Gia tăng giá trị sản phẩm địa phương
Theo Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua chương trình OCOP đã góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn của tỉnh theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Với chương trình này, các sản phẩm với lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa có cơ hội phát triển theo chuỗi giá trị. Đặc biệt các đặc sản, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch làng, xã, cộng đồng phát triển theo hướng tuần hoàn, đảm bảo hệ sinh thái. Chương trình này cũng góp phần lớn vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới.
Tính đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 177 sản phẩm OCOP, trong đó 9 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao, 94 sản phẩm 4 sao và 74 sản phẩm 3 sao. Đối với 9 sản phẩm 5 sao thì có 2 sản phẩm đã có quyết định công nhận và 7 sản phẩm đã trình Trung ương xem xét. Về chủ thể, thời gian qua toàn tỉnh Lâm Đồng có 103 chủ thể tham gia chương trình. Cơ cấu chủ thể có sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP như 21 hợp tác xã, 58 doanh nghiệp, 19 hộ cá thể và trang trại, 5 chủ thể là tổ hợp tác.
Giai đoạn 2018 – 2021, tổng kinh phó thực hiện chương trình OCOP tỉnh Lâm Đồng khoảng 24,9 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung Ương khoảng 12,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương 2 tỷ đồng và vốn huy động từ chủ thể, người dân là trên 10,4 tỷ đồng.
Đánh giá về chương trình OCOP, ông Phạm Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết chương trình đã bắt đầu tiếp cận với nhiều người dân, doanh nghiệp. Thông qua công tác tuyên truyền, các hoạt động xúc tiến thương mại cùng với sự thành công của các chủ thể đi trước đã tạo động lực mạnh mẽ cho các chủ thể mới tham gia chương trình. Người dân địa phương đã hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP. Cũng từ chương trình này, nhiều địa phương đã thấy được tiềm năng, thế mạnh của mình để có những giải pháp phù hợp nhằm phát triển sản phẩm.
Đặc biệt, chươg trình OCOP đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Các sản phẩm được chứng nhận không ngừng cải tiến mẫu mã. Từ đó thu nhập của doanh nghiệp, hộ dân đã được tăng lên.
Chặng đường mới cho sản phẩm OCOP
Tỉnh Lâm Đồng xác định, thời gian tới, sản phẩm OCOP vẫn đóng vai trò quan trọng trong khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn. Đặc biệt nâng cao thu nhập cho người dân.
Chương tình cũng sẽ góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Đồng thời thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Do vậy, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ có ít nhất 250 sản phẩm OCOP, trong đó phấn đấu 230 sản phẩm cấp tỉnh, 20 sản phẩm cấp Quốc gia. Tỉnh này cũng củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng và ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.
"Chúng tôi ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phấn đấu có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 50% chủ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phấn đấu 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng", ông Phạm Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Lâm Đồng hướng đến xây dựng 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Đồng thời, đưa tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%. Địa phương cũng phấn đấu từ 30% - 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử.... và hướng đến xây dựng mỗi huyện, thành phố ít nhất 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Theo Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, để đạt được những kết quả trên, tỉnh sẽ tổ chức tập huấn về chương trình OCOP. Trong đó bao gồm tập huấn kiến thức quản lý triển khai thực hiện chương trình cho cán bộ quản lý cấp huyện và tập huấn kiến thức chuyên môn về quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh cho các chủ thể như lãnh đạo hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn toàn tỉnh.
Cùng với đó là hỗ trợ phát triển và nâng cấp sản phẩm và xây dựng kế hoạch hỗ trợ các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn sản phẩm OCOP. Đặc biệt, địa phương này tập trung vào hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đạt sao OCOP tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2022. Theo đó, 15 sản phẩm của 6 chủ thể đạt hạng sản phẩm OCOP 4 sao và 8 sản phẩm của 7 chủ thể đạt hạng 3 sao. Các sản phẩm đạt hạng 4 sao gồm: 6 sản phẩm cà phê của Công ty TNHH Daisy International; sản phẩm rau xà lách thủy canh của Công ty TNHH Rừng hoa Bạch cúc; cà rốt baby của Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc; 5 sản phẩm của từ rau xanh của Công ty TNHH Ichifoods; trà Olong của Công ty Tam Dương; bơ 034 của HTX Bình Minh. 8 sản phẩm đạt hạng 3 sao bao gồm: đông trùng hạ thảo của Công ty Nông nghiệp công nghệ cao DKM; cà phê ORICO No1 của Công ty Ân Đức Phúc; trà Olong của Công ty Trà Việt Vương; hạt bí Nhật của cơ sở Bột bí Nhật An; 3 sản phẩm bơ 034 của Tổ hợp tác Sang Trọng, Trương Viết Phú, Nguyễn Văn Dậu.