Nước thẩm thấu đọng thành ao chảy xuống kênh N1 suốt ngày đêm
Giữa lúc 80% hồ đập của Hà Tĩnh cạn kiệt, con người cũng như gia súc gia cầm, cây trồng ngóng từng giọt nước thì oái oăm thay cách TP Hà Tĩnh chưa đầy 20 cây số, hồ chứa nước Bộc Nguyên như một túi nước khổng lồ treo lơ lửng trên cao trình 22 mét đang có nguy cơ vỡ...
Giữa trưa hè nắng như đổ lửa, chúng tôi theo chân đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh, do ông Trần Minh Kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dẫn đầu đi tìm nguồn nước cứu người, cứu lúa. Đến hồ thuỷ lợi Bộc Nguyên tất cả đều ngớ người bởi trong lúc khắp nơi thiếu nước mà Hồ Bộc Nguyên vẫn đầy ắp, treo trên cao trình hơn 20m so với mặt nước biển, đã thế mọi người còn phát hiện đập bê tông bị thấm, nhiều chỗ nước chảy thành dòng sâu hoắm. Ông Trần Minh Kỳ phải thốt lên “Nguy cơ vỡ đập đến nay, chỉ cần mưa 600 mm là tất cả bay ra biển Đông”.
Ông Đào Văn Tinh – nguyên GĐ Sở Thuỷ lợi Hà Tĩnh, một trong những đoàn viên thanh niên từng mang cơm nắm tình nguyện lên xây hồ Bộc Nguyên năm nào kể: “Hồ Bộc Nguyên được khởi công năm 1963, đưa vào sử dụng năm 1965 là hồ lớn của tỉnh Nghệ Tĩnh thời bấy giờ chứa được 24,3 triệu m3 nước, nằm ở lưu vực sông Thình thuộc địa phận 3 xã Thạch Điền (Thạch Hà), xã Cẩm Thạch và Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên). Hồ không chỉ cung cấp nước tưới, phục vụ SXNN mà quan trọng hơn còn tham gia phòng lũ cho hàng vạn dân cư hạ du sông Thình bao gồm TP Hà Tĩnh, các huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên”.
Năm 1998 hồ Bộc Nguyên đang cung cấp nước tưới cho trên 6 ngàn ha đất canh tác thì đùng một cái, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chuyển giao công trình sang cho Cty Cấp nước sinh hoạt Hà Tĩnh quản lý. Do không còn cấp nước phục vụ SX mà lượng nước dân sinh cung cấp cho TP Hà Tĩnh và các vùng lân cận mỗi năm chưa đầy 1 triệu m3, từ đó nước trong hồ cứ nhích dần lên. Đến năm 2010 Cty Cấp nước Hà Tĩnh chỉ khai thác tối đa hết 2,7 triệu m3 trong khi lúc nào hồ Bộc Nguyên cũng chứa trong bụng nó từ 18- 20 triệu m3 nước. Hơn nữa, Cty lại chỉ khai thác nước từ cos 16 đến cos 18 trong phạm vi 2m độ âm còn lại là nước chết.
Ông Trần Minh Kỳ kết luận, việc khai thác 6 triệu m3 nước từ hồ Bộc Nguyên dẫn xuống kênh N1 phục vụ chống hạn ngay lúc này là việc làm cấp bách không thể chần chừ. Sau đó Sở NN- PTNT khẩn trương có phương án đưa hồ thuỷ lợi Bộc Nguyên trở thành công trình thuỷ lợi đa mục tiêu. Đồng thời cấp tốc xử lý những sự cố xảy ra trên thân đập, nâng cấp đập chứa từ 18 lên 24 triệu m3 đúng như thiết kế ban đầu.
Đã 45 năm tuổi, tức là ở cái tuổi lão hoá lại không có hệ thống xả đáy nên qua mỗi lần mưa lũ toàn bộ nước thải sinh hoạt và chăn nuôi của hơn 140 hộ dân cư sống trên vùng thượng nguồn chảy về lòng hồ gây ô nhiễm trầm trọng. Nguy hiểm hơn, do mức nước chết nằm ở cao trình từ 18- 20m nên thân đập luôn bị thẩm thấu ngày một nghiêm trọng gây nguy cơ vỡ đập rất lớn. Hiện tại chân đập A bị thấm chạy dài 300m, mái thượng lưu đập bị trôi trượt. Ở đoạn giữa thân đập, nơi trụ cột điện đường dây 500KV Bắc- Nam xây dựng nằm đè lên với khối lượng sắt thép bê tông khá nặng càng làm cho mái đập bị oằn xuống, dòng nước từ chân trụ điện chảy ra xối xả.
Theo ông Ngô Đức Hợi, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Hà Tĩnh thì năm 2008, một đoạn thân đập bị tuột, đất đá và nước trôi về kênh N1, may có lực lượng cứu hộ nhanh nên còn giữ được con đập đến ngày nay. Còn ông Trần Quốc Hùng, PGĐ Sở NN- PTNT phân tích: “Với cao trình trên 20m, mực nước chết luôn lưu giữ trên 18m, thân đập lâu ngày không được gia cố cùng với tác động của môi trường khiến đập càng rò rỉ mạnh. Một khi vỡ đập thì cột nước dâng cao trên 8 mét sẽ quét sạch TP Hà Tĩnh, 2 huyện Cẩm Xuyên và Thạch Hà ra biển”. Tổ chức BCEOM tại Việt Nam từng gửi thông điệp cho lãnh đạo Hà Tĩnh khuyến cáo các cơ quan chức năng khẩn trương xử lý ngay hiện tượng thấm, tránh gây ra các tổn thất lớn cho xã hội nhưng không ai thèm để ý…