Nguy hiểm hơn, tình trạng cá chết vẫn xảy ra trên chiều dài sông Đà và chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Dấu hiệu bất thường khi thủy điện mở cửa xả đáy
Anh Dương Tiến Dũng - một chủ nuôi cá lồng ở khu 5 xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) cho biết, gia đình anh nuôi 15 lồng cá từ cách đây khoảng 5 năm nhưng đây là năm đầu tiên xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.
Người nuôi cá lồng ở xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy trắng đêm vớt cá bị chết |
Anh Dũng cho biết, nước sông Đà bắt đầu chảy mạnh và chuyển dần từ màu xanh trong sang đục đỏ từ đêm 18/7 khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy. Ngày đầu tiên các lồng cá chưa có hiện tượng gì.
Tuy nhiên, sáng 20/7, vào khoảng 7h, các loại cá bắt đầu có hiện tượng bổ nhào, lao như mất phương hướng, há mồm thở và chết. Nhiều nhất là các giống cá da trơn như lăng, ngạnh, chiên, tầm… Ngoài ra, các loại cá tự nhiên trên sông như cá mương cũng chết rất nhiều, dạt vào bờ. Đến thời điểm 24h ngày 20/7, tại khu vực lồng cá nhà anh Dũng, hai lồng cá lăng giống (nặng từ 1 - 2 lạng/con) với khoảng 8 nghìn con đã chết; cá ngạnh chết khoảng 1 nghìn con, bên cạnh đó là cá chiên, điêu hồng cũng chết lác đác…
Gần khu vực nuôi cá của nhà anh Dũng, hơn 2h sáng, khu nhà lồng của gia đình ông Đặng Văn Luyện (khu 5 xã Xuân Lộc) nhốn nháo bởi tiếng người í ới gọi nhau cứu cá.
Ông Luyện xót xa: “Gia đình tôi mất ăn mất ngủ vì toàn bộ 20 lồng cá đang nuôi bị ảnh hưởng lớn do việc xả đáy. Trong đó, có 7 lồng cá chết trắng hàng loạt. Để có kinh phí đầu tư nuôi cá, gia đình phải vay ngân hàng hơn 300 triệu đồng mua cá giống từ đầu năm; đến hiện tại tiền cám cho cá nợ đến hơn 1 tỷ đồng. Cả gia đình đang trông chờ vào mẻ cá thu hoạch bắt đầu từ cuối năm nay, rộ vào tháng 2 - 4 năm sau, để có tiền trang trải các khoản vay, tiền thức ăn cho cá và có khoản để tái sản xuất lứa cá mới. Đến giờ, thiệt hại kinh tế do cá lồng bị chết, gia đình chưa có thời gian thống kê".
Cá chết trắng nghi do xả đáy thủy điện |
Theo thông tin của các hộ nuôi cá lồng và từ Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Thọ, khoảng hơn 9h sáng 20/7 bắt đầu xuất hiện tình trạng cá chết. Suốt dọc tuyến sông Đà, từ xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn đến xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, khoảng gần 100 lồng cá bị ảnh hưởng. Các hộ ở xã Tinh Nhuệ, Phượng Mao, Đoan Hạ bị ảnh hưởng đầu tiên, cá chết trước vài tiếng so với địa bàn xã Xuân Lộc. Đến đêm 20/7 thì lượng cá chết tăng chóng mặt do trời mưa lớn làm nước sông lên nhanh, lưu tốc của dòng chảy mạnh thêm.
Ông Thiều Minh Thế - Giám đốc HTX cá lồng Thanh Thủy cho biết: Dọc sông Đà từ xã Tinh Nhuệ (huyện Thanh Sơn) về xã Xuân Lộc (huyện Thanh Thủy) hiện có 51 hộ nuôi cá lồng với hơn 400 lồng cá. Qua khảo sát của HTX thì 100% các hộ đều bị ảnh hưởng. Hiện tượng cá chết bắt đầu từ đêm 19 rạng ngày 20/7.
Đến thời điểm 1h ngày 21/7, thông tin cập nhật từ các chủ lồng thì đã có nhiều hộ mất trắng, chủ yếu là cá giống và cá đặc sản. Thiệt hại nặng nhất là các lồng cá nằm ở khu vực giữa sông. Đối với các lồng nằm trong vụng kín hoặc gần các cửa ngòi như ngòi Lạt, ngòi Tu Vũ ít bị ảnh hưởng hơn do nguồn nước từ trong đồng, ngòi chảy ra đã làm loãng bớt độ đậm đặc của bùn.
Khuôn mặt vẫn còn nguyên nét bàng hoàng, thẫn thờ, ông Nguyễn Thái Hưng ở xã Tinh Nhuệ tâm sự: “Khi được thông báo hồ Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả lũ, chúng tôi đã liên hệ để tiêu thụ các lồng cá đã đến tuổi khai thác. Tuy nhiên thời gian quá ngắn nên mới chỉ tiêu thụ được một lượng nhỏ.
Trước những thiệt hại của người nuôi cá lồng trên sông Đà, ngày 22/7, ông Hoàng Dân Mạc - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ đã đã tới thăm hỏi, động viên các hộ nuôi cá lồng trên sông Đà và cho ý kiến chỉ đạo xử lý khắc phục, giảm tối đa thiệt hại cho người dân. |
Đến đêm 20/7, cá chết nhiều quá nên thương lái tha hồ ép giá. Cá tầm từ 2kg trở lên trước kia bán khoảng 180.000 đồng/kg thì nay chỉ còn bán được với giá 25.000 đến 31.000 đồng/kg. Các loại cá khác giá cũng giảm 60 đến 70%. Gia đình tôi lỗ đến hàng tỷ đồng, không biết bao giờ mới khôi phục lại được. Chúng tôi rất mong cấp trên có chính sách hỗ trợ phần nào để giải quyết khó khăn trước mặt”.
Thiệt hại nặng nề
Theo thống kê nhanh của Chi cục Thủy sản Phú Thọ, đến 18h ngày 20/7 đã có 48 lồng cá bị chết hoàn toàn. Ngoài ra còn hàng trăm lồng khác bị ảnh hưởng. Toàn tuyến sông Đà có 444 lồng cá của 51 hộ thuộc 2 huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy. Tổng sản lượng cá lồng ước tính khoảng trên 1.000 tấn.
Đến sáng 22/7, toàn tuyến có 200 lồng bị ảnh hưởng, trong đó có 133 lồng bị chết hoàn toàn; 67 lồng bị chết từ 30% đến 70%. Sản lượng bị thiệt hại ước khoảng 350 tấn. Sáng 22/7, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã tiếp tục mở cửa xả đáy thứ 3 sau 21 năm nên lượng cá chết vẫn tiếp tục tăng lên. Sau khi mở cửa xả đáy thứ 3, nước lũ về nhanh với lưu tốc lớn làm cho 15 lồng cá ở huyện Thanh Sơn bị vỡ và hư hỏng nặng. Ngoài số cá lồng ở Phú Thọ, thông tin cũng cho biết thêm, các hộ nuôi cá lồng ở Hòa Bình và Hà Nội cũng bị thiệt hại nặng nề do Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy.
15 lồng cá của hộ ông Nguyễn Thái Hưng, xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn bị vỡ và hư hỏng nặng |
Được biết, đa phần các lồng nuôi cá trên sông Đà là lồng kiên cố, ngoài khung sắt, trong đóng bương hoặc tre và buông lưới 2 - 3 lượt. Chi phí cho 1 lồng khoảng 50 triệu đồng, trong đó tiền làm lồng khoảng 20 triệu, còn lại là cá giống. Nghề nuôi cá lồng trên sông Đà bắt đầu được khoảng 5 năm gần đây, hộ nhiều nhất nuôi khoảng 50 lồng, hộ ít có 5 lồng. Đa số các hộ đều phải vay vốn ngân hàng để làm lồng, mua cá giống và thức ăn cho cá...