| Hotline: 0983.970.780

Sắp xếp, đổi mới Cty nông, lâm nghiệp: Chuyển biến căn bản, tích cực

Thứ Hai 18/11/2019 , 08:43 (GMT+7)

Hôm nay (18/11), Chính phủ tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Cty nông, lâm nghiệp.

16-23-50_1
Nhiều Cty lâm nghiệp đã bước đầu có chuyển biến trong hoạt động SX kinh doanh sau khi sắp xếp, đổi mới hoạt động.

Theo đánh giá của BCĐ Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của Chính phủ, mặc dù còn những khó khăn, bất cập, tuy nhiên sau 5 năm triển khai sắp xếp, đổi mới, các Cty nông, lâm nghiệp đã có những chuyển biến tích cực. tạo được tiền đề cho phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Cụ thể, theo báo cáo của các địa phương - đơn vị, đến ngày 30/6/2019, đã có 160/256 Cty nông, lâm nghiệp hoàn thành việc sắp lại hoạt động theo quy định với các mô hình mới, đạt 62,5% (còn 27 Cty chưa thực hiện hiện sắp xếp, chiếm 10,54%). Trong đó, chuyển thành Ban quản lý rừng có 05 Cty (đạt 100%) tại Sơn La, Yên Bái, Đắk Lắk, Đắk Nông, Nghệ An; hoàn thành giải thể 13/28 Cty theo kế hoạch.

Đối với các Cty nông, lâm nghiệp sắp xếp, chuyển sang các mô hình hoạt động mới, đến nay, có 4 mô hình sắp xếp, đổi mới lại hoạt động của các Cty nông, lâm nghiệp đã được triển khai và bước đầu đã cho thấy những hiệu quả, cũng như một số hạn chế nhất định.

Một là chuyển sang hoạt động theo mô hình Cty TNHH MTV 100% vốn nhà nước, thực hiện nhiệm vụ SX kinh doanh, hiện đã có 19/21 Cty đã hoàn thành sắp xếp, đạt 90,48% (trong đó Cty nông nghiệp hoàn thành 16/18 Cty, Cty lâm nghiệp hoàn thành 03/03 Cty).

Sau khi hoàn thành việc sắp xếp, hoạt động lại theo mô hình này, bước đầu cho thấy các Cty đã hoạt động SX kinh doanh ổn định; tài nguyên, đất đai được bảo vệ tốt. Tuy nhiên, đối với một số Cty lâm nghiệp, diện tích quản lý chủ yếu là rừng tự nhiên, nguồn thu chủ yếu từ khai thác gỗ, trong khi đó hiện nay Chính phủ đã dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên nên bước đầu đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động SX kinh doanh.

Hai là mô hình Cty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước thực hiện nhiệm vụ SX cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích (chỉ áp dụng với Cty lâm nghiệp), hiện đã hoàn thành sắp xếp 59/60 Cty, đạt 98,33%.

16-23-50_2
Cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các Cty lâm nghiệp quản lí rừng tự nhiên với dịch vụ công ích.

Đến nay, mới chỉ có 13/28 Cty nông, lâm nghiệp hoàn thành việc giải thể, đạt 46,4%, gồm Cty nông nghiệp 4/12 (đạt 33,33%), Cty lâm nghiệp 9/16 (đạt 56,25%).
Việc giải thể triển khai còn chậm bởi các Cty thực hiện giải thể đều trong tình trạng quản trị yếu kém, thua lỗ kéo dài, không quản lý được vườn cây, đất đai, giá trị tài sản thấp, không có khả năng trả nợ. Nhiều Cty không đủ cân đối chi trả chế độ cho người lao động, thanh toán các khoản nợ vay... nên việc thực hiện giải thể đang gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương đề nghị chuyển sang phá sản DN (Cty Nông nghiệp Quý Cao, Hải Phòng; Cty Lâm nghiệp Trà Tân, Quảng Ngãi; Lâm trường Lục Yên, Lâm trường Văn Yên, Yên Bái). Tuy vậy, Nghị quyết 30-NQ/TW, Nghị định 118/2014/NĐ-CP không quy định phá sản Cty nông, lâm nghiệp trong quá trình sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp.

Về cơ bản, sau sắp xếp theo mô hình này, các Cty đã được rà soát, xác định ranh giới đất đai, công tác quản lý đất, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, công tác quản trị DN chưa thay đổi đáng kể; kinh phí đặt hàng giao nhiệm vụ công ích chưa được triển khai trên thực tế; vốn điều lệ thấp, hoạt động vẫn chủ yếu trông chờ vào nguồn kinh phí bảo vệ rừng do Nhà nước cấp...

Vì vậy, cũng như mô hình Cty TNHH MTV 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ SX kinh doanh, thời gian tới, cần phải có thêm cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước, đặc biệt là các đơn vị quản lí rừng tự nhiên, rừng phòng hộ...

Đồng thời, cần sự năng động, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế từ rừng như du lịch, trồng và khai thác lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, tăng cường chi trả dịch vụ môi trường rừng...

Mô hình sắp xếp, đổi mới hoạt động thứ ba là chuyển sang cổ phần hóa. Hiện đã có 49/102 Cty hoàn thành sắp xếp lại theo mô hình này (đạt 48,04%), gồm Cty nông nghiệp 40/72 (đạt 55,56%); Cty lâm nghiệp 09/30 (đạt 30%).

Nhìn chung sau khi sắp xếp, Cty cổ phần đã có chuyển biến tích cực về tổ chức quản lý và quản trị DN; chủ động hơn trong hoạt động SX kinh doanh; minh bạch về tài chính, đất đai; tăng khả năng thu hút vốn đầu tư, tăng doanh thu và lợi nhuận.

Tuy vậy, đối với các Cty cổ phần Nhà nước nắm cổ phần chi phối, vẫn khó thu hút nhà đầu tư bên ngoài. Đối với Cty Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, cũng gặp khó khăn trong quản lý đất đai, quản lý rừng, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của DN với ổn định đời sống hộ nhận khoán.

Một số Cty vẫn khó khăn về tài chính, thua lỗ, không quản lý được đất đai, dẫn đến phải giải thể (như Công ty cổ phần cao su 1/5, Tây Ninh).

Với mô hình sắp xếp theo dạng Cty TNHH hai thành viên trở lên, hiện cả nước đã có 40 Cty đã hoàn thành sắp xếp (đạt 38,46%), gồm Cty nông nghiệp 07/18 (đạt 38,89%); Cty lâm nghiệp 08/22 (đạt 34,78%).

Mô hình này đã thu hút được một số nhà đầu tư có năng lực về quản trị, vốn, khoa học công nghệ, tổ chức SX kinh doanh theo chuỗi; phù hợp với trình độ quản trị của DN; tạo được vùng SX nguyên liệu ổn định gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Tuy nhiên, sở dĩ tiến độ sắp xếp các Cty nông, lâm nghiệp theo mô hình hoạt động này đến nay còn rất chậm là do chưa có quy định hướng dẫn chi tiết về tổ chức, hoạt động của công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Vì vậy, đa số địa phương, đơn vị còn lúng túng trong việc lựa chọn đối tác, xác định giá trị tài sản, vườn cây, lợi thế và thương quyền sử dụng đất khi góp vốn; tỷ lệ vốn điều lệ Nhà nước; cam kết ràng buộc trách nhiệm đối với các đối tác góp vốn về ứng dụng công nghệ, chế biến, quản trị DN còn thiếu chặt chẽ...

Bên cạnh đó, một số Cty, đối tác kéo dài việc góp vốn theo phương án đã được duyệt (như ở tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình), thậm chí chưa góp đủ vốn đã đề xuất mua lại phần vốn của Nhà nước (Công ty TNHH 2 thành viên Yên Mỹ, tỉnh Thanh Hóa).

16-23-50_3
Đến nay, đã có 57 Cty nông, lâm nghiệp và chi nhánh tại 20 tỉnh được cấp 2.611 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sắp xếp, đổi mới gắn với an ninh, quốc phòng

Theo BCĐ Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của Chính phủ, sau 5 năm triển khai Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của Cty nông, lâm nghiệp, đến nay Nghị quyết 30-NQ/TW đã được các tổ chức đảng, chính quyền, các cơ quan từ Trung ương tới địa phương quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện tích cực.

Mục tiêu sắp xếp, đổi mới và đổi mới nâng cao hiệu quả Cty nông, lâm nghiệp phải gắn với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh nhất là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa theo yêu cầu Nghị quyết 30-NQ/TW được thực hiện nghiêm túc. An ninh, trật tự và an toàn trong quá trình sắp xếp được đảm bảo, giảm thiểu hiện tượng xung đột, mâu thuẫn lớn tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới...

Công tác quản lý, sử dụng đất đai trong quá trình sắp xếp cơ bản thực hiện đúng pháp luật, diện tích Cty nông, lâm nghiệp giữ lại sử dụng và diện tích đất giao về địa phương đúng quy định, đúng đối tượng, góp phần giải quyết tình trạng thiếu đất SX, giải quyết cơ bản tình trạng tranh chấp, lấn chiếm về đất đai; tạo sự đoàn kết, hợp tác, thúc đẩy phát triển SX, tạo việc làm, sinh kế cho người dân địa phương.

Sau sắp xếp, nhiều Cty đã có chuyển biến về phương thức tổ chức quản lý và quản trị DN. Tổ chức SX kinh doanh gắn chế biến và tiêu thụ sản phẩm dần được khẳng định; áp dụng khoa học công nghệ vào tổ chức SX, nguồn vốn được tăng lên; lao động được sử dụng, chăm lo đời sống, giải quyết chế độ chính sách theo quy định của pháp luật; nhiều tồn tại về tài chính được xử lý, tạo tiền đề cho DN sau sắp xếp phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.