Hạnh phúc muộn có giống món ngon dọn muộn trong bữa tiệc đời người chăng? Với nhà thơ Lê Minh Quốc, hạnh phúc muộn khi được làm cha ở tuổi 60 thực sự mang lại nhiều cung bậc rung động. Và hạnh phúc muộn đã thúc đẩy cảm hứng để nhà thơ Lê Minh Quốc có cuốn sách “Từng ngày ba mẹ thở theo con” do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.
Nhà thơ Lê Minh Quốc, sinh năm 1959 tại Đà Nẵng. Sau năm tháng cầm súng ở chiến trường Campuchia, ông gia nhập giới cầm bút như một tác giả đa năng tung hoành ở nhiều lĩnh vực. Từ năm 1989 đến nay, nhà thơ Lê Minh Quốc đã in hơn 50 đầu sách, bao gồm thơ, bút ký, tiểu thuyết và biên khảo.
Thế nhưng, đến năm 2019 thì nhà thơ Lê Minh Quốc mới được làm cha ở tuổi sáu mươi. Chính từ đây, rất nhiều “lần đầu tiên” khác được khám phá: Lần đầu tiên thức khuya dậy sớm trông con, lần đầu tiên lo âu thắt lòng khi con ốm, lần đầu tiên biết đến nỗi khắc khoải ngày con đi mẫu giáo, lần đầu tiên mơ ước xa xôi với nhân vật chính chẳng phải bản thân mà là con gái bé bỏng...
Tất cả mọi tình huống gần gũi mà đặc biệt ấy được nhà thơ Lê Minh Quốc ghi lại tỉ mỉ thành cuốn sách “Từng ngày ba mẹ thở theo con” tập hợp những câu chuyện đan xen các vần thơ hóm hỉnh, bất ngờ và tràn đầy cảm xúc.
Chúng ta dễ dàng nhìn thấy quan hệ cha mẹ - con cái là mối quan hệ thiêng liêng bất diệt. Người ta đi học kĩ năng giao tiếp, học nghệ thuật xã giao để thiết lập và vận hành các quan hệ xã hội. Nhưng với cha mẹ - con cái thì đây là mối quan hệ xã hội mang tính tự nhiên nhất, được gắn kết từ cội nguồn là một yếu tố hoàn toàn sinh học: Quan hệ huyết thống. Ai làm cha làm mẹ thì luôn có trách nhiệm thương yêu con mình, thương vô bờ bến, thương phi không gian, thương phi thời gian và đi kèm là trách nhiệm vô biên với đứa trẻ.
Bất cứ ai từng làm cha mẹ, cũng từng trải qua việc vừa ăn xong, định chợp mắt chút thì con khóc oé, rồi sáng sáng bồng con phơi nắng, nấu nước tắm rồi lại loay hoay cho con ăn dặm… đến khi ngước lên thì đã hết ngày. Chiếc bánh thời gian bị xé lẻ, chỉ khi bé con đã ngủ mới có thể tranh thủ làm việc riêng của mình.
Cuốn sách “Từng ngày ba mẹ thở theo con” có thể giúp độc giả hoài niệm những ngày đã trải qua hoặc chuẩn bị tâm lý để làm phụ huynh của một thiên thần đột nhiên xuất hiện trong nhà mình.
Chia sẻ về tác phẩm, nhà thơ Lê Minh Quốc cho biết ông viết cho mọi lứa tuổi với 20 bài viết, gói gọn trong 3 chương “Khi mỗi nhà thêm mầm sống sinh ra", "Từng ngày ba mẹ thở theo con" và "Rợp xanh bóng mát vuông tròn sắc xuân".
Có thể hình dung “Từng ngày ba mẹ thở theo con” là tiếng nói đẹp đẽ, là cảm giác bối rối của bậc làm cha mẹ khi đón nhận đứa con đầu lòng. Cũng chính khoảnh khắc đó, người cha, người mẹ phải thay đổi mình để khôn lớn cùng con.
"Từng ngày ba mẹ thở theo con" là sự đồng cảm của bậc sinh thành trong chặng đường trưởng thành cùng con, là niềm hân hoan của cặp vợ chồng mới cưới đang chờ đón giọt máu đầu lòng, là cảm giác vừa lạ lẫm vừa hồi hộp, vừa hạnh phúc khi đón chào thành viên mới. Và còn là sự hy sinh cao cả của bậc sinh thành.