| Hotline: 0983.970.780

Hàm Châu và trí thức tinh hoa Việt Nam

Thứ Ba 15/04/2014 , 09:28 (GMT+7)

“Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại - Một số chân dung” vừa ra mắt đã lập tức gây tiếng vang trong tầng lớp trí thức cấp cao ở Thủ đô.

NXB Trẻ vừa giới thiệu cuốn sách của nhà báo Hàm Châu “Trí thức tinh hoa Việt Nam đương đại - Một số chân dung”, dày hơn 1.200 trang và 150 bức ảnh chân dung có tính lịch sử độc đáo.

Dù cuốn sách chỉ mới lác đác xuất hiện tại Hà Nội nhưng vì các nhân vật trong sách đều là những trí thức tinh hoa của đất nước, và con cháu họ rất nhiều người thành đạt, như các gia đình: GS Nguyễn Văn Huyên, GS Nguyễn Lân, GS Hoàng Minh Giám, GS Đặng Vũ Hỷ, GS Đặng Văn Ngữ... nên lập tức gây tiếng vang trong tầng lớp trí thức cấp cao ở Thủ đô.

Mỗi bài viết là một bức chân dung rõ nét về cuộc sống và sự nghiệp của những trí thức hàng đầu đất nước qua con mắt quan sát tinh tế, kỹ lưỡng của nhà báo Hàm Châu (cộng tác viên thân thiết của Báo NNVN). Nói như nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc thì “cuốn sách là một bích họa hoành tráng phản ánh giai đoạn lịch sử Việt Nam đương đại”.

56 gương mặt được giới thiệu trong cuốn sách này là những nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư, nhà văn hóa... Từ những trí thức thuở lập quốc như các GS: Tạ Quang Bửu, Hồ Đắc Di, Hoàng Minh Giám, Tôn Thất Tùng.... đến các thế hệ sau này như: Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn...

Với cuốn sách này, người đọc sẽ tìm thấy niềm tự hào về những thế hệ người Việt đã tiếp cận nền khoa học nhân loại, và cả những tiếc nuối về những công trình khoa học và nghệ thuật bị dở dang vì những lý do khác nhau.

Có nhiều nhầm tưởng rằng cuốn sách chỉ in lại những bài ký báo chí mang chất thông tấn trước đây của tác giả, nhưng thực chất là những bài ký văn học viết mới với nhiều chi tiết sống động và được thể hiện bằng ngôn từ uyển chuyển.

Ở đây, thái độ của một người cầu tiến và phẩm chất của một “đồ Nghệ” đã giúp tác giả vượt qua những trở ngại về tư liệu cũng như sự ít ỏi của truyền thông khoa học kỹ thuật nhiều thập niên, để dựng nên bức tranh toàn cảnh về không khí học thuật, ghép từ những chân dung đơn lẻ.

Nói cách khác, Hàm Châu đã trực tiếp "vẽ" chân dung bằng ngôn từ, qua những cuộc tiếp xúc, chuyện trò với nhân vật. Những tư liệu trong cuốn sách là do tác giả tự sưu tập trong suốt cuộc đời làm báo của mình chứ không phải tập hợp tư liệu qua sách báo.


Tác giả - nhà báo Hàm Châu - trong cuộc phỏng vấn của VTV1

Còn hầu hết chân dung trong cuốn sách là những người tác giả nhiều lần gặp gỡ, đúng như ông thừa nhận: “Tôi là người rất “bạo phổi”. May mắn của tôi khi được gặp gỡ những nhà văn hóa lớn như Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Đặng Thai Mai, Nguyễn Xiển, Nguyễn Lân... trước khi họ về với đất mẹ”.

Cuốn sách được viết bằng văn phong đặc trưng của Hàm Châu, không quá đi sâu vào kiến thức chuyên ngành mà chủ yếu khắc họa chân dung người làm khoa học. Ngôn từ dung dị, giàu cảm xúc, đậm màu sắc văn chương và triết luận, khiến người đọc dễ dàng tiếp nhận và suy tư. Ông thường tìm hiểu rất kỹ nhân vật, thu thập tài liệu về nhân vật đến mức nhiều nhất có thể, rồi mới bắt đầu cầm bút viết.

Khoa học thường không dễ hiểu nhưng Hàm Châu có tài trình bày để độc giả phổ thông có thể hiểu được các vấn đề phức tạp.

“Lịch sử nền khoa học và sáng tạo Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống chưa được lấp, và cuốn sách của nhà báo Hàm Châu là một nỗ lực góp phần lấp đầy khoảng trống đó”, giới thiệu về cuốn sách của NXB Trẻ.

“Cuốn sách này tôi viết với văn phong khá hiện đại nên giới trẻ có thể dễ dàng đón nhận. Nhiều bài viết trong cuốn sách tôi viết riêng cho giới trẻ. Tôi luôn đau đáu một suy nghĩ, những lý tưởng cống hiến và hy sinh cho xã hội, cho Tổ quốc đang bị phai nhạt đi trong giới trẻ hiện nay, đây là điều người làm văn hóa như tôi rất buồn”, nhà báo Hàm Châu chia sẻ.

Dù sức khỏe đã giảm sút nhưng toàn bộ quá trình viết cuốn sách, Hàm Châu đã tự tay đánh máy bản thảo. “Nhiều đoạn trong cuốn sách tôi viết bằng các ngoại ngữ khác nhau nên tôi muốn tự mình đánh máy để không xảy ra những hạt sạn trong việc dịch thuật từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, đem lại cho người đọc sự nuột nà của một tác phẩm kỳ công”, tác giả lý giải.

Có những đoạn in nguyên văn một số bài thơ tiếng Pháp (ví dụ, bài thơ của Tôn Thất Tùng sáng tác ở Việt Bắc đầu năm 1947) hay chữ Hán (thơ Hồ Chí Minh, Đỗ Phủ...) và đôi khi tên tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Anh... 

Nhưng không phải để "khoe chữ" một cách vô lối, mà là để giúp các giáo sư trong nước và trí thức Việt kiều có thể tra cứu dễ dàng hơn, đồng thời, giúp những ai thông thạo ngoại ngữ không phải đánh mất cái thú được thưởng thức vẻ đẹp và sự tinh tế ý nhị chỉ có trong nguyên tác. Điều này cũng thể hiện sự trân trọng của tác giả với số bạn đọc chọn lọc này. 

Văn phong mà Hàm Châu lựa chọn để viết là văn phong hàn lâm hòa quyện với văn phong nghệ thuật. Trong cuốn sách này, tác giả không hề đưa ra một kết luận mang tính chủ quan nào. Tác giả chỉ “vẽ” chân dung, còn thái độ đối với từng “bức họa” là quyền của độc giả. Vì thế, cuốn sách không đem lại chút khiên cưỡng nào về mặt cảm thụ cho độc giả. Quyền tự do đánh giá của độc giả là điều mà Hàm Châu luôn tôn trọng.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất