trên đường nông thôn mới ven biển, những chuyến xe chở đầy thùng trái tươi vừa thu hoạch đang hối hả từ vườn nhãn về các cơ sở đóng gói.

Hiện các nhà vườn ở Long Mỹ đang tập trung hái nhãn cung ứng ra thị trường trong nước và đóng hàng xuất khẩu. Ảnh: Minh Sáng.

Hiện các nhà vườn ở Long Mỹ đang tập trung hái nhãn cung ứng ra thị trường trong nước và đóng hàng xuất khẩu. Ảnh: Minh Sáng.

Dẫn chúng tôi xem vườn nhãn xuồng cơm vàng đang thu hoạch trái, anh Nguyễn Trung Kiên, tổ 21, ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ (huyện Đất Đỏ) hào hứng tâm sự: “Vườn nhãn của gia đình tôi áp dụng quy trình VietGAP theo hướng hữu cơ do Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (IAS) hỗ trợ kĩ thuật. Cả vườn giờ chỉ dùng phân hữu cơ, thuốc sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng nhãn ngọt, cơm dày, trái to, bóng đẹp nên bán được giá cao. Sáng nay tôi vừa thu được khoảng 2 tạ trái, thương lái đến tận vườn thu mua với giá cao”.

Theo anh Kiên, người trồng nhãn xuồng cơm vàng ở xã Long Mỹ chưa bao giờ có được niềm vui nhãn trúng giá như năm nay. Do bà con áp dụng quy trình và canh tác theo hướng hữu cơ nên nhãn đạt năng suất, chất lượng vượt trội và bán được giá cao. Có những vườn thu hoạch rộ bán cả vườn cũng đươc giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân trồng nhãn thu lời từ 170 - 240 triệu đồng/ha.

Trước kia, vườn nhãn của gia đình anh Kiên chủ yếu canh tác theo kinh nghiệm, thường xài phân, thuốc hóa học nhiều khiến sâu bệnh phát triển mạnh, vườn cho năng suất và sản lượng kém, bán giá không cao. Thậm chí có năm còn bị đổ bỏ cả tấn trái vì dính mùa mưa, nhãn không đạt, thương lái không mua.

Vườn nhãn của gia đình anh Kiên áp dụng quy trình VietGAP, theo hướng hữu cơ do Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (IAS) hỗ trợ kĩ thuật giúp đạt năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Lê Bình.

Vườn nhãn của gia đình anh Kiên áp dụng quy trình VietGAP, theo hướng hữu cơ do Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (IAS) hỗ trợ kĩ thuật giúp đạt năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Lê Bình.

Hiện nay, anh Kiên đã áp dụng quy trình kỹ thuật mới theo VietGAP trên diện tích gần 1ha nhãn xuồng cơm vàng (khoảng 200 cây), vụ này ước sẽ thu hoạch được khoảng trên 5 tấn trái. Tính ra mỗi ha nhãn cho thu lời bằng 5ha lúa ở địa phương.  

Vườn nhãn xuồng cơm vàng của gia đình anh Kiên đến nay được 8 năm tuổi, nhìn cây nào cũng cho trái rất sung, to đều, vỏ vàng da bò, nhẵn bóng, ăn có mùi thơm nhẹ, vị ngọt, không chua và không chát. Theo đánh giá của anh Kiên, nếu áp dụng đúng theo quy trình kĩ thuật của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam hướng dẫn sẽ đỡ được chi phí phân thuốc, giúp cải tạo đất vườn, hạn chế được sâu bệnh trên vườn, nhãn cho chất lượng ngon, năng suất cao, tăng sản lượng và nhất là thu hoạch được sớm sẽ bán giá cao hơn.  

Ông Nguyễn Văn Tư, Giám đốc HTX Sản xuất nhãn xuồng cơm vàng xã Long Mỹ cũng nhận xét, do áp dụng theo quy trình kỹ thuật mới nên cây nhãn cho năng suất, chất lượng cao, đáp ứng tốt theo nhu cầu khách hàng, thị trường đầu ra cũng ổn định.

“Đến nay, các thành viên trong Hợp tác xã chúng tôi đều nắm vững quy trình canh tác theo hướng hữu cơ. Từ đó, bà con tổ chức liên kết, hỗ trợ nhau với tinh thần “3 chung” gồm làm chung, mua chung, bán chung. Các thương lái vào tận vườn thu mua với giá cao vì chất lượng nhãn ngon, mẫu mã đều, đẹp, bà con rất phấn khởi”, ông Tư chia sẻ.

Những vườn nhãn giá trị thấp như đã 'hồi sinh', cho năng suất, chất lượng cao sau khi áp dụng đồng bộ gói kỹ thuật canh tác. Ảnh: MS.

Những vườn nhãn giá trị thấp như đã "hồi sinh", cho năng suất, chất lượng cao sau khi áp dụng đồng bộ gói kỹ thuật canh tác. Ảnh: MS.

Theo ông Tư, vườn nhãn của gia đình ông hiện đã thu được phân nửa diện tích. Với 5 sào nhãn xuồng cơm vàng VietGAP, dự kiến vụ này ông sẽ thu được 3 tấn trái, năng suất đạt gấp đôi so với những năm chưa áp dụng quy trình kỹ thuật mới. Sau khi trừ hết chi phí, ông còn lời khoảng 80 triệu đồng.

Tăng gấp đôi diện tích và sản xuất hữu cơ, sinh học

Thạc sĩ Chu Trung Kiên (Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam), Chủ nhiệm dự án xây dựng mô hình sản xuất nhãn VietGAP theo hướng hữu cơ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Trước khi dự án triển khai, người dân trồng nhãn ở địa phương chủ yếu chỉ dựa vào kinh nghiệm, canh tác theo kiểu truyền thống, các hộ thường sử dụng nhiều phân thuốc hóa học. Qua kiểm tra, lượng tồn dư các loại thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm còn khá nhiều”.

Hiện hầu hết các nông hộ trồng nhãn trên địa bàn huyện Đất Đỏ đã chuyển sang sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ đã qua xử lý, giúp vườn nhãn cho năng suất và chất lượng vượt trội. Ảnh: Lê Bình.

Hiện hầu hết các nông hộ trồng nhãn trên địa bàn huyện Đất Đỏ đã chuyển sang sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ đã qua xử lý, giúp vườn nhãn cho năng suất và chất lượng vượt trội. Ảnh: Lê Bình.

Theo thạc sĩ Kiên, hiện nay trên địa bàn huyện Đất Đỏ có gần 100ha nhãn, sản lượng đạt khoảng 800 tấn/năm (thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm). Sau khi Dự án triển khai, hầu hết các nông hộ trồng nhãn trên địa bàn đã chuyển sang sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ đã qua xử lý, sẵn sàng đầu tư những loại phân hữu cơ nhập khẩu có chất lượng cao để thay thế các loại phân chuồng nên đã đem lại sự cải thiện rõ rệt.

Đặc biệt về sâu bệnh hại, thối trái là một trong những bệnh khá phổ biến trên cây nhãn, nhưng đến nay nhờ áp dụng các sản phẩm sinh học, từ khâu quản lý các nguồn bệnh trên vườn đến quá trình sử dụng thuốc sinh học để phòng trừ đã giúp tỉ lệ thiệt hại do thối trái và ruồi vàng giảm đáng kể (chỉ còn khoảng 10% so với 20 – 30% trước kia).

Dự án cũng đã giúp tăng chất lượng trái nhãn, đồng thời giảm dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, không còn dư lượng trong trái. “Thực tế trước kia, vùng nhãn xuồng cơm vàng của bà con thường bị ruồi vàng tấn công rất nặng, do đó chúng tôi hướng dẫn bà con giải pháp quản lý và áp dụng đúng quy trình phòng trừ hiệu quả nên đã giúp giảm thiệt hại”, Thạc sĩ Kiên cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Long Mỹ cho biết: Nhờ Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam hỗ trợ thay đổi tập quán sản xuất của người dân, sử dụng các chế phẩm sinh học nên đã giúp cây nhãn có sản lượng và chất lượng tốt hơn, qua đó diện tích cây trồng này ở địa phương đã tăng lên gấp đôi.

Vào mùa thu hoạch nhãn, nông dân phấn khởi vì nhãn vừa được mùa, vừa được giá. Ảnh: Minh Sáng.

Vào mùa thu hoạch nhãn, nông dân phấn khởi vì nhãn vừa được mùa, vừa được giá. Ảnh: Minh Sáng.

Đặc biệt, cùng với sự tuyên truyền, vận động của địa phương, bà con đã đi vào sản xuất tiên tiến hơn, áp dụng khoa học kỹ thuật và bước đầu hình thành tổ liên kết sản xuất và đến nay phát triển lên hợp tác xã để cùng nhau sản xuất, mua bán, tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Sơn, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với cán bộ kỹ thuật của Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam hỗ trợ người dân tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ sản xuất tiên tiến. “Mô hình trồng nhãn xuồng cơm vàng theo hướng VietGAP đang mở ra hướng đi mới trong việc phát huy tiềm năng kinh tế vườn, giúp bà con địa phương phát triển kinh tế ổn định, bền vững”, ông Sơn nói.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cây nhãn xuồng cơm vàng được trồng nhiều ở các huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Tân Thành, TP Vũng Tàu. Các vùng đất cát trên địa bàn tỉnh giàu kali và một số vi lượng khác, thời tiết phù hợp nên nhãn xuồng của địa phương có màu vàng rất đặc trưng, cơm dày, vị ngọt đậm vượt trội so với những vùng đất khác. Hiện nhãn xuồng cơm vàng của tỉnh đã được bán tại nhiều siêu thị cũng như được khách du lịch ưa chuộng, giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.