| Hotline: 0983.970.780

Nắng nóng lại mất điện, gà chết như ngả rạ

Thứ Tư 14/06/2023 , 16:50 (GMT+7)

THANH HÓA Thời điểm xảy ra sự cố, anh Trình tìm mọi cách vận hành máy phát điện giữa trưa nắng hơn 40 độ C nhằm cứu vãn tình thế nhưng đã quá muộn.

Một trại gà chết 8 tấn do cắt điện

Bài liên quan

Khuôn mặt anh Trịnh Xuân Trình thẫn thờ, chẳng thiết trò chuyện khi gặp khách. Hơn nửa tháng nay, người đàn ông trung niên mất ăn mất ngủ vì trại gà thịt. Cách đây vài ngày, trại gà của anh Trình thiệt hại 5.000 con gà thịt chỉ trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ do mất điện.

Thời điểm xảy ra sự cố, anh Trình tìm mọi cách vận hành máy phát điện giữa trưa nắng hơn 40 độ C nhằm cứu vãn tình thế nhưng đã quá muộn. Khu chuồng nuôi rộng 2.000m2 chất đống hàng chục bao tải chứa xác gà chết. Phải mất nửa ngày, công nhân tại trang trại mới hoàn tất việc thu gom, vận chuyển và chôn lấp gà chết.

Ngổn ngang những bao tải xác gà chết được anh Trình thu gom để mang đi tiêu hủy. Ảnh: Quốc Toản.

Ngổn ngang những bao tải xác gà chết được anh Trình thu gom để mang đi tiêu hủy. Ảnh: Quốc Toản.

Bài liên quan

Anh Trình cho biết, từ khi đi vào hoạt động năm 2021, đây là lần đầu tiên trang trại của gia đình anh thiệt hại lớn như vậy. Ước tính, số lượng gà chết lên tới 8 tấn, gây thiệt hại lên tới hơn 400 triệu đồng.

“Sau nhiều năm nuôi gà, tôi chưa bao giờ gặp thiệt hại lớn như năm nay. Coi như lứa gà này trắng tay. Bây giờ nếu bán thì gà chưa đủ cân, còn để nuôi thì càng lỗ vì chi phí vận hành quá lớn”, anh Trình chia sẻ.

Trại gà của anh Trình thuộc diện lớn nhất xã Yên Trung (huyện Yên Định, Thanh Hóa). Trang trại được đầu tư khép kín với quy mô lên tới 40.000 con gà thịt chia làm 2 khu chăn nuôi. Trong lượng trung bình của gà đạt 1,7kg. Trung bình 1 ngày, trại gà của anh Trình tiêu thụ khoảng 2 tấn cám.

Bình thường, trung bình mỗi tháng trang trại của gia đình anh tiêu tốn khoảng 20 triệu đồng tiền điện. Tuy nhiên, do tình trạng nắng nóng cộng với mất điện luân phiên kéo dài, khiến chi phí vận hành trang trại bị đội lên rất cao.

"Hầu hết các thiết bị trong trang trại đều sử dụng điện (hệ thống chiếu sáng, quạt hút gió, hệ thống làm mát, máy bơm…). Gần nửa tháng này, do thời tiết nắng nóng cùng với sự cố mất điện xảy ra liên tục nên trại gà ngày nào cũng phải dùng máy phát điện.

Gà chết vì nóng lăn lóc bên những con gà khác cũng đang... chờ chết. Ảnh: Quốc Toản.

Gà chết vì nóng lăn lóc bên những con gà khác cũng đang... chờ chết. Ảnh: Quốc Toản.

Trung bình mỗi ngày, trang trại tiêu tốn khoảng 200 lít dầu để chạy máy phát điện (nếu quy thành tiền khoảng 4 triệu đồng), chưa kể tiền thuê nhân công, tiền bảo dưỡng máy móc, thiết bị. Tính ra, chi phí cho vận hành trang trại bằng máy phát điện gấp nhiều lần so với dùng điện lưới thông thường", anh Trình chia sẻ.

Cũng theo chủ trại gà này, nguyên nhân sâu xa khiến hàng nghìn con gà thịt chết ngạt là do sự cố về điện kéo dài trong nhiều ngày.

“Điện chập chờn lúc có, lúc không khiến hệ thống máy móc, thiết bị vận hành trong trang trại quá tải nên gặp sự cố. Có thời điểm trong vòng 1 ngày mất điện tới 6 lần, khiến người dân không kịp trở tay. Tôi chỉ mong lứa gà thịt sớm xuất chuồng để gỡ gạc vốn, tái đàn chứ chả mong gì hơn. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc phải thanh lý trang trại”, anh Trình ngán ngẩm.

Để phòng chống nắng nóng, giảm thiểu thiệt hại, Sở NN-PTNT Thanh Hóa khuyến cáo: Đối với gia cầm, cần nuôi nhốt với mật độ vừa phải như: Gà giai đoạn úm mật độ 50 - 60 con/m2, gà từ 0,5 - 1kg nhốt 20 - 30 con/m2, gà 2 - 3kg nhốt 7 - 10 con/m2.

Thời tiết nóng, nhiệt độ cao nên thả gà ra vườn, gốc cây xung quanh chuồng. Gà nuôi trên nền đệm lót sinh học cần làm đệm lót mỏng hơn, nhằm hạn chế sức nóng từ mặt đệm, đồng thời tăng thêm sào đậu cho gà. Cung cấp đủ nước sạch cho gia cầm, khẩu phần ăn hợp lý bổ sung vitamin C và các chất điện giải vào nước uống nhằm tăng sức đề kháng.

Căng mình “trực chiến”

Tình trạng nắng nóng dài ngày cộng với việc cắt điện luân phiên khiến người chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi quy mô lớn gặp khó trong việc duy trì đàn.

Tại Khu liên hợp Sản xuất chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 1 (thôn Minh Thành, xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa), tình trạng thiếu điện khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong quá trình vận hành sản xuất.

Với công nghệ chuồng kín, mật độ nuôi gia cầm rất cao nên chỉ cần mất điện vài tiếng, chủ trại gà có thể trắng tay. Ảnh: Quốc Toản.

Với công nghệ chuồng kín, mật độ nuôi gia cầm rất cao nên chỉ cần mất điện vài tiếng, chủ trại gà có thể trắng tay. Ảnh: Quốc Toản.

Đây là dự án có quy mô nuôi nhốt 10.000 con lợn gồm lợn sinh sản, lợn thịt, lợn sữa… Các khâu vận hành trong chăn nuôi của doanh nghiệp này (từ khâu cho ăn, uống, đến khâu làm mát và xử lý nước thải) đều được ứng dụng công nghệ tự động.

Do điện lưới phập phù nên để duy trì và vận hành trang trại ổn định, doanh nghiệp phải tiêu tốn khoảng 2.000 lít dầu mỗi ngày để chạy máy phát điện.

Theo một cán bộ của doanh nghiệp Xuân Thiện Thanh Hóa, hiện nay, hầu hết nhiên liệu phục vụ cho hoạt động của các dự án đều ưu tiên tối đa cho việc vận hành khu liên hiệp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao.

“Máy móc thiết bị ngoài công trường có thể để ngừng hoạt động một vài ngày, nhưng khu chăn nuôi lợn nếu thiếu điện 1 ngày thì sẽ thiệt hại lớn.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho việc vận hành hệ thống điện, hầu hết cán bộ vận hành kỹ thuật đều phải thay phiên nhau, trực ca liên tục cả ngày lẫn đêm đề phòng sự cố”, một cán bộ thuộc Công ty Xuân Thiện Thanh Hóa cho hay.

Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chống nắng nóng cho chăn nuôi

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, tình hình thời tiết nắng nóng đã và đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sản xuất chăn nuôi. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ giữa tháng 5/2023 đến nay liên tiếp các đợt nắng nóng kéo dài, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến từ 37 đến 40 độ C, kỷ lục nhiệt độ cao nhất trong ngày đo được tại Thanh Hoá lên tới 44,1 độ C.

Giá vật tư, thức ăn tăng cao, giá sản phẩm không tăng, điện lại phập phù nên người chăn nuôi đang hết sức khốn đốn. Ảnh: TL.

Giá vật tư, thức ăn tăng cao, giá sản phẩm không tăng, điện lại phập phù nên người chăn nuôi đang hết sức khốn đốn. Ảnh: TL.

Thời gian tới, các đợt nắng nóng có thể sẽ dài hơn, khoảng 5 đến 7 ngày, khả năng cao xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Đây là điều kiện bất lợi làm giảm sức đề kháng, vật nuôi có thể bị chết do cảm nắng, cảm nóng, gây thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi.

Trước tình hình đó, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi các địa phương hướng dẫn một số biện pháp phòng, chống nắng nóng cho vật nuôi.

Theo đó, Sở NN-PTNT Thanh Hóa đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi trên địa bàn.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn các đơn vị chuyên môn trên địa bàn huyện thường xuyên theo dõi, quản lý, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết nắng nóng, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, để chủ động kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp kỹ thuật chữa say nắng, cảm nóng khi đàn vật nuôi có biểu hiện ảnh hưởng do nắng nóng. Nếu phát hiện có dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm nguy hiểm báo cáo kịp thời cho nhân viên thú y, UBND các xã, phường, thị trấn để có các biện pháp phòng chống dịch.

Hiện nay, cơ quan chức năng chưa có thống kê về số lượng vật nuôi bị chết do nắng nóng kéo dài và ảnh hưởng do việc cắt điện luân phiên để đề xuất có chính sách hỗ trợ. 

Cần có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi phù hợp cho vật nuôi trong những ngày nắng nóng. Ảnh: TL.

Cần có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi phù hợp cho vật nuôi trong những ngày nắng nóng. Ảnh: TL.

Sở NN-PTNT Thanh Hóa cũng đã có hướng dẫn về cách phòng chống nóng cho gia súc, gia cầm, cụ thể như sau:

- Đối với chuồng trại: Chuẩn bị đầy đủ phên, lưới giảm nhiệt, bạt để chủ động che chắn chống nóng và chống mưa tạt vào chuồng nuôi. Bên trong chuồng tăng cường quạt điện nhằm thổi hơi nóng, khí độc sinh ra từ chất thải vật nuôi ra bên ngoài chuồng nuôi. Đối với kiểu chuồng kín kiểm tra giàn mát, hệ thống giàn phun nước trên mái chuồng nuôi để ổn định nhiệt độ và ẩm độ...

- Đối với trâu, bò: Cho uống đủ nước, bổ sung thêm muối 2 - 3g/10kg thể trọng, ăn đủ cỏ, thức ăn thô xanh, rơm 10 - 35kg/con/ngày, tinh bột 1 - 2,5kg/con/ngày. Không chăn thả hoặc để gia súc làm việc quá lâu trong điều kiện thời tiết nắng nóng, buộc trâu bò ở những nơi có cây xanh bóng mát hoặc tại chuồng, tắm trải cho gia súc 2 - 3 lần/ngày để làm giảm nhiệt độ cho cơ thể.

- Đối với lợn: Mật độ nuôi nhốt đối với nái 3 - 4 m2/con, lợn thịt là 2m2/con. Cho uống đủ nước sạch, bổ sung thêm muối ăn 0,1 - 0,3g/kg thể trọng/ngày, đường gluco 0,5 - 1g/kg thể trọng/ngày hoặc chất điện giải, vitamin C vào thức ăn hay nước uống để giải nhiệt. Cho lợn ăn đầy đủ khẩu phần ăn theo nhu cầu của từng giai đoạn.

Xem thêm
Quốc hội sẽ miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an đối với Đại tướng Tô Lâm

Chiều 21/5, Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công an đối với Đại tướng Tô Lâm sau khi điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ 7.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký: Khắc phục 100% vị trí đê điều đặc biệt xung yếu

Nguồn lực đầu tư cho phòng, chống thiên tai ngày càng được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, nhất là đầu tư cho công trình đê điều, hồ đập, khu neo đậu tàu thuyền tránh bão.

Những kiếp người sống chui: [Bài 1] Phận đời trôi nổi ven sông

'Ba không' - không điện, không nước, không định danh - là cuộc sống suốt gần 40 năm qua của người dân xóm ngụ cư ven sông Hồng, hay còn gọi là 'xóm Phao'.