Những ngày qua, người dân ở các huyện Đại Lộc và Thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đang vô cùng lo lắng khi nhiều diện tích lúa vụ đông xuân không có đủ nước tưới. Một số đồng ruộng đất đai nứt nẻ, cây lúa khô cháy. Trong khi đó, các ruộng lúa ở các địa phương này đang ở thời kỳ trổ bông, giai đoạn có tính chất quyết định đến năng suất.
Theo thống kê, đã có khoảng 340 ha lúa ở 2 địa phương nói trên đang đối mặt với tình trạng khô hạn. Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nhất là xã Điện Hồng (Thị xã Điện Bàn) với gần 170 ha hoàn toàn không có nước tưới. Ông Nguyễn Hữu Hùng (trú thôn Giáo Ái Nam, xã Điện Hồng) cho biết, gia đình ông có 8 sào lúa đang giai đoạn trổ bông, rất cần nước để sinh trưởng, đẻ nhánh.
Thế nhưng 10 ngày qua, lượng nước ở các kênh về đồng gần như cạn kiệt, nhiều diện tích lúa đứng trước nguy cơ khô cháy và chết hàng loạt. Từ trước đến nay, người sản xuất lúa ở xã Điện Hồng chưa hề xảy ra tình trạng này trong vụ đông xuân. Do đó, ông cũng như nhiều bà con trong xã rất mong muốn các ngành chức năng sớm đưa nước về để cứu lúa. Nếu không, nguy cơ mất mùa thấy rõ trước mắt.
Ông Lê Văn Đức, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Điện Hồng 1 (xã Điện Hồng) cho biết, HTX đồng loạt xuống giống theo đúng lịch thời vụ của UBND tỉnh và sử dụng các giống trung, ngắn ngày. Tuy nhiên, không thể lường trước được việc thiếu nước trong khoảng thời gian sớm như vậy.
Theo ông Đức, hầu như toàn bộ diện tích lúa đang trong thời kỳ trổ bông của HTX đều thiếu nước, trong đó có khoảng gần 10ha đã khô héo. Vậy nhưng nước về rất ít.
"Bây giờ chúng tôi đang dẫn nước về những đồng ruộng bị khô héo trước, cứu được chừng nào hay chừng đó. Nếu như trong thời gian tới không có giải pháp đưa nước về thì khoảng 120 ha lúa đang trổ của HTX coi như bỏ”, ông Đức lo lắng.
Được biết, những diện tích lúa nói trên những năm qua đều phụ thuộc vào nguồn nước từ trạm bơm Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc). Đến thời điểm này hàng năm, bình thường cả 11 máy bơm của trạm đều hoạt động liên tục phục vụ nước tưới cho 340 ha diện tích lúa ở huyện Đại Lộc và Thị xã Điện Bàn. Để đáp ứng đủ nguồn nước tưới liên tục như thế, mực nước tại bể bơm phải đạt từ 2,3 m. Tuy nhiên, hiện nay chỉ dao động từ 1,75 – 1,85 m.
Theo ông Đỗ Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, nước từ sông Vu Gia trước khi về đến trạm bơm Ái Nghĩa sẽ chảy qua ngã ba sông Quảng Huế. Trước đây, khi có đập Quảng Huế ngăn lại, sẽ dồn được nước về trạm bơm. Tuy nhiên, trận lũ lớn vào năm 2020 đã khiến đập Quảng Huế bị hư hỏng, dòng chảy bị phân ra làm hai, dẫn đến nước về nhánh sông Vu Gia ít đi, không đủ tưới.
Ông tùng cho biết vừa qua, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cũng có văn bản đề xuất thủy điện xả nước cung cấp cho trạm bơm. Sau đó, các thủy điện có xả nhưng rất èo ọt. Thời điểm cao nhất, thủy điện Sông Bung chỉ xả với lưu lượng 65 m3/s, còn thủy điện A Vương là 32 m2/s, so với nhu cầu chưa thể đảm bảo.
Cũng theo ông Tùng, với lượng nước mà các thủy điện xả như thế, chỉ có thể đủ để các trạm bơm hoạt động từ 4h sáng đến 15h hàng ngày. Bởi, mực nước cao nhất ở bể bơm Ái Nghĩa chỉ đạt 1,93 m3, đủ cho 7 máy hoạt động trong thời gian ngắn.
“Điều cần kíp lúc này là các thủy điện xả lưu lượng lớn và liên tục ít nhất trong thời gian 7 ngày mới đủ nước tưới. Khi cứu được cây lúa qua giai đoạn này, chúng tôi sẽ tiến hành đắp đập Quảng Huế ngăn dòng để đảm bảo nước tưới phục vụ cho vụ Hè Thu”, ông Tùng nói thêm.