Nháo nhào vì điện
Trong những ngày qua, tình trạng nắng nóng kéo dài, kèm theo việc bị cắt điện luân phiên đang khiến các hộ nuôi tôm tại huyện Hải Hậu (Nam Định) như “ngồi trên đống lửa”.
Đảo quanh các vùng nuôi tôm tập trung tại các xã trên địa bàn huyện Hải Hậu, thay cho không gian yên ả như mọi khi là tiếng gầm thét của máy phát điện khi phải hoạt động hết công suất, kèm theo đó là nét mặt lo âu của các hộ nuôi tôm khi nhiều ao buộc phải bán tôm non, để trống không dám nuôi tiếp, thiết bị nuôi nối đuôi nhau nằm ngổn ngang trên bờ. Hộ nào giữ tôm trong ao phải liên tục cắt cử người túc trực cả ngày lẫn đêm để trông nom vận hành máy phát.
Anh Nguyễn Ngọc Minh, xóm Tây Bình, xã Hải Triều (Hải Hậu) than thở, thời điểm này mọi năm, hầu hết các ao nuôi trong vùng đều đã được lấp đầy tôm, nhưng hiện tại các hộ đều chỉ xuống giống cầm chừng, vừa nuôi vừa nghe ngóng tình hình.
Nguyên nhân chính là do từ đầu năm đến nay việc nuôi tôm của người dân đối diện với muôn vàn khó khăn khi giá bán tôm thương phẩm có chiều hướng giảm, trong khi giá thức ăn tăng trung bình 800 đồng/kg, giá điện tại các khung giá đều tăng trung bình 3%.
Đặc biệt, từ đầu tháng 6 tới nay, tình trạng mất điện liên tục diễn ra nên các hộ tỏ ra e dè, không giám xuống giống vì càng xuống sẽ càng lỗ. Riêng gia đình anh Minh có 3 ao nuôi tôm cũng chỉ giám xuống giống 1 ao, đành để trống 2 ao tận dụng làm ao lắng nước.
Theo anh Minh, thời tiết nắng nóng kèm theo việc liên tục mất điện khiến cho việc nuôi tôm vốn đã vất vả, tốn kém chi phí lại càng vất vả và tốn kém chi phí hơn.
“Nắng nóng làm nhiệt độ nước tăng cao, là điều kiện thuận lợi để nhiều loại bệnh trên tôm phát sinh gây hại, do đó ao nuôi phải được làm mát liên tục bằng hệ thống quạt nước. Bình thường, giá điện giờ cao điểm chỉ hơn 3.000 đồng/số, tuy nhiên nếu sử dụng máy phát thì người nuôi phải tiêu tốn 8.000 - 9.000 đồng/số. Nếu tình trạng cắt điện tiếp tục kéo dài thì các hộ sẽ khó có thể gồng gánh được”, anh Minh ái ngại.
Anh Trần Văn Thiêm, xóm Tân Thịnh, xã Hải Triều cũng đang rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi tôm trong ao ương đang ngày càng lớn nhưng không dám chuyển sang ao nuôi thương phẩm vì nếu tính toán chi li sẽ tốn kém rất nhiều chi phí.
Anh Thiêm bộc bạch, các vụ tôm trước đây, gia đình anh luôn duy trì 4 ao nuôi tôm. Tiền điện trung bình hàng tháng anh phải chi trả khoảng 30 - 40 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay sau khi thu hoạch vụ tôm đông xong, việc cắt điện luân phiên diễn ra liên tục khiến anh chỉ dám nuôi cầm chừng 1 ao ương với mật độ 700 con/m2 mà không dám mở rộng quy mô cũng như đưa tôm sang các ao nuôi thương phẩm.
Theo anh Thiêm, sở dĩ anh không dám đưa tôm sang các ao nuôi thương phẩm vì hệ thống ao nổi của anh phải thay nước liên tục hàng ngày, trong khi để có nước cấp vào ao, anh phải dùng máy bơm công suất lớn dẫn theo đường ống dài gần 1.000m và tranh thủ khi thủy triều lên. Do đó, khi bị cắt điện liên tục thì việc cấp nước sẽ trở nên khó khăn, nếu dùng máy phát thì chi phí đội lên cả chục lần.
Bên cạnh đó, chỉ tính riêng chi phí máy phát điện phục vụ cho ao ương giống đã gần 1,5 triệu đồng/ngày (máy phát của anh đang dùng hết 8 lít dầu/tiếng, với giá dầu 18.300 đồng/lit), nếu đưa tôm sang ao lớn hơn thì phải trang bị máy phát công suất lớn hơn, lúc này chắc chắn gia đình sẽ phải bù lỗ vì chi phí vận hàng máy quá lớn.
Ngoài ra, một vấn đề nan giải nữa là lâu nay gia đình anh Thiêm đã đầu tư máy phát điện công suất lớn để phục vụ toàn bộ hệ thống ao nuôi trong trường hợp bị cắt điện giảm tải (trong thời gian ngắn). Tuy nhiên, việc cắt điện liên tục khiến anh đưa tôm sang ao to không được mà giữ lại một ao ương cũng phải dùng tới cả máy phát to. Bởi lẽ, nếu không dùng máy to thì anh phải mua thêm máy phát nhỏ, điều này lại càng tốn thêm chi phí.
Ông Nguyễn Văn Chung, xóm Trung Châu, xã Hải Chính có 3 ao nuôi tôm cho rằng, việc chạy máy phát điện không chỉ làm người nuôi tốn kém chi phí tiền điện mà còn tốn kém thêm chi phí sửa chữa vì máy phát hoạt động liên tục sẽ sinh ra hỏng hóc, chưa nói hiện tại việc tìm thợ sửa máy rất khó khăn.
Bên cạnh đó, vào ban đêm, nhu cầu oxy của tôm tăng cao nên khi bị cắt điện các hộ nuôi hầu như phải thức trắng đêm để trực máy phát chạy quạt nước, vì chỉ cần sơ sẩy để tôm thiếu oxy là chết trắng ao.
“Mất điện mấy tiếng còn cố được chứ cứ tình trạng cắt tới 10 tiếng/ngày thế này thì người nuôi tôm thực sự chịu không nổi. Bây giờ đầu tư cả một đống tiền vào nuôi tôm, bỏ thì không được mà cố nuôi thì cầm chắc phần lỗ”, ông Chung than thở.
Máy phát điện cũng quá tải
Theo Chi cục Thủy sản Nam Định, năm 2023, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh phấn đấu đạt 16.000ha, sản lượng hơn 132.800 tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng hơn 1.100ha, sản lượng hơn 4.200 tấn. Đến hiện tại, diện tích thả tôm sú ước đạt 2.000ha (đạt 87% kế hoạch), diện tích thả tôm thẻ chân trắng khoảng 750ha (đạt 68% kế hoạch).
Giá bán tôm nước lợ giảm khoảng 10.000 – 20.000 đồng/kg (so với tháng 5). Trong đó, tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg có giá 150.000 đồng/kg; tôm sú loại 40 con/kg có giá 250.000đ/kg.
Ông Hoàng Mạnh Hà, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Nam Định đánh giá, đối với nuôi tôm thẻ chân trắng, người dân thả nhiều vào thời điểm gần cuối tháng 4 nhưng do ảnh hưởng của thời tiết nắng gắt, kết hợp mưa lớn đột ngột tháng 5 nên tôm bị chết sớm ở hầu hết các ao nuôi ngoài trời. Do đó, các hộ nuôi cần theo dõi sát diễn biến của thời tiết để đưa ra quyết định thả tôm nhằm tránh những rủi ro.
Bên cạnh đó, hiện tại do tình trạng cắt điện luân phiên kéo dài (6 - 10 tiếng/ngày) đã ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất thuỷ sản (cả sản xuất giống và nuôi trồng), nhất là đối với những khu nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, nuôi mật độ cao, tôm nuôi đã gần đạt kích cỡ thương phẩm.
Việc thường xuyên sử dụng máy nổ khi mất điện làm tăng chi phí sản xuất với trung bình 150.000 đồng/giờ (5 - 7 lít dầu/giờ) và gặp nhiều rủi ro cho các đối tượng nuôi do chạy máy nổ sẽ không đủ điều kiện hoạt động tốt các trang thiết bị nuôi, hạn chế số lượng quạt nước trong ao nuôi hoặc khi mất điện đột ngột một số ao nuôi khi máy nổ gặp sự cố đã làm cho đối tượng nuôi bị yếu, chết. Đồng thời, thời tiết nắng nóng là nguyên nhân tiềm ẩn phát sinh một số bệnh trên tôm.
Trên cơ sở đó, ông Hà cho rằng, các cơ quan chuyên môn cần tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh tổng hợp; quản lý môi trường nuôi trong thời tiết nắng nóng trên các đối tượng nuôi cho người dân. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi giúp người dân chủ động trong việc quản lý môi trường ao nuôi.
Đối với các hộ nuôi, cần theo dõi sát diễn biến của đàn tôm, bởi thời tiết nắng nóng làm ảnh hưởng đến nhiệt độ của nguồn nước trong ao nuôi, dẫn tới môi trường nước nuôi tôm bị biến động, gây bất lợi cho tôm. Ví dụ như tôm thẻ chân trắng phù hợp với nhiệt độ từ 28 - 30 độ C, nay nắng nóng gay gắt khiến nhiệt độ nước nuôi tăng lên 32 - 34 độ C, rất dễ làm tôm bị sốc, dẫn đến bị bệnh, nếu không được quản lý tốt sẽ rất dễ dẫn tới dịch bệnh trên diện rộng.
Khi ao nuôi có dấu hiệu bệnh, cơ sở nuôi cần tiến hành báo ngay cho cán bộ chuyên môn và các cơ quan chức năng để kịp thời hướng dẫn phương án xử lý, giảm thiệt hại cho cơ sở và ổn định môi trường xung quanh. Vào thời điểm nắng gắt, người nuôi nên bổ sung trực tiếp vitamin C hoặc vitamin tổng hợp vào ao nuôi để tăng sức đề kháng cho tôm.
Trong bối cảnh tình trạng cắt điện luân phiên vẫn diễn ra, các hộ cần bố trí mật độ ao nuôi phù hợp để giảm nhu cầu oxi trong ao nuôi. Thường xuyên kiểm tra kỹ lưỡng máy phát điện, bố trí nhân lực theo dõi hệ thống thiết bị ao nuôi, máy phát xơ cua dự phòng trong trường hợp máy phát chính bị hỏng, đảm bảo tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho tôm sinh trưởng và phát triển.