| Hotline: 0983.970.780

Nổi nênh nghề rọ tôm trên hồ Thác Bà

Thứ Hai 26/02/2024 , 10:05 (GMT+7)

YÊN BÁI Nghề đan rọ tôm có lúc mai một bởi xuất hiện công nghệ đánh bắt hiện đại, nguồn tôm cá ít dần theo thời gian, nhưng bà con vẫn cần mẫn thủy chung với nghề.

Hàng trăm người dân ở xã Phúc An làm nghề đan rọ tôm để mưu sinh. Ảnh: Thanh Tiến.

Hàng trăm người dân ở xã Phúc An làm nghề đan rọ tôm để mưu sinh. Ảnh: Thanh Tiến.

Dưới cơn mưa nhẹ những ngày đầu tháng Chạp, vài chiếc thuyền nhỏ lênh đênh soi bóng dưới mặt nước trong xanh của hồ Thác Bà. Trong mỗi nếp nhà ở làng nghề đan rọ tôm ở xã Phúc An, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái), ai nấy đều tất bật với công việc cuối năm. Chất nghề nơi đây nhuốm màu bình dị của cuộc sống làng quê vùng non xanh nước biếc, xen lẫn trong đó sự nhộn nhịp bên khu bến chợ, ríu rít người mua, kẻ bán những mẻ tôm tươi rói vừa đánh bắt.

Không có ruộng nên nhiều hộ dân sống ven hồ Thác Bà phải lênh đênh trên hồ, lấy nghề đánh bắt tôm để mưu sinh. 

Tần tảo nghề đan rọ tôm

Vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi hồ thủy điện Thác Bà hoàn thành, nhiều hộ dân ở các tỉnh dưới xuôi như Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ lên vùng đất này lập nghiệp. Cụ Trần Văn Thành mang theo nghề đan rọ từ Phú Thọ lên quê hương mới. Cụ Thành được bà con coi là "ông tổ" của nghề đan rọ tôm nơi đây. Cho dù tới lúc nhắm mắt xuôi tay, cụ vẫn không quên dặn dò các con, các cháu của mình dù có khó khăn thế nào cũng phải bám nghề, giữ nghề. 

Trước kia ở hồ Thác Bà chưa có nhiều chài lưới, ít dụng cụ đánh bắt nên nghề đan rọ tôm phát triển mạnh, nhà nào cũng đan để có phương tiện đánh bắt tôm cá trên hồ. Thế rồi, rọ tôm dần trở thành hàng hóa, thương nhân khắp nơi đến đây thu mua mang phục vụ người dân nơi khác đánh bắt. Người này truyền nghề cho người kia, nhà nhà đan rọ, già trẻ, gái trai ai cũng biết đan và làng nghề đan rọ tôm ở xã Phúc An được hình thành từ đó.

Trong làng nghề hầu như ai cũng biết đan rọ tôm vì nghề này không nặng nhọc và có thể tranh thủ thời gian để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Thanh Tiến.

Trong làng nghề hầu như ai cũng biết đan rọ tôm vì nghề này không nặng nhọc và có thể tranh thủ thời gian để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Thanh Tiến.

Bên hiên bếp, chị Lê Thị Ngọc Thắng đang cặm cụi đan những chiếc rọ tôm. Mỗi ngày chị có thể đan được khoảng 30 chiếc rọ với giá bán từ 5.000 – 6.000 đồng/chiếc. Trừ chi phí mua cây giang, cây nứa để làm nan cũng kiếm được trên dưới 100.000 đồng/ngày.

Chị Thắng bộc bạch, đan rọ tôm không khó, ai cũng có thể làm được, con chị khi vào lớp 1, lớp 2 đã bắt đầu học đan rọ. Mỗi chiếc rọ gồm 2 phần thân và hom. Để đan được những chiếc rọ tốt, có độ bền cao thì phải lên rừng lựa chọn những cây giang, cây nứa già, sau khi đan phải mang phơi khô hoặc sấy rựa bếp giúp rọ ngâm lâu dưới nước không bị ải mục, hiệu quả bắt tôm cũng cao hơn.

Thời hoàng kim của nghề rọ tôm, trong làng đàn ông chẻ nan, phụ nữ đan, người khéo tay đan hom, người mới tập thì đan thân rọ… Công việc không nặng nhọc nên người già, trẻ em đều làm được. Nghề làm rọ tôm nơi đây có thể làm quanh năm, nhưng rầm rộ nhất là vào tháng 7, tháng 8 khi mùa nước lên. Mỗi khi nước từ các con sông dâng lên, các hồ, đập, ruộng lênh láng cá, tôm thì các sản phẩm rọ tôm lại càng thêm đắt hàng.

Ngoài làm vườn, chị Lê Thị Ngọc Thắng có thể đan 30 chiếc rọ tôm mỗi ngày. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngoài làm vườn, chị Lê Thị Ngọc Thắng có thể đan 30 chiếc rọ tôm mỗi ngày. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngày nay, nghề đan rọ tôm đang dần mai một bởi sự xuất hiện của những nhiều loại dụng cụ đánh bắt như chài lưới, vó đèn, bát quái… Số người tham gia khai thác tăng cao làm nguồn lợi tôm, cá trên hồ cũng ít dần, vì vậy hộ dân đan rọ tôm cũng giảm. Những “nghệ nhân” đan rọ chủ yếu là phụ nữ, người già và họ cũng chỉ coi đây là công việc phụ lúc nông nhàn.

Bên hiên nhà, bà Bùi Thì Diệu năm nay đã gần 70 tuổi vẫn cần mẫn đan những chiếc rọ tôm để bán cho cho tư thương. Kể từ khi về làm dâu ở xã Phúc An đến nay, bà Diệu đã gắn bó với nghề đan rọ hơn 40 năm. Qua năm tháng, nghề đan rọ cũng đã suy giảm nhưng công việc này vẫn là kế mưu sinh chính của bà. Hàng ngày, ngoài việc chăm sóc vườn rau, đàn gà, bà vẫn tranh thủ làm được 20 chiếc rọ, thu được gần 100.000 đồng, không nhiều những cũng đủ trang trải cuộc sống.

Theo bà Diệu, đa phần người dân trong làng không có ruộng, cuộc sống gắn liền với chài lưới, rọ tôm, vì vậy người sức khỏe yếu thì trên bờ đan rọ, đàn ông, trai tráng thì đạp thuyền, đánh cá, bắt tôm. Mỗi lứa rọ thường ngâm liên tục dưới hồ từ 3 đến 4 tháng, lâu ngày ải mục sẽ phải thay lứa mới. Rọ tốt thì được lâu, đánh bắt tôm hiệu quả hơn. Do đó sau khi chọn được những cây giang, cây nứa vừa ý vót thành nan, phải đem ngâm với nước một thời gian để tránh mối mọt rồi khéo léo đan thành những sản phẩm vừa bền vừa đẹp.

Bà Diệu đã gắn bó với nghề đan rọ tôm trong hơn 40 năm qua. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Diệu đã gắn bó với nghề đan rọ tôm trong hơn 40 năm qua. Ảnh: Thanh Tiến.

Tròng trành đời ngư phủ

Nằm bên hồ Thác Bà mênh mang sóng nước, người dân ở xã Phúc An không có ruộng nên đa phần bà con phải lênh đênh trên hồ, lấy nghề đánh bắt tôm cá để mưu sinh. Nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm, công việc mưu sinh thêm nhọc nhằn, rồi cả những nguy hiểm luôn rình rập khi mùa mưa bão. Không có lựa chọn nào khác, mỗi ngày khi những chiếc rọ thả xuống là một tia hi vọng, một mong ước về buổi sáng ngày mai đủ đầy hơn với những mớ tôm cá thu được.

Những ngày cuối năm, dạo qua các thôn vùng ven hồ, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ đang tần tảo đan rọ, dưới mặt nước hồ xanh xanh phía xa, những chiếc thuyền chở đầy rọ lênh đênh. Hàng loạt rọ được nối lại với nhau bằng sợi dây cước được các ngư dân nhẹ nhàng thả xuống hồ, đầu sợi dây được buộc vào một cây sào tre để sáng mai họ lần theo thu hoạch.

Những chiếc thuyền lênh đênh với nghề đánh rọ tôm trên hồ Thác Bà. Ảnh: Thanh Tiến.

Những chiếc thuyền lênh đênh với nghề đánh rọ tôm trên hồ Thác Bà. Ảnh: Thanh Tiến.

Bước lên chiếc thuyền sắt nhỏ mới đóng để trải nghiệm hành trình thả rọ tôm cùng anh Nguyễn Văn Toàn ở thôn Đồng Tha - người đàn ông ngoài 40 tuổi nhưng đã có gần 30 năm gắn bó với nghề ngư rọ, dáng người gầy guộc, làn da rám nắng, bàn tay nhanh nhẹn thả lần lượt những chiếc rọ mới xuống hồ. Chiếc thuyền tròng trành theo từng động tác, có lúc nghiêng hẳn sang một bên khi anh đứng dậy lấy loạt rọ khác. Thấy sắc mặt lo lắng của tôi, anh trấn an: “Thuyền không lật được đâu, thế này chưa ăn thua gì, những hôm có gió mạnh còn nguy hiểm hơn nhiều, nhưng mọi người quen cả rồi, ở đây ai cũng biết bơi như cá”.

Tôm đánh bắt được ở hồ Thác Bà thơm ngon nên được thực khách rất ưa chuộng. Ảnh: Thanh Tiến.

Tôm đánh bắt được ở hồ Thác Bà thơm ngon nên được thực khách rất ưa chuộng. Ảnh: Thanh Tiến.

Anh Toàn kể từ nhỏ đã theo bố đi thả rọ tôm, vào mùa nước lên thì thả rọ ở khu vực ven bờ, còn mùa nước cạn thả ở những chỗ nước sâu hơn. Công đoạn làm mồi được chuẩn bị từ sáng sớm với bột sắn khô và cá tươi được giã nhỏ, sau đó vo tròn lại thả vào trong rọ. Lúc nào anh cũng thả khoảng 1.000 rọ tôm. Khi gà gáy canh 5 là lúc ngư dân trong làng thức dậy đạp thuyền đi thu thành quả để có hàng bán cho thương lái kịp phiên chợ sáng. 1.000 rọ thả xuống hồ thường thu được khoảng 5 - 6 cân tôm, với giá bán trung bình 60.000/kg, thu nhập khoảng 300.000 đồng mỗi ngày.

Anh Toàn và vợ đang phân loại tôm mới đánh bắt được để bán cho thương lái. Ảnh: Thanh Tiến.

Anh Toàn và vợ đang phân loại tôm mới đánh bắt được để bán cho thương lái. Ảnh: Thanh Tiến.

Mặt nước mênh mông, cùng những nguy hiểm luôn rình rập, khi mưa bão, sóng to, gió lớn, thuyền không kịp về bến. Thân phận mỗi con người ở đây trở nên bé nhỏ. Nhưng chẳng thể khác, năm tháng qua đi, những sóng gió, hiểm nguy chỉ tôi luyện cho họ thêm sự dạn dĩ.

Anh Đỗ Quang Tuyên, một ngư dân lâu năm trên hồ tâm sự, nghề đánh rọ tôm phải dạt theo mùa. Có mùa tôm ăn vùng nước nông, có mùa tôm ăn vùng nước sâu, cứ như thế, nơi nào có nhiều tôm là đi. Có những đợt đi đánh rọ xa cả tuần mới về… Mọi sinh hoạt đều diễn ra trên chiếc thuyền nan, nay được thay thế bằng những chiếc thuyền sắt an toàn hơn. Người đánh rọ tôm phải chuẩn bị các vật dụng thiết yếu như chăn, màn, nồi, chảo, bát, đũa, dao... Nếu gặp mưa bão lớn thì dạt vào các đảo trên hồ để tránh trú, đợi trời yên, gió lặng mới tiếp tục công việc.

Khu bến chợ mỗi buổi sáng khi các ngư dân đánh bắt tôm trở về. Ảnh: Thanh Tiến.

Khu bến chợ mỗi buổi sáng khi các ngư dân đánh bắt tôm trở về. Ảnh: Thanh Tiến.

Những người đàn ông gắn bó bên chiếc thuyền vẫn cứ lênh đênh, tròng trành mỗi sớm chiều, bàn tay của những người phụ nữ đan rọ như nhanh hơn, mọi thứ như tất bật, hối hả để chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy. Họ bình dị, say sưa với công việc, gương mặt ai nấy cũng rạng rỡ. Và mỗi sáng mai, bên bến thuyền lại râm ran tiếng cười nói của những người ngư dân với giỏ tôm đầy; nhộn nhịp người mua, kẻ bán, cuộc sống của người dân vùng non nước cứ thế tiếp diễn thật yên bình.

Xem thêm
Dự kiến trình cấp thẩm quyền phương án giảm 8 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Phiên họp của Ban Chỉ đạo về tinh gọn bộ máy của Chính phủ đã thống nhất phương án trình cấp thẩm quyền về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Theo đó dự kiến có 22 bộ, cơ quan, gồm 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 5 cơ quan thuộc Chính phủ.

Ngành nông nghiệp Bình Thuận phấn đấu tăng trưởng 3 - 3,5%

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh Bình Thuận ước đạt 3,43%, vượt kế hoạch đề ra.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Long An tri ân các mạnh thường quân

Ngày 11/1, UBND tỉnh Long An tổ chức Lễ tri ân các nhà tài trợ, doanh nghiệp, mạnh thường quân vì sự phát triển và an sinh xã hội tỉnh Long An năm 2024.