| Hotline: 0983.970.780

Hàng trăm tấn cá chết sau xả lũ, ai chịu trách nhiệm?

Thứ Tư 26/07/2017 , 08:47 (GMT+7)

Gần 100 hộ nuôi cá lồng dọc sông Đà từ Hòa Bình về Phú Thọ đang khốn khổ vì cả ngàn tấn cá nuôi lồng chết trắng do nghi xả lũ thủy điện Hòa Bình.

Đáng lo ngại, là hiện nay mưa lũ vẫn diễn biến bất thường, liên tiếp các cơn bão từ biển Đông đang hướng vào nước ta, có nghĩa là các hồ thủy điện vẫn luôn trong tình trạng trực chiến sẵn sàng xả lũ. Cá thì vẫn chết và chưa có dấu hiệu ngừng lại.

17-33-10_cuc_truong_vn_phu_chinh
Ông Văn Phú Chính, Cục trưởng Cục phòng chống thiên tai, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai

Trước hiện trạng này, PV NNVN đã có cuộc phỏng vấn ông Văn Phú Chính, Cục trưởng Cục phòng chống thiên tai, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Thưa ông, các địa phương đã có báo cáo như thế nào về nguyên nhân cả ngàn tấn cá nuôi trên dòng sông Đà bị chết sau xả lũ?

Qua kiểm tra và báo cáo của các địa phương sau xả lũ thì chưa có thiệt hại nào đáng kể ngoài việc một số lồng cá của người dân Phú Thọ và Hòa Bình bị chết do cá sặc nước. Ghi nhận, có khoảng 86 tấn cá của Hòa Bình bị chết, còn Phú Thọ đang thống kê, đánh giá.

Theo những thông tin của chúng tôi, lượng cá chết nhiều hơn con số ông đưa ra?

Đây là con số tôi nắm được. Trên thực tế có thể nhiều hơn nhưng do các địa phương chưa báo cáo hết nên chúng tôi chưa có số liệu cuối cùng. 

Có một vấn đề nổi lên trong thời gian qua, đó là vận hành xả lũ, điều tiết lũ trên các hồ chứa thuộc hệ thống sông Hồng. Ngay chủ hồ thủy điện, vừa chấp hành quy trình vận hành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, còn phải tuân thủ các nguyên tắc phòng chống thiên tai. Đây chính là vấn đề cần phải được tính toán kỹ, tránh gây thiệt hại nặng nề cho hạ du. Ý kiến của ông như thế nào?

Theo quy định, từ 15/6 đến 15/9 hàng năm là thời kỳ mùa lũ, BCĐ sẽ chủ động quyết định vận hành hồ chứa nhằm phòng chống lũ cho hạ du cũng như an toàn công trình hồ.

Thực hiện nhiệm vụ này, cuối tháng 6 đã vận hành hồ Tuyên Quang, tháng 7 vận hành hồ Hòa Bình, hạ thấp mực nước để đón lũ vì dòng chảy năm nay lớn hơn mọi năm cho nên quyết định hạ mực nước các hồ đó để đón các trận lũ lớn, nhằm đảm bảo an toàn cho hạ du.

Theo quy định chỉ thông báo việc xả lũ là trong 2 - 6 giờ đồng hồ nhưng mà lần này, BCĐ đã có kế hoạch trước đó cả tuần, lên kế hoạch cụ thể cho từng hồ, từng cửa van. Việc đến lúc cần xả lũ tiếp tục được thông báo bằng văn bản của Trưởng BCĐ Trung ương về PCTT. Do đó, lần này chúng ta đã có sự chủ động hơn.

Chẳng hạn hôm 11/7 có thông báo chung về kế hoạch xả lũ thì đến 18/7 có lệnh xả lũ một cửa đáy hồ thủy điện Hòa Bình vào 8h sáng 19/7. Lệnh này được ban hành trước cả chục tiếng đồng hồ. Như vậy, về việc thông báo và có các phương án đối phó khi xả lũ đã được chuẩn bị tương đối ổn. Để có được việc này, đã có 6 đơn vị khoa học hàng đầu về khí tượng thủy văn, thủy lợi tham gia tính toán, hỗ trợ BCĐ ra quyết định vận hành hồ.

Về phía TP Hà Nội, thủy điện Hòa Bình đã thông báo kịp thời cho người dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng trực tiếp nghe và trực tiếp đi xem. Ngay hôm xả lũ một cửa đáy thủy điện Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và lãnh đạo Hà Nội cùng đi kiểm tra dọc hai bên bờ sông để nắm chắc tình hình mực nước.

Chúng tôi muốn trở lại câu chuyện xả lũ khiến cả ngàn tấn cá nuôi lồng bị chết dọc sông Đà từ Hòa Bình đến Phú Thọ. Theo ông, Nhà nước cần làm gì để hỗ trợ giúp đỡ người dân ngay lúc này để chia sẻ, đồng thời có khuyến cáo mỗi khi mùa mưa bão đến?

Theo quan điểm của tôi, việc xả lũ này là để đảm bảo an toàn cho hạ du. Năm 2008 chúng ta cũng đã xả 4 cửa đáy/lần. Qua rút kinh nghiệm nên đã có điều chỉnh kế hoạch và mức xả lũ.

Hiện BCĐ đang tham mưu các địa phương và Chính phủ là áp dụng Nghị định 02 để hỗ trợ cho người dân. Mức hỗ trợ cao nhất thì khoảng 7 - 10 triệu đồng/lồng bè/100m3. Quỹ hỗ trợ này tôi cho rằng, địa phương có thể lấy ngân sách dự phòng của Quỹ phòng chống thiên tai ra hỗ trợ cho nông dân.

Ông thì nói xả lũ theo đúng quy trình, có nghĩa là khi mực nước lòng hồ dâng cao buộc phải xả lũ theo lệnh BCĐ Trung ương về PCTT. Còn người dân thì kêu, hồ Hòa Bình xả lũ cá nuôi ở hạ du bị chết. Vậy làm thế nào để "hài hòa" hai vấn đề này?

Tôi cũng cho rằng cần rút kinh nghiệm để hạn chế thiệt hại mỗi khi có mưa bão. Theo quy định từ 15/6 vào mùa lũ lớn cho nên khả năng xả lũ của các hồ là đương nhiên và rất cao. Việc xả lũ đó là bình thường, cho nên bà con phải điều chỉnh thời vụ, thu hoạch trước 15/6 hoặc hạn chế các hoạt động trên hệ thống hồ, hạ du mỗi khi có mưa bão.

Không chỉ có nuôi cá mà còn có các hoạt động khác. Chẳng hạn, như vừa rồi, xả lũ ở Tuyên Quang một cầu phao bị đứt neo. Cái này phải rút kinh nghiệm vì mùa lũ không thể cho cầu phao hoạt động. Không chỉ có hệ thống sông Hồng mà các sông khác tới đây BCĐ cũng sẽ tham mưu áp dụng như vậy.

Đó là trong khoảng thời gian mùa mưa lũ lớn thì sẽ cấm hoặc hạn chế các hoạt động trên hệ thống sông như nuôi cá lồng bè, cầu phao…

Về lâu dài phải xây dựng cơ chế phối hợp trong việc cung cấp thông tin xả lũ giữa các chủ hồ thủy điện với các địa phương. Làm sao khoảng thời gian người dân nhận được thông tin trước khi xả lũ càng dài, bà con càng có điều kiện thu hoạch được tôm cá, gia súc, gia cầm, hoa màu, di dời nhà cửa... để càng ít xảy ra thiệt hại thì càng tốt.

Xin cảm ơn ông!

Khác với ý kiến của ông Chính là cá nuôi lồng bị chết sau xả lũ do sặc nước thì ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi lại cho rằng cá chết do sốc nhiệt.

Lý giải điều này, ông Hoài nói, bình thường các tua bin hoạt động, nước chảy phía dưới nên nước lạnh hơn so với khi chúng ta xả lũ với một vận tốc mạnh, nhiệt trong nước tăng lên. Điều này khiến cá nuôi trong lồng bị sốc nhiệt và dẫn đến chết.

 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Khám phá Nhà máy xanh TH true MILK: Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch

Không chỉ cung cấp những ly sữa tươi sạch TH true MILK, nhiều năm qua, Tập đoàn TH còn tham gia phát triển nền nông nghiệp Việt Nam xanh, bền vững.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.