| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm sản phẩm OCOP Lâm Đồng 'chào hàng' tại TP.HCM

Thứ Sáu 23/08/2024 , 15:36 (GMT+7)

TP.HCM Hơn 250 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng của 27 doanh nghiệp được trưng bày, giới thiệu quảng bá tại TP.HCM.

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Lâm Đồng được giới thiệu tại 'Tuần lễ kết nối và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2024 tại TP.HCM'. Ảnh: ITPC.

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Lâm Đồng được giới thiệu tại “Tuần lễ kết nối và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2024 tại TP.HCM”. Ảnh: ITPC.

Từ ngày 23-29/8 tại Showroom xuất khẩu số 92-96, đường Nguyễn Huệ, quận 1, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức “Tuần lễ kết nối và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng năm 2024 tại TP.HCM”.

Tại đây, người tiêu dùng TP.HCM và du khách có thể tìm hiểu, trải nghiệm và mua sắm với hơn 250 sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lâm Đồng của 27 doanh nghiệp.

Các sản phẩm được tỉnh Lâm Đồng đem đến giới thiệu lần này như rau, hoa, quả, trà, rượu vang, mứt, cà phê arabica, hạt mắc ca, đông trùng hạ thảo... Đặc biệt là các sản phẩm mang thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành". 

Ông Nguyễn Vĩnh Quảng, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh hiện có 352 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3-5 sao và 22 chứng nhận nhãn hiệu độc quyền và tiêu biểu là nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đại diện cho 4 sản phẩm gồm: rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông đã khẳng định về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Quảng, TP.HCM là một thị trường lớn, truyền thống, trọng tâm, trọng điểm để định hướng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục vụ.

"Đây là cơ hội để các sản phẩm của Lâm Đồng được tỏa sáng, được tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng tại thị trường sôi động bậc nhất cả nước", ông Nguyễn Vĩnh Quảng nói và cho biết thêm, thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" không chỉ là sự khẳng định về chất lượng, mà còn là câu chuyện về tình yêu, niềm tự hào của người Lâm Đồng dành cho quê hương mình.

Nhãn hiệu 'Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành' của tỉnh Lâm Đồng được giới thiệu tới người tiêu dùng TP.HCM. Ảnh: ITPC.

Nhãn hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” của tỉnh Lâm Đồng được giới thiệu tới người tiêu dùng TP.HCM. Ảnh: ITPC.

Mỗi sản phẩm mang thương hiệu này đều là kết tinh của tâm huyết, là sự hòa quyện giữa truyền thống và đổi mới, giữa thiên nhiên và con người, đã và đang mở ra con đường lớn để nông sản sạch vùng đất cao nguyên định vị trên thị trường trong nước và dần bước ra thị trường quốc tế; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung cấp, cơ sở sản xuất tìm hiểu thông tin thị trường, thúc đẩy sản xuất, kết nối cung cầu hàng hóa, đưa vào các hệ thống phân phối, bán lẻ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân tại các thành phố lớn như: Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh trên cả nước.

Qua đó, góp phần tháo gỡ những khó khăn cho sản xuất của doanh nghiệp, đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu và phát triển bền vững.

"Thông qua sự kiện này, chúng tôi hy vọng nhiều người tiêu dùng biết đến, ưu tiên, lựa chọn tiêu dùng sản phẩm OCOP, nông sản nội địa có chất lượng tốt, có nguồn gốc xuất xứ với giá cả hợp lý, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, khôi phục kinh tế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống người dân", Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng nói.

Giám đốc ITPC Trần Phú Lữ cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh vùng Tây Nguyên nói chung. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của địa phương có điều kiện quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại TP.HCM.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.