| Hotline: 0983.970.780

Không dùng lửa xử lí thực bì

Chủ Nhật 25/02/2024 , 15:08 (GMT+7)

Trước nguy cơ xảy ra cháy rừng ở mức cao, tỉnh Yên Bái yêu cầu dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi có nguy cơ gây cháy rừng.

Nguy cơ xảy ra cháy rừng đang ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm tại một số khu vực trong tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Nguy cơ xảy ra cháy rừng đang ở cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm tại một số khu vực trong tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay đang là thời gian cao điểm của khô hanh kèm theo gió lào thổi mạnh, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, luôn trong tình trạng cấp IV (nguy hiểm) và cấp V (cực kỳ nguy hiểm) đối với nhiều khu vực tại tỉnh Yên Bái như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên. Đặc biệt là với diện tích rừng ở vùng núi cao sau khi xuất hiện băng tuyết do rét đậm, rét hại làm thảm thực bì chết khô, gia tăng vật liệu dễ cháy.

Trực 24/24 giờ ở các chòi, lán canh lửa

Huyện Mù Cang Chải đang quản lý hơn 80.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên đặc dụng gần 19.000 ha, rừng tự nhiên phòng hộ gần 31.000, còn lại là diện tích rừng tự nhiên sản xuất, rừng trồng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất.

Chỉ từ ngày 19 - 20/2, tại huyện Mù Cang Chải đã xảy ra 3 vụ cháy rừng làm thiệt hại hơn 13 ha rừng trồng, cỏ lau lách, rừng tái sinh và một số diện tích rừng tự nhiên của các Chế Tạo, Mồ Dề, Lao Chải.

Ngay sau khi xảy ra các vụ cháy, huyện Mù Cang Chải đã huy động hơn 800 người tại các địa phương gồm: người dân, lực lượng dân quân, kiểm lâm, công an, quân đội tham gia cứu hộ dập lửa. Cả 3 vụ cháy rừng trên đều được dập tắt ngay trong ngày, không để lan rộng.

Tại huyện Mù Cang Chải đã xảy ra 3 vụ cháy rừng trong thời gian sau Tết nguyên đán. Ảnh: Thanh Tiến.

Tại huyện Mù Cang Chải đã xảy ra 3 vụ cháy rừng trong thời gian sau Tết nguyên đán. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo ông Trần Xuân Dưỡng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải cho biết, nguyên nhân dẫn đến cháy rừng là do thời tiết khô hanh, gió lớn cộng với thảm thực bì dày do cây tầng thấp chết trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua khiến đám cháy lan rộng.

Hiện nay, thời tiết trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đang xuất hiện nắng nóng, khô hanh, đây đang là thời điểm người đang xử lý thực bì để canh tác nương rẫy. Chính vì vậy, cùng với việc điều ra, xác minh làm rõ các vụ cháy rừng, huyện Mù Cang Chải khuyến nghị người dân, nhất là đồng bào ở gần rừng nâng cao nhận thức, ý thức phòng chống, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng. Xác định rõ các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao để tổ chức phương án trực và huy động lực lượng chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”.

Công tác phòng cháy chữa cháy rừng được thực hiện theo phương châm '4 tại chỗ'

Công tác phòng cháy chữa cháy rừng được thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ"

Ngoài ra, Hạt kiểm lâm phối hợp với các xã, thị trấn huy động người dân tu sửa gần 280 km đường băng cản lửa phân chia ranh giới giữa các bản, giữa các loại rừng. Sửa chữa, làm mới hệ thống, bảng biểu phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thực hiện nghiêm chế độ trực ở hơn 70 chòi, lán canh lửa. Đối với các khu vực có nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm phải tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, dụng cụ, hậu cần để ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Nghiêm cấm đốt nương, mang lửa vào rừng

Huyện Trạm Tấu có địa hình phức tạp, giáp ranh nhiều địa phương trong tỉnh và tỉnh Sơn La, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tình trạng vi phạm luật Lâm nghiệp trên địa bàn vẫn diễn ra. Toàn huyện hiện có hơn 45.000 ha đất có rừng, trong đó rừng phòng hộ gần 34.000 ha và gần 12.000 rừng sản xuất.

Trong tháng 2/2024, trên địa bàn huyện đã xảy ra 1 vụ cháy rừng trồng phòng hộ ở xã Bản Mù. Nhờ phát hiện sớm và huy động hơn 100 người dập lửa nên đã kịp thời dập tắt đám cháy sau hơn 3 giờ đồng hồ. Thời điểm này đang vào mùa khô hanh và cũng là lúc người dân thường xử lý thực bì để làm nương rẫy hoặc trồng cây vụ xuân nên nguy cơ cháy rừng luôn ở mức báo động.

Theo ông Đào Công Trình - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trong niên vụ khô hanh 2023-2024, Ban Quản lý đã nghiêm túc thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, chính quyền các xã, thị trấn và các tổ bảo vệ rừng kiểm tra diện tích rừng đã giao khoán bảo vệ. Tại các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao ở các xã như: Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Túc Đán, Làng Nhì, Tà Xi Láng... phân công cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp với địa phương và chủ rừng duy trì trực 24/24 giờ tại những điểm xung yếu. 

Công tác ứng trực, sẵn sàng ứng phó được tăng cường ở cơ sở như: tuyên truyền, tuần tra, canh gác, kiểm soát nhân dân ở cửa rừng; nghiêm cấm bà con nhân dân đốt nương dưới mọi hình thức, nghiêm cấm mang lửa vào rừng vì thời tiết đang nắng nóng, khô hanh, gió mạnh.

Huyện Trạm Tấu đã yêu cầu 100% tổ, đội bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng của các xã, thị trấn với gần 900 thành viên, thay phiên nhau canh gác tại từng khu vực, sẵn sàng triển khai chữa cháy khi có tình huống xấu xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.

Kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh hiện có gần 435.000 ha rừng với gần 218.000 ha rừng tự nhiên và khoảng 217.000 ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%. Trong tháng 2/2024, trên địa tỉnh đã xảy ra các vụ cháy rừng tại các huyện huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu.

Tình trạng người dân đốt dọn thực bì, canh tác nương rẫy sau dịp Tết Nguyên đán dẫn đến nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, đặc biệt tại các huyện phía Tây của tỉnh như Trạm Tấu, Mù Cang Chải và các xã vùng thượng huyện Văn Chấn, Văn Yên gây thiệt hại về rừng và môi trường sinh thái.

Tình Yên Bái ra công điện yêu cầu các địa phương 'tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng'. Ảnh: Thanh Tiến.

Tình Yên Bái ra công điện yêu cầu các địa phương “tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng”. Ảnh: Thanh Tiến.

Trước những nguy cơ, diễn biến cháy rừng đã và đang diễn ra phức tạp tại một số địa phương trong tỉnh và các địa bàn lân cận, tỉnh Yên Bái đã ra công điện số 03 về việc “tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng”. Trọng tâm là yêu cầu các ngành chức năng phối hợp với địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư, xây dựng kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng sát thực tiễn, đủ khả năng ứng phó với tình huống cháy rừng xảy ra. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy. Dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi có nguy cơ gây cháy rừng.

Duy trì nghiêm chế độ trực ban, phân công lực lượng 24/24 giờ trong suốt mùa khô và các ngày nắng nóng kéo dài, bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng. Kiểm soát chặt chẽ người ra vào các khu vực rừng có nguy có cháy cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập lửa không để xảy ra cháy lớn. Xây dựng phương án di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.  

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái khuyến nghị: chính quyền địa phương các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân nâng cao nhận thức trong việc canh tác nương rẫy, hạn chế thấp nhất việc sử dụng lửa để đốt dọn thực bì để làm nương rẫy. Kiểm soát chặt chẽ không để người dân vào rừng lấy mật ong, thu hái cây thuốc, dược liệu trong những ngày khô hanh, nắng nóng kéo dài. Nếu người dân có nhu cầu đốt dọn thực bì phải báo cáo chính quyền và Kiểm lâm địa bàn để được hướng dẫn hỗ trợ việc sử dụng lửa an toàn...

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.