Trước đây, mới chỉ có 15 công trình cung cấp nước sạch, có nguồn gốc từ Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, do Chính phủ đầu tư một phần và người dân đóng góp một phần. Nhưng vì đầu tư nhỏ giọt, nên chỉ có thể xây dựng được những công trình nước sạch có quy mô nhỏ, cấp nước rất hạn chế, và cho đến nay thì đã ngừng hoạt động.
Vận hành Nhà máy nước Bạch Đằng |
Tiếp theo, Thái Bình là 1 trong 4 tỉnh được chọn thí điểm để thục hiện dự án cấp nước và vệ sinh nông thôn đồng bằng sông Hồng, có nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). 20 công trình đã được xây dựng bằng nguồn vay này, đến năm 2013 đã và được giao cho 1 DN là công ty cổ phần cấp nước và vệ sinh nông thôn vận hành, nhưng công ty này làm ăn không hiệu quả.
Trước tình hình đó, Thái Bình đã có chủ trương xã hội hóa chương trình nước sạch nông thôn. Ngày 2/8/2012, UBND tỉnh Thái Bình có quyết định số 12/2012/UBND “ban hành quy định một số cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012-2015.
Theo đó, được hưởng sự ưu đãi là những dự án đầu tư xây dựng mới; nâng cấp, mở rộng công suất, phạm vi cấp nước. Những DN đầu tư vào các lĩnh vực trên được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, được hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tạo nguồn nước; được áp dụng mức thuế suất thu nhập DN 10% trong suốt thời gian hoạt động, miễn thuế 5 năm đầu, 5 năm tiếp theo miễn 50% thuế; hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng thương mại trong 3 năm.
Đối với những dự án mới, dự án đầu tư nâng cấp mở rộng công suất cấp nước và mở rộng phạm vi cấp nước, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ lần lượt là 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 1,5 triệu đồng/m3 ngày, đêm... Tất cả những ưu đãi đó đã góp phần thu hút được một nguồn vốn xã hội hóa rất lớn. Chỉ từ năm 2012 đến nay, đã có 24 dự án cấp nước sạch được xây dựng mới, do các DN ngoài nhà nước đầu tư.
Cũng từ năm 2015, tỉnh Thái Bình đã quyết định giao toàn bộ 20 công trình nước sạch được hình thành từ nguồn vốn vay WB cho các DN ngoài quốc doanh quản lý, và kết quả thật bất ngờ: Các công trình đó hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với trước đây.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 59 công trình cấp nước sạch hoạt động suốt ngày đêm, với nguồn nước hầu hết được lấy từ những con sông tự nhiên như sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc... Về chất lượng nước, trên 90% các công trình đã thực hiện việc kiểm soát theo quy chuẩn kỹ thuật VN 01/2009/BYT của Bộ Y tế.
Chúng tôi đã có dịp thăm một số công trình nước sạch được xây dựng mới trên địa bàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Quyên, GĐ Cty TNHH Thương mại và Vận tải Tín Thành Hưng, chủ của nhà máy nước xã Bạch Đằng (huyện Đông Hưng), một nhà máy có công suất 13.000 m3/ngày đêm, cấp nước cho 13 xã ở hai huyện Đông Hưng và Hưng Hà, cho biết tổng đầu tư cho công trình hết 158 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ (quy ra giá trị) là 30 tỷ (gần 20%). Có thể nói đó là một mức hỗ trợ khá cao.
Nước sạch về làng |
Theo bà Quyên, đây là một nhà máy nước rất hiện đại. Toàn bộ hoạt động, từ lấy nước từ nguồn cho đến cấp nước đến từng nhà dân, qua hàng chục khâu, đều được tự động hóa hoàn toàn. Về giá nước, hiện đang dao động ở mức trên dưới 7.400 đồng/m3, là đã tiết kiệm chi phí đến mức thấp nhất. Tuy vậy, với người dân, nhất là người dân ở những xã thuần nông, thì mức đó vẫn là cao, vì 1m3 nước tương đương với 1kg thóc.
Với một số chủ nhà máy khác, vẫn còn không ít những bức xúc. Ông Bùi Xuân Tấu, chủ nhà máy nước Minh Tân, cho biết: Một bãi kinh doanh vật liệu xây dựng và một tàu cung cấp dầu vẫn thường xuyên đậu chỉ cách chỗ lấy nước của nhà máy dăm bẩy mét. Bụi và váng dầu làm ảnh hưởng không ít đến nguồn nước của nhà máy. Đã nhiều lần ông kiến nghị dời xa bãi vật liệu xây dựng và bến neo đậu tàu dầu, nhưng vẫn không được giải quyết.
Với người dân tỉnh lúa, niềm vui có thể nói là rất lớn, khi được đón nước sạch về làng. Rất nhiều người dân, khi được chúng tôi hỏi, đã trả lời một cách rất thật thà: Trước đây, chỉ biết “lấy nước làm sạch” như các cụ xưa vẫn nói. Dùng, mà chẳng biết trong nó có những thứ gì. Bây giờ, dùng nước do nhà máy cung cấp, cũng yên tâm như là dùng mớ rau con cá do mình tự trồng, tự nuôi vậy.
Hiện tại, ở một số nơi, bà con vẫn còn dùng kết hợp cả nước sạch với nước mưa, nước giếng khoan, nên mức độ sử dụng nước sạch vẫn còn ít. Nhưng chắc chắn rồi đây, khi nhu cầu của cuộc sống tăng cao, nước sạch sẽ trở thành một thứ không thể thiếu trong đời sống, như là điện chẳng hạn. |