| Hotline: 0983.970.780

Vườn Quốc gia Cúc Phương khánh thành Trung tâm Du khách

Thứ Sáu 01/12/2023 , 18:53 (GMT+7)

Ngày 1/12, Vườn Quốc gia Cúc Phương phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức lễ khánh thành Trung tâm Du khách Cúc Phương.

Khung cảnh yên bình bên trong Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Khung cảnh yên bình bên trong Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Đây là kết quả của Dự án thí điểm cải tạo Trung tâm Du khách Vườn Quốc gia Cúc Phương do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam hỗ trợ thực hiện. Dự án được thực hiện nhằm thay đổi các thực hành chuyên môn dài hạn; mong muốn Vườn Quốc gia hoàn thành tốt nhất sứ mệnh của mình đối với công chúng Việt Nam và phát huy các giá trị văn hóa, thiên nhiên, bảo vệ tốt hơn cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Với sự tư vấn của các chuyên gia Agnès Parent, Giám đốc Công chúng và Térésa Ribeyron, Trưởng phòng Triển lãm lưu động của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Paris; chuyên gia thiết kế Patrick Hoarau trung tâm được thiết kế với ngôn ngữ hiện đại, phong cách truyền thống, tôn trọng tối đa văn hóa và tri thức bản địa.

Ngoài ra, khai thác và làm sâu sắc nhất những điều kiện lập địa để chuyển tải thông điệp và lan tỏa vẻ đẹp của thiên nhiên Cúc Phương đến với công chúng và du khách. Trung tâm Du khách được thiết kế phương án cải tạo trở thành một điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Các mảng trưng bày gợi mở về những gì chúng ta có thể thấy khi tham quan trong Vườn. Các mảng thông tin trưng bày được thiết kế phân chia thành 3 khu vực: “CHÀO MỪNG”, “KHU RỪNG” và “KHÔNG GIAN TRẺ EM”, theo 3 tiêu chí.

Thứ nhất là trực quan và sát thực: tập trung sử dụng nhiều hình ảnh, hiện vật, sử dụng văn bản rất ngắn. Hai là, cho phép khám phá: nêu rõ vai trò cũng như mối quan hệ tương tác và các loài tiêu biểu khiến trung tâm trở thành công cụ để hướng dẫn, thuyết minh mở rộng cho du khách. Thứ ba, sử dụng nhiều hình thức trưng bày khác nhau: đa dạng các chủ thể trưng bày, sử dụng âm thanh tạo liên kết, cho phép du khách sờ vào một số hiện vật từ đó thu hút sự chú ý.

Các hạng mục trưng bày tại Trung tâm Du khách được thiết kế tối đa với việc sử dụng vật liệu địa phương. Mặt sàn không gian “CHÀO MỪNG” được làm bằng đá do những nghệ nhân đến từ làng đá Ninh Vân, Ninh Bình trực tiếp thi công, lắp đặt; một phần sàn đá được xử lý như sàn gỗ của không gian khám phá nhằm tạo sự liên kết giữa hai không gian; phần sàn của không gian “KHU RỪNG” được làm bằng gỗ, gợi lên những chiếc lá rơi trên rừng; trần nhà được thi công dưới dạng vòm tre đan, bao phủ toàn bộ không gian trưng bày. Tre có nguồn gốc tại địa phương, được xử lý, tạo hình và lắp ráp tại chỗ.

Phần vòm này giúp hấp thụ âm thanh và che đi phần lắp đặt thiết bị kỹ thuật như hệ thống loa, ánh sáng, thông gió, đồng thời đem đến hiệu ứng ánh sáng tương tự với ánh nắng xuyên qua các tán cây trong rừng.

Phần trụ trưng bày các mẫu vật bằng đồng cũng như sa bàn Vườn Quốc gia Cúc Phương được làm bằng đá tại địa phương. Các phiến đá này được chọn trên tiêu chí hình dạng và tỉ lệ với mẫu vật. Khách tham quan được tự do chạm vào các mẫu vật bằng đồng trưng bày trên trụ đá này để cảm nhận.

Không gian trưng bày có sử dụng hiệu ứng âm thanh làm nền, với những đoạn âm thanh được tạo nên từ những bản thu lấy từ tự nhiên trong chính Vườn Quốc gia Cúc Phương, gợi lên cuộc sống của cư dân trong rừng và môi trường xung quanh.

Sàn của khu KHÔNG GIAN TRẺ EM được làm bằng đất sống, một loại vật liệu tự nhiên và thân thiện với môi trường. Sàn đất lấy cảm hứng từ kỹ thuật xây dựng nhà của người Việt Nam thời xưa, với phần sàn nhà được làm từ đất nện.

KHÔNG GIAN TRẺ EM gồm 3 phần. Một là khu thư giãn, nơi các bạn nhỏ và gia đình có thể ngồi nghỉ ngơi, đọc sách trên những chiếc gối lớn, êm ái, màu sắc gợi nhớ đến khu rừng.

Khu tương tác, trên tường có những mẩu chuyện miêu tả về những mối quan hệ giữa các loài sinh vật trong rừng (cộng sinh, ký sinh…). Thông qua mỗi mẩu chuyện, các bạn nhỏ sẽ hiểu thêm về hệ sinh thái, vai trò của các loài sinh vật trong việc duy trì sự cần bằng và phát triển đa dạng của khu rừng.

Khu trò chơi, mỗi bạn nhỏ sẽ chọn 1 quân cờ cho mình (quân cờ được thiết kế theo hình 1 loài vật tiêu biểu ở Cúc Phương). Các bạn nhỏ sẽ xoay bánh xe trên tường để biết số ô mình sẽ tiến lên. Tại mỗi ô sẽ có đề bài yêu cầu các bạn thực hiện theo.

Đề bài sẽ liên quan chặt chẽ đến công việc của đội ngũ cán bộ, nhân viên của Vườn Quốc gia Cúc Phương (các nhà nghiên cứu, tình nguyện viên, cán bộ kiểm lâm…), giúp các bạn nhỏ hiểu hơn về những công việc được duy trì tại vườn mỗi ngày để bảo vệ đa dạng sinh học của Vườn.

Trên bức tường của khu Không gian trẻ em được trang trí bằng những chiếc lá khổng lồ. Khi dạo chơi trong rừng, những chiếc lá vô cùng nhỏ bé so với con người. Phần trang trí tường sẽ đem đến một ý tưởng hoàn toàn trái ngược: các bạn nhỏ sẽ trở lên tí hon so với những chiếc lá trong rừng.

Tham quan Trung tâm Du khách được khai thác theo 2 lộ trình. Thứ nhất là lộ trình tham quan nhanh (dưới 15 phút): Các chuyến tham quan dưới sự hướng dẫn của hướng dẫn viên, với thời lượng tham quan ngắn nhằm nắm bắt thông tin tổng quan về Vườn Quốc gia sau đó tiếp tục khám phá trong Vườn.

Lộ trình này chủ yếu trực quan, các công cụ trưng bày có tác dụng minh họa cho bài thuyết trình của hướng dẫn viên.

Thứ hai là lộ trình chuyên sâu, dành cho du khách lưu trú qua đêm tại Vườn hay những du khách có thời gian dài tự khám phá thông qua các hiện vật và nội dung trưng bày.

Vẻ đẹp hoang sơ của hệ thực vật trong Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Vẻ đẹp hoang sơ của hệ thực vật trong Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Thành quả hợp tác Việt - Pháp

Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương chia sẻ: "Cùng với sự hỗ trợ, tư vấn của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo tàng, truyền thông quốc tế, Trung tâm Du khách Cúc Phương sẽ là một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi du khách và các em học sinh đến với Cúc Phương.

Chúng tôi mong muốn thông qua đây sẽ truyền tải những thông điệp sâu sắc về thiên nhiên tươi đẹp và ý thức, trách nhiệm bảo tồn của chúng ta.

Chúng tôi hi vọng Trung tâm Du khách sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn, một phòng học lý tưởng về thiên nhiên thu hút được sự chú ý, quan tâm của đông đảo khách tham quan và cộng đồng đến Vườn Quốc gia Cúc Phương. Đồng thời, từ những sự hợp tác trong việc triển khai dự án, quan hệ giữa Vườn Quốc gia với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Paris ngày càng thắm thiết".

Trung tâm Du khách Vườn Quốc gia Cúc Phương là một trong 3 dự án thí điểm của chương trình FSPI “Chia sẻ và gìn giữ di sản Việt Nam”, là một trong những công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ, 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Pháp.

Bà Sophie Maysonnave, Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa, đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh: "Chương trình FSPI chính thức khởi động vào tháng 5/2022, được Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp tài trợ 15 tỷ đồng. Những con số này minh chứng cho tầm quan trọng mà Pháp đã dành cho các dự án hợp tác song phương hơn 20 năm qua trong lĩnh vực di sản, văn hóa và bảo tàng".

Đến với công trình Trung tâm Du khách của VQG Cúc Phương, bà chia sẻ: "Tôi rất tự hào về kết quả mà các vị sẽ thấy trong ít phút nữa, một không gian triển lãm chạm tới mọi giác quan về vẻ đẹp phong phú của khu rừng hết sức đặc biệt này, được thiết kế bởi những chuyên gia của Pháp trong lĩnh vực bảo tàng và được thi công bằng vật liệu địa phương như đất sống và tre. Công trình hợp tác về di sản này như một lời mời gọi khám phá khu rừng và trên hết là một ví dụ tiêu biểu về văn hóa sẻ chia giữa hai nước chúng ta".

Trước đó, ngày 4/5/2022, được sự cho phép của Bộ NN-PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp (nay là Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm), Vườn Quốc gia Cúc Phương đã ký văn bản bản thỏa thuận hỗ trợ với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam thực hiện Dự án thí điểm cải tạo Trung tâm Du khách Vườn Quốc gia Cúc Phương, hỗ trợ xây dựng nội dung trưng bày và lắp đặt hệ thống bảng chỉ dẫn tham quan với nội dung khoa học và thân thiện với đối tượng thiếu nhi.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.