| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm ha lúa ở Thanh Hóa có nguy cơ 'chết khát'

Thứ Tư 21/06/2023 , 15:51 (GMT+7)

Nếu không được bơm dưỡng kịp thời, hàng trăm ha lúa vụ mùa sẽ 'chết khát'. Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ứng phó với tình trạng trên.

Mặc dù tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo, nhưng tình trạng thiếu điện phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn diễn ra tại nhiều địa phương, nông dân bức xúc, doanh nghiệp thủy nông không biết phải làm sao?

Căng mình chống hạn

Trạm bơm Yên Tôn (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) chiều dài 7km, có nhiệm vụ bơm tưới cho hơn 1.600ha đất sản xuất nông nghiệp vụ hè thu tại các xã Vĩnh Yên, Vĩnh Tiến, Vĩnh Long, thị trấn Vĩnh Lộc một phần xã Vĩnh Phúc. 

Theo Chi nhánh Thủy nông Vĩnh Lộc, hiện tại khoảng 150ha lúa tại các xã Vĩnh Long, Vĩnh Phúc có nguy cơ gặp hạn nếu nắng nóng kéo dài cộng với việc cắt điện luân phiên.

"Hiện nay, diện tích lúa gieo cấy đã bám rễ. Tuy nhiên, do lúa chưa phát triển thành tán rộng nên hơi nước bốc rất nhanh. Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, cùng với việc cắt điện luân phiên, sẽ ảnh hưởng lớn tới việc bơm dưỡng đợt 1 và 2 cho lúa”, ông Trịnh Văn Diễn, Giám đốc Chi nhánh Thủy nông Vĩnh Lộc cho biết.

Trạm bơm Yên Tôn thực hiện nhiệm vụ chống hạn. 

Trạm bơm Yên Tôn thực hiện nhiệm vụ chống hạn. 

Trước đó, vào đầu tháng 6/2023, việc cắt điện luân phiên khiến nhiều diện tích gieo cấy vụ hè thu gặp khó khăn.

“Lịch cắt điện dày đặc, thậm chí không báo trước khiến việc vận hành các trạm bơm, cấp nước cho đồng ruộng bị gián đoạn. Chúng tôi đã kiến nghị ngành điện ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm để phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng họ vẫn cắt điện. Rất may trong thời điểm khô hạn xuất hiện một số trận mưa với lượng nước tương đối lớn, giúp bà con chủ động hơn trong việc làm đất, gieo cấy”, ông Diễn thông tin.

Trước tình hình cấp bách, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện triển khai các biện pháp ứng phó với nắng nóng, hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Điện lực Thanh Hóa triển khai các phương án cấp điện an toàn và liên tục cho các trạm bơm tưới; đảm bảo tất cả các trạm bơm đầu mối, các trạm bơm vùng triều phải được cấp điện 24/24h để tranh thủ bơm nước.

Mặc dù tỉnh đã có chỉ đạo, nhưng tình trạng thiếu điện phục vụ sản xuất nông nghiệp vẫn diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, những ngày đầu tháng 6/2023, một số trạm bơm tại các chi nhánh (TP. Thanh Hóa, Nông Cống, Quảng Xương, Đông Sơn, Thạch Thành, Thọ Xuân bị mất điện từ 7 giờ 30 đến 23 giờ; có những trạm bơm bị cắt điện không có trong lịch, không được thông báo. Đây là thời điểm nắng nóng đang diễn biến gay gắt, nhu cầu cần nước cho bơm nước sản xuất nông nghiệp rất lớn.

Tương tự, tình trạng mất điện kéo dài xảy ra đầu tháng 5/2023 khiến việc sản xuất nông nghiệp tại huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, thị xã Bỉm Sơn gặp khá nhiều khó khăn. Có tình trạng khi có điện thì không có nước và khi có nước thì không có điện để vận hành máy bơm, gây khó khăn cho việc bơm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn.

“Để khắc phục khó khăn trên, chúng tôi đã thực hiện bơm trữ nước vào các kênh tiêu nội đồng và các sông để phòng khi nắng hạn kéo dài. Nếu mất điện, công ty sẽ sử dụng các máy bơm dầu để đẩy nước lên ruộng. Tuy nhiên, chi phí vận hành các trạm bơm khi bị cắt điện gấp đôi so với bình thường gây nhiều khó khăn cho công ty”, ông Đặng Đình Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Bắc Sông Mã cho biết.

Ông Tuấn cho biết thêm, chiều ngày 20/6, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã mời các đơn vị có liên quan họp bàn, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhằm đảo bảo việc sản xuất nông nghiệp được thông suốt.

Trạm bơm Yên Tôn đang chịu áp lực lớn do nắng hạn và việc cắt điện luân phiên.

Trạm bơm Yên Tôn đang chịu áp lực lớn do nắng hạn và việc cắt điện luân phiên.

Ngoài ra, để tăng cường thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước vụ thu mùa năm 2023, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đã có văn bản gửi các đơn vị có liên quan triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ứng phó với tình trạng trên.

Văn bản nễu rõ, các địa phương cần chú trọng việc kiểm kê nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Khoanh vùng cụ thể các diện tích có nguy cơ hạn hán, không thể gieo cấy để có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng; thực hiện các giải pháp thủy lợi (đào ao, giếng, nạo vét hệ thống trục kênh dẫn nước…); lắp đặt trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm giữ nước; chủ động bơm tưới, trữ nước tối đa phục vụ cho việc chống hạn…

Chấp nhận đánh đổi

Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (Khu công nghiệp Lễ Môn, TP Thanh Hóa) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của nước ngoài, chuyên gia công các sản phẩm may mặc xuất khẩu. Đây là doanh nghiệp có trên 12.000 cán bộ, công nhân, lao động đang làm việc.

Đầu tháng 5/2023, doanh nghiệp này cho công nhân nghỉ liên tục trong nhiều ngày do tình trạng cắt điện luân phiên.

“Điện lực cắt điện luân phiên mà không hề có thông báo cho doanh nghiệp. Có hôm họ cắt điện chỉ báo trước 15 phút khiến công ty không kịp xoay sở. Trước tình hình trên, chúng tôi buộc phải cho 12.000 cán bộ, công nhân nghỉ làm sớm, nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động theo vị trí việc làm”, bà Nguyễn Thị Huệ, cán bộ Công ty TNHH Sakurai Việt Nam cho biết.

Nhà máy Sakurai Việt Nam.

Nhà máy Sakurai Việt Nam.

Công theo đại diện công ty, việc cắt điện luân phiên làm tăng các chi phí phát sinh ngoài ý muốn, gây khó khăn cho việc hạch toán kinh doanh của doanh nghiệp.

“100% các mặt hàng của Công ty TNHH Sakurai Việt Nam sản xuất nhằm phục vụ xuất khẩu. Việc mất điện khiến việc sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của công ty gặp khó khăn. Một số đơn hàng có nguy cơ chậm giao hàng nếu vận chuyển bằng đường thủy.

Do đó, doanh nghiệp phải tính đến việc xuất khẩu bằng đường hàng không với chi phí gấp khoảng 60 lần so với vận chuyển bằng đường thủy. Nếu không giao hàng theo đúng thời gian cam kết, đối tác sẽ hủy hợp đồng, khiến doanh nghiệp mất luôn đơn hàng, người lao động mất việc làm”, bà Huệ cho biết.

Cũng theo bà Huệ, để đảm bảo nguồn cung và việc làm cho công nhân, ngoài giải pháp tăng ca, doanh nghiệp buộc phải đàm phải đàm phán với đối tác để lùi thời gian giao hàng.  

Trước tình trạng trên, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đảm bảo điện sản xuất tại các Khu Công nghiệp trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.

Văn bản nêu rõ: “Đề nghị Công ty Điện lực Thanh Hóa ưu tiên cấp điện ban ngày phục vụ cho sản xuất kinh doanh tại các Khu công nghiệp trên địa bàn TP Thanh Hóa. Trong trường hợp cắt điện, đề nghị Công ty Điện lực Thanh Hóa thông báo cắt điện trước 2 ngày để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch”.

Sau khi phát đi văn bản này, đến nay Công ty Điện lực Thanh Hóa chưa có phản hồi gì về đề nghị trên. 

Trong bản thông cáo mới đây, Công ty Điện lực Thanh Hóa cho rằng, việc cắt điện luân phiên thời gian qua là do nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột ngột, tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố lưới điện trên diện rộng.

“Công ty Điện lực Thanh Hóa mong nhận được sự thông cảm, chia sẻ từ khách hàng đối với những khó khăn về cung cấp điện ở thời điểm này…”, thông báo nêu.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…