| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm nghìn m3 đất đá chực đổ ập xuống những nóc nhà

Thứ Ba 12/03/2024 , 06:00 (GMT+7)

YÊN BÁI Gần chục hộ dân ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình đang trong tình cảnh ‘ở không yên, đi không đành’ bởi hàng ngày phải sống dưới khu vực sạt lở nguy hiểm.

Khu vực sạt lở tại xã Yên Thành gây bất an cho nhiều hộ dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Khu vực sạt lở tại xã Yên Thành gây bất an cho nhiều hộ dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Nguy hiểm cận kề, người dân bất an

Theo chỉ dẫn của người dân thôn Trung Tâm, xã Yên Thành, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, chúng tôi được tận mắt chứng kiến một khoảng đồi rộng lớn đang sạt trượt xuống khu vực dân cư. Trên đoạn đường này được căng dây an toàn dài hàng trăm mét đối với những ngôi nhà sinh sống dưới chân taluy. Ở 2 đầu khu vực, chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo “khu vực sạt lở đất, thận trọng khi đi lại”.

Phía sau các ngôi nhà là taluy dương dài hàng trăm mét bị sạt lở nghiêm trọng. Trên đỉnh đồi, có nhiều điểm bị sụt trượt cao từ 6 - 7m, nhiều đoạn đứt gãy, cây cối đổ ngổn ngang.

Có gần chục hộ dân đang sinh sống dưới khu vực sạt lở nguy hiểm. Ảnh: Thanh Tiến.

Có gần chục hộ dân đang sinh sống dưới khu vực sạt lở nguy hiểm. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Lý Văn Lượng ở thôn Trung Tâm, xã Yên Thành cho biết, gia đình ông sinh sống tại khu vực này từ năm 1984, gần 40 năm ở ổn định dưới chân đồi không có dấu hiệu sạt lở. Gia đình gom góp tiền của, dỡ ngôi nhà sàn để xây nhà gạch kiên cố rộng hơn 100m2, trị giá hơn 1 tỷ đồng. Ngôi nhà vừa xây xong chưa khô sơn, tháng 7/2023 đất trên đồi bắt đầu lở xuống, ban đầu thì ít, càng về cuối năm thì sạt lở càng lớn.

Từ sau nhà nhìn lên, đất đá lở nham nhở, chực ập cả quả đồi xuống. Hót dọn không xuể, vết nứt phía trên ngày càng kéo dài nên giờ ông và các hộ khác không dám ở nhà ban đêm, phải đi ở nhờ nhà người thân. Ban ngày 2 vợ chồng ông Lượng mới dám về nhà chăm đàn vật nuôi.

Người dân bất an, lo lắng vì khối lượng đất đá sạt lở ngày càng nhiều. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân bất an, lo lắng vì khối lượng đất đá sạt lở ngày càng nhiều. Ảnh: Thanh Tiến.

Thẫn thờ nhìn tài sản, nhà cửa có thể bị vùi trong hàng nghìn m3 đất đá bất cứ lúc nào, nhất là mùa mưa đang cận kề nhưng ông Lượng không muốn chuyển nhà đi nơi khác. Nguyên nhân bởi chính quyền địa phương dự định bố trí đất ở cho gia đình ông ở vị trí khác, gia đình không có tiền làm nhà mới và cuộc sống mưu sinh ở nơi mới chưa biết tính sao.

Ông Lượng mong muốn nhà nước đầu tư san gạt cả quả đồi lớn để dân tiếp tục được ở lại nhưng nghe nói kinh phí quá lớn, phương án này không thực hiện được. Xác định “5 ăn 5 thua” ông Lượng vẫn bám trụ nơi đây, đất đá sạt xuống lại hót dọn khắc phục, nguy hiểm cũng ở.

Gần ông Lượng là gia đình ông Hà Văn Bách với ngôi nhà xây kiên cố hai tầng trị giá hàng tỷ đồng. Chung cảnh ngộ và quan điểm với các hộ dân ở đây, ông Bách chia sẻ, gia đình không có ý định di dời đi nơi khác dù biết ở lại sẽ rất nguy hiểm.

Bỏ ngôi nhà tâm huyết cả đời mới xây dựng được để đến nơi ở mới mà không có kinh phí làm nhà là điều gia đình ông chưa nghĩ tới. Ngoài ra, ông đang “bám mặt đường” làm nghề xay xát gạo, giờ chuyển đi lại phải tính công việc mới. Ông Bách mong muốn nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí xử lý sạt lở để được tiếp tục ở lại mảnh đất này.

Việc di dời các hộ dân đến vị trí an toàn chưa thể thực hiện mặc dù hàng nghìn m3 đất đá có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc di dời các hộ dân đến vị trí an toàn chưa thể thực hiện mặc dù hàng nghìn m3 đất đá có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Ảnh: Thanh Tiến.

Những phương án chưa thực hiện, nguy hiểm vẫn chực chờ

Ông Lý Ánh Dương - Bí thư Đảng ủy xã Yên Thành cho biết, chính quyền xã đã nắm được tình hình sạt lở ngay khi mới xuất hiện và các hộ dân cũng đã có đơn kêu cứu, nhưng sự việc vượt quá thẩm quyền nên xã đã báo cáo lên huyện, lên tỉnh.

Xã đã cử lực lượng thường xuyên theo dõi diễn biến sạt lở để có biện pháp ứng phó kịp thời. Trước tình hình trên, người dân có nguyện vọng không di dời đi nơi khác, xã sẽ cố gắng tuyên truyền để người dân đồng thuận chuyển đến vị trí mới, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Những vết nứt lớn, kéo dài hàng trăm mét trên phía đỉnh đồi, nguy cơ rất cao sẽ sạt xuống khi mùa mưa đến. Ảnh: Thanh Tiến.

Những vết nứt lớn, kéo dài hàng trăm mét trên phía đỉnh đồi, nguy cơ rất cao sẽ sạt xuống khi mùa mưa đến. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, tại khu vực đồi sạt lở đang tồn tại vết nứt với cung trượt dài trên 150m, cao khoảng 70m nguy cơ đổ ập đất đá xuống nhà dân và tỉnh lộ 170 bất cứ lúc nào. Phía trên đỉnh đồi nhiều vết nứt sâu, rộng và kéo dài dễ tạo thành dòng nước chảy và có nguy cơ sạt lở với khối lượng rất lớn trong mùa mưa bão. Đã có 8 hộ dân bị ảnh hưởng, đất đá sạt xuống vùi lấp các công trình phụ, trôi đến chân tường nhà, có hộ bị vùi lấp cả nhà bếp, chuồng trại chăn nuôi.  

Sau khi có báo cáo của huyện Yên Bình, các ngành chức năng của tỉnh Yên Bái đã kiểm tra hiện trường, xác định mức độ nguy hiểm và đưa ra các giải pháp khắc phục khẩn cấp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Các điểm đứt gãy có miệng rộng sẽ tạo thành những rãnh nước khi có mưa to. Ảnh: Thanh Tiến.

Các điểm đứt gãy có miệng rộng sẽ tạo thành những rãnh nước khi có mưa to. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, huyện yêu cầu chính quyền xã cương quyết di dời toàn bộ người và tài sản của 8 hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn trước 17h30 ngày 23/1/2024 (tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện); cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá tại 2 đầu trước khu vực, treo bóng điện vào ban đêm và cắt cử lực lượng tuần tra canh gác.

Huyện Yên Bình cũng đã xây dựng các phương án đề nghị tỉnh cho phép khảo sát lập dự án hót sạt taluy và hạ thấp cung sạt lở khoảng 500.000 m3 đất đổ vào khu vực hành lang hồ chứa giáp chợ trung tâm xã Yên Thành để mở rộng khuôn viên chợ. Để thực hiện phương án này cần điều chỉnh vị trí một số mốc giới và đường biên hành lang bảo vệ hồ chứa công trình thủy điện Thác Bà.

Một phương án khác là lập dự án hót sạt taluy và hạ thấp cung sạt lở, đất đá đổ vào vị trí dự kiến phát triển quỹ đất của xã Yên Thành kết hợp với dự án di dân khẩn cấp. Tuy nhiên phương án này sẽ mất nhiều thời gian do phải thực hiện các thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất.

Đã có những phương án từ chính quyền các cấp trong tỉnh nhưng chưa thực hiện, người dân vẫn bám trụ và sống trong thấp thỏm. Ảnh: Thanh Tiến.

Đã có những phương án từ chính quyền các cấp trong tỉnh nhưng chưa thực hiện, người dân vẫn bám trụ và sống trong thấp thỏm. Ảnh: Thanh Tiến.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây đoàn công tác do ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Yên Bái dẫn đầu đã trực tiếp đến kiểm tra thực địa. Qua đó, tỉnh Yên Bái yêu cầu huyện Yên Bình di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở để đảm bảo an toàn. Xây dựng phương án đầu tư cơ sở hạ tầng bảo đảm điều kiện di chuyển các hộ dân sớm ổn định đời sống và sản xuất cho các hộ dân.

Mùa mưa bão đang đến gần, cả quả đồi đã và đang tiếp tục trượt sạt, nguy hiểm treo lơ lửng trên các nóc nhà với gần 30 con người. Vì vậy, chính quyền cần có những phương án, biện pháp kiên quyết, kịp thời, hiệu quả để khắc phục tình trạng bất an cho người dân, bên cạnh đó các hộ dân cũng cần coi việc đảm bảo an toàn tính mạng là trên hết.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.