| Hotline: 0983.970.780

Thiếu điện sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp 'ngộp thở'

Thứ Sáu 16/06/2023 , 10:24 (GMT+7)

THANH HÓA Máy móc thiết bị hoạt động cầm chừng, nhiều đơn hàng bị hủy do mất điện, cắt điện vô tội vạ khiến nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa bị thiệt hại nặng nề.

Không dám nhận đơn hàng vì điện phập phù

Khoảng 9 giờ 30 phút, hệ thống máy móc tại Công ty Bamboo Vina (Thanh Hóa) bỗng nhiên dừng hoạt động. Hơn 30 công nhân tại doanh nghiệp này phải ngừng việc vì mất điện. Bà Hoàng Thị Luật, Chủ doanh nghiệp cùng công nhân nhà máy thấp thỏm chờ được cấp điện trở lại.

Sau một vài tiếng chờ đợi, tình hình không được cải thiện, bà Luật phải cho công nhân nghỉ giữa buổi. Ngày hôm đó, công ty vẫn phải thanh toán toàn bộ lương và chế độ cho người lao động.

Theo bà Luật, tình trạng cắt điện luân phiên diễn ra nhiều ngày nay, gây thiệt hại không nhỏ đối với doanh nghiệp. 

“Khi doanh nghiệp vừa khôi phục sản xuất sau một thời gian dài gián đoạn vì dịch Covid-19 thì khó khăn khác lại ập đến khiến chúng tôi cạn kiệt sức lực. Nếu tình hình điện đóm phập phù như hiện nay, doanh nghiệp chúng tôi sẽ thiệt hại lớn”, bà Luật than thở.

Máy móc ngừng hoạt động do mất điện. Ảnh: Quốc Toản.

Máy móc ngừng hoạt động do mất điện. Ảnh: Quốc Toản.

Theo chủ doanh nghiệp này, sự cố mất điện liên tục khiến sản lượng sản xuất của doanh nghiệp sụt giảm 2/3 so với trước đây.

“Thông thường, mỗi tháng chúng tôi nhận được các đơn hàng có tổng giá trị khoảng 1 tỷ đồng để sản xuất các sản phẩm đồ gia dụng từ tre luồng. Tuy nhiên, do hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc nhiều vào điện, nên thời điểm này doanh mối hàng của doanh nghiệp sụt giảm đáng kể so với trước đây”, bà Luật chia sẻ.

Có thời điểm, doanh nghiệp này không dám nhập nguyên liệu để chế biến theo đơn đặt hàng vì sợ đứt gãy chuỗi sản xuất do mất điện.

“Cách đây vài ngày, công ty nhập 45 tấn luồng trị giá 90 triệu đồng để làm thớt cung ứng cho đối tác. Khi nguyên liệu được đưa vào lò để hấp sấy, thiết bị vận hành bỗng ngừng hoạt động. Mẻ nan phút chốc bị đổi màu, hư hại và giảm chất lượng. Trước tình trạng này, công ty đã phải tiêu hủy một phần nguyên liệu, phần còn lại được tận dụng làm hàng loại C”, bà Luật cho biết.   

Theo bà Luật, chỉ trong tháng 6, công ty có 2 đơn hàng trị giá từ 300 - 500 triệu đồng hoàn thành chậm so với hợp đồng đã ký kết do tình trạng mất điện diễn ra thường xuyên. Bị đặt trong tình trạng bất khả kháng, bà Luật đã liên hệ với đối tác để đàm phán, lùi thời gian giao nhận hàng. Tuy nhiên, có những đối tác thông cảm, nhưng có người tỏ vẻ không hài lòng vì sự chậm trễ này.

Bà Luật cho biết thêm, ngoài thiệt hại về sản phẩm và uy tín với khách hàng, công ty còn phải chịu chi phí phát sinh không nhỏ vì phải cho lương của công nhân (làm nửa ngày vẫn phải trả lương một ngày).

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị đình trệ do việc cắt điện đột xuất. Ảnh: Quốc Toản.

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị đình trệ do việc cắt điện đột xuất. Ảnh: Quốc Toản.

Cũng theo bà Luật, việc sử dụng điện dự phòng là phương án không khả thi nếu mất điện, bởi máy phát điện không đủ tải đối hệ thống thiết bị có công suất lớn trong nhà máy.

Tương tự, Công ty Cổ phần Nông sản Phú Gia (Thanh Hóa) cũng rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" vì bị cắt điện liên tục trong nhiều ngày trước đó. Sản lượng sản xuất của doanh nghiệp chỉ đạt 70% so với thời điểm thông thường. 

“Họ cắt điện không báo trước. Thậm chí có thời điểm điện lực cắt điện trong ngày nhưng chỉ báo trước vài tiếng nên kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp bị đảo lộn. Trong khi đó công ty vẫn phải trả lương cho công nhân nếu sự cố xảy ra”, ông Trần Văn Hùng, cán bộ công ty cho hay.

Cắt điện vô tội vạ

Theo phản ánh của Công ty liên doanh phân bón Hữu Nghị, cách đây không lâu, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã đột ngột cắt điện nhiều ngày, không thông báo trước khiến doanh nghiệp không kịp trở tay, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất của công ty.

“Ngày 18 và 20/5, dây chuyền sản xuất của nhà máy đang hoạt động ổn định, bắt đầu cho ra sản phẩm thì bị cắt điện đột ngột và không được thông báo lúc nào sẽ đóng điện lại.

Sau khi chúng tôi có ý kiến, Điện lực Thanh Hóa đã cam kết cấp điện và nếu cắt điện sẽ báo trước. Thế nhưng ngày 1/6, công ty lại bị cắt điện đột ngột mà không hề báo trước và không có thông báo khi nào đóng điện lại”, nội dung văn bản của công ty gửi Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nêu rõ.

Trong văn bản, lãnh đạo Công ty này cũng cho hay, việc cắt điện đột ngột khiến doanh nghiệp đối diện với thiệt hại lớn.

“Dây chuyền sản xuất của nhà máy hoàn toàn tự động, liên hoàn, khép kín. Nếu toàn bộ hệ thống ngừng vận hành thì nguy cơ hư hỏng máy móc rất cao. Lượng thành phẩm dở dang nằm trong máy gần 100 tấn trị giá 800 - 900 triệu đồng, nếu quá 2 tiếng không vận hành lại sẽ hư hỏng. Quan trọng hơn, một khi không có sản phẩm giao cho khách hàng đúng thời hạn, doanh nghiệp không những mất đơn hàng và uy tín mà còn bị phạt vì vi phạm hợp đồng. 

Đó là chưa kể đến chi phí sửa chữa máy móc, lương công nhân vẫn phải chi trả do mất đơn hàng và khách hàng”, văn bản nêu.

Doanh nghiệp phân bón Hữu Nghị kiến nghị Công ty Điện lực Thanh Hóa khắc phục tình trạng cắt điện. Ảnh: Quốc Toản.

Doanh nghiệp phân bón Hữu Nghị kiến nghị Công ty Điện lực Thanh Hóa khắc phục tình trạng cắt điện. Ảnh: Quốc Toản.

Doanh nghiệp này cho hay, điều mong muốn hiện nay của công ty là ngành điện cần có thông báo cụ thể, trực tiếp với công ty nếu cắt điện để doanh nghiệp chủ động tổ chức phương án sản xuất mới.

“Chúng tôi thông cảm với ngành điện, tuy nhiên nếu ngành điện để khách hàng phải chịu thiệt hại lớn mà không chịu trách nhiệm gì thì không ổn. Do đó, điện lực cần ưu tiên điện cho doanh nghiệp đặc thù. Nếu quá tải thì phải dự báo trước cho doanh nghiệp 1 đến 2 ngày để chúng tôi có phương án giảm thiểu thiệt hại. Bên cạnh đó, ngành điện phải có trách nhiệm với khách hàng trước những thiệt hại do điện lực gây ra”, nội dung văn nêu rõ.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề này, ông Hoàng Thanh Sơn - Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Hóa cho biết, đơn vị đã nhận được phản ánh của doanh nghiệp về việc cắt việc cắt điện đột xuất không có thông báo. Tuy nhiên, vị Giám đốc điện lực nêu lý do, việc cắt điện đột xuất, không báo trước là việc làm không mong muốn.

“Việc cắt điện là do “lệnh” đột xuất từ cấp trên để điều tiết cho phù hợp để giữ an toàn cho hệ thống điện. Đây là điều bất khả kháng nên mới xảy ra tình trạng cắt điện đột xuất”, ông Sơn thông tin. 

Cũng theo ông Sơn, sau khi có ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã cử cán bộ xuống trực tiếp cơ sở để nắm bắt thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp tiết giảm điện và tổ chức sản xuất phù hợp.

Cũng liên quan tới hoạt động cấp điện thời gian qua, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa có Công điện số 12-CĐ/TU về việc tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và bảo đảm cung ứng điện trên địa bàn tỉnh.  

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Công ty Điện lực Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục, ổn định, hiệu quả và hợp lý nhất.

Ưu tiên cấp điện cho các phụ tải quan trọng, đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trong Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy sản xuất có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, các bệnh viện, các địa điểm thi, Hội đồng thi tốt nghiệp THPT, các trạm bơm đầu mối lớn, trạm bơm cấp nước sạch, trạm bơm tưới, tiêu, các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, hệ thống dịch vụ viễn thông…

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Minh Bạch (Hà Nội), cho biết: “Việc điện lực cắt điện không thông báo cho người dân và doanh nghiệp là vi phạm nghĩa vụ về việc thông báo cho khách hàng khi trước khi thực hiện giảm tải điện. Nếu điện lực gây thiệt hại cho doanh nghiệp do cắt điện không thông báo, thì bên chịu thiệt hại có quyền thu thập chứng cứ, yêu cầu điện lực bồi thường. Nếu không thỏa thuận được về việc bồi thường thì bên thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa án để đòi bồi thường theo quy định pháp luật”.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Những loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ 1/2025

Bộ NN-PTNN vừa ban hành Thông tư về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam từ tháng 1/2025. Sẽ có những loại thuốc nào bị cấm?

Nguyên nhân vụ cháy nhà trọ làm 2 người chết

TP.HCM Ngôi nhà 4 tầng, rộng khoảng 60m2, được ngăn thành hơn chục phòng nhỏ cho thuê, tầng trệt để xe máy, thời điểm xảy ra cháy, khu trọ đang có 23 người ở các phòng.