| Hotline: 0983.970.780

Hành trình 30 năm cứu hộ linh trưởng quý hiếm của Việt Nam

Thứ Tư 20/12/2023 , 15:00 (GMT+7)

Vườn Quốc gia Cúc Phương và Vườn thú Leipzig tổ chức Hội nghị 30 năm cứu hộ linh trưởng quý hiếm của Việt Nam và định hướng đến 2050.

Linh trưởng trong khu bán hoang dã ở Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Linh trưởng trong khu bán hoang dã ở Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Đây là Hội nghị quan trọng, đánh dấu kết quả, thành tựu quan trọng sau 30 năm Vườn quốc gia Cúc Phương thực hiện việc cứu hộ các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam.

Thú linh trưởng được xem là những loài chỉ thị cho sức khỏe hệ sinh thái, thước đo của mức độ đa dạng sinh học, đồng thời đóng vai trò quan trọng đối với đời sống văn hóa, tinh thần và khoa học phục vụ con người.

Cũng giống như rất nhiều loài động vật hoang dã, các loài linh trưởng của Việt Nam đã và đang trong tình trạng suy giảm, nhiều loài có nguy cơ bị tuyệt chủng cao, nguyên nhân chính là do tác động mãnh liệt của còn người, môi trường sống bị phá hủy, đặc biệt nạn sắn bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã.

Bảo vệ và bảo tồn các loài động thực vật hoang dã nói chung và các loài linh trưởng nói riêng đã và đang là mục tiêu chung của nhiều đơn vị, nhiều tổ chức trong và ngoài nước.

Bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, trong những năm gần đây đã có nhiều đơn vị, tổ chức tham gia vào những nỗ lực này góp phần nâng cao nhận thức, cải thiện chính sách,… tạo chuyển biến căn bản nhằm phục hồi các quần thể linh trưởng tự nhiên.

Từ năm 1987, Vườn Quốc gia Cúc Phương đã thực hiện dự án "“Hỗ trợ tăng cường Vườn Quốc gia Cúc Phương, mã số TC/VIE/6654 do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, một chuyên gia nghiên cứu linh trưởng là tiến sĩ Ratajsczak Radoslaw, người Ba Lan đã đến Cúc Phương điều tra loài voọc quần đùi trắng thông qua hình ảnh từ một con tem do bưu chính Việt Nam phát hành năm 1965 (24/6/1965); sau hai đợt điều tra, ông xác định đã nghe được tiếng của loài này và khảng định loài voọc mông trắng còn tồn tại ở đây.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Dự án linh trưởng Việt Nam chia sẻ: "Trải qua 30 năm hợp tác với Hội động vật Frankfurt (1993 - 2013) và Vườn thú Leipzig (2013-2023), Dự án bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng trân trọng.

Một trong những kết quả nổi bật của Dự án là đã thành lập một Trung tâm cứu hộ và bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam. Tại đây đang cứu hộ và bảo tồn trên 180 cá thể của 14 loài và phân loài linh trưởng quí hiếm.

Tất cả các cá thể linh trưởng tại Trung tâm đang được chăm sóc tốt. Có 12 loài đã cho sinh sản thành công với trên 200 cá thể, trong đó có 3 loài lần đầu tiên được sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt trên thế giới".

Đại diện Vườn thú Leipzig, Giám đốc Jörg Junhold cho rằng, để có được những thành công của Dự án như ngày hôm nay là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi của Chính phủ Việt Nam, của Bộ NN-PTNT, Cục Kiểm lâm cùng các đơn vị hữu quan và sự cống hiến hết mình của các nhà khoa học Việt Nam, Đức và các nước khác trên thế giới, sự tận tâm làm việc của các nhà quản lý, công nhân viên tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng quý hiếm Cúc Phương trong nhiều năm qua. Kết quả của chương trình này đã đóng góp cho bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm của Việt Nam và thế giới.

Ông Jörg Junhold, Giám đốc Vườn thú Leipzig, Cộng hòa liên bang Đức chia sẻ về bảo tồn linh trưởng quý hiếm. Ảnh: Mạnh Cường.

Ông Jörg Junhold, Giám đốc Vườn thú Leipzig, Cộng hòa liên bang Đức chia sẻ về bảo tồn linh trưởng quý hiếm. Ảnh: Mạnh Cường.

Về phía Vườn Quốc gia Cúc Phương, Giám đốc Nguyễn Văn Chính nhấn mạnh, Dự án bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam tại Vườn quốc gia Cúc Phương từ lâu được đánh giá là mô hình cứu hộ loài nguy cấp tiêu biểu trong khu vực và trên thế giới.

Đây là thành quả của Dự án đã giúp bảo tồn và phát triển thành công loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao ngoài tự nhiên. Đồng thời cũng là mô hình nghiên cứu, giáo dục môi trường, tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động cho cộng đồng xã hội.

"Đây còn là biểu tượng của sự hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực khoa học bảo tồn loài giữa Vườn quốc gia Cúc Phương với các đối tác của nước ngoài nói chung và Vườn thú Leipzig nói riêng", ông Chính chia sẻ thêm.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.