Cơn mưa rừng bất chợt khiến nhiệt độ giảm nhanh chóng. Nhìn qua màn hình máy quay, chúng tôi thấy một lớp sương mỏng, tựa hồ đã bám từ lâu lắm. Ngước lên trên cao, đường đi vẫn là những vách đá tai mèo dựng đứng. Leo lên quần thể bách xanh tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chỉ còn độ trăm mét nữa. Nếu là đường bằng thì chỉ vài phút là tới, nhưng trong không gian này, giữa mịt mù sương khói và bát ngát núi rừng, chúng tôi không biết mình còn phải tốn bao nhiêu thời gian nữa mới có thể hạ chân máy.
Đấy chỉ là một trong rất nhiều cảm xúc mà Đoàn làm phim Báo Nông nghiệp Việt Nam trải qua trong gần một năm thực hiện Bộ phim Sinh thái Việt Nam. Trải qua hơn một vạn cây số đường rừng có đường nhựa đường suối có, lên xuống dốc nhiều hơn đường bằng, kéo dài từ Vườn quốc gia Hoàng Liên đến tận Vườn quốc gia Tràm Chim, chúng tôi - những người vốn quen với khi chuồng trại lúc ngoài đồng - không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú của đất nước Việt Nam tươi đẹp.
Trong hành trình ấy, chúng tôi đã băng qua cánh rừng đỗ quyên đỏ rực dưới đỉnh Fansipan, được xuyên qua tầng tầng lớp lớp mây mờ để chạm tới đỉnh cây chò chỉ trong Vườn quốc gia Cúc Phương, hay vượt hơn 10 cây số đường rừng không chỉ trơn như bôi mỡ dưới cơn mưa tầm tã mà còn đầy nguy hiểm với những người non kinh nghiệm đường rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Tất cả cũng là để có những thước phim chân thực nhất về tính đa dạng sinh học trong các khu rừng đặc dụng ở mọi miền Tổ quốc.
Nếu ai từng một lần ngồi giữa hàng cây cổ thụ trăm năm tuổi trong Vườn quốc gia Cát Tiên để “tắm rừng” hay nghe tiếng hát khe khẽ của người phụ nữ Đan Lai vẳng lên từ khe suối trong Vườn quốc gia Pù Mát, hẳn sẽ thấy bừng lên một sức sống, lúc nào cũng chực nhen lên mỗi khi nhắm mắt lại. Rừng là nơi trú ngụ của muôn thú, của cỏ cây, hoa lá, nhưng cũng là chỗ chở che, vỗ về với con người mỗi khi muốn rời xa sự ồn ào, xô bồ nơi phố thị. Một năm quẩn quanh với đường rừng, với tán cây, con thú, chúng tôi thêm yêu rừng biết bao!
Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra sự đa tác dụng của rừng với đời sống con người. Và ngày nay, trên chính mảnh đất hình chữ S, thế hệ trẻ cảm nhận một cách rõ ràng, sống động sự tươi đẹp ấy qua những cánh bướm trong Vườn quốc gia Cúc Phương, những hang động không thấy điểm cuối tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, hay những áng mây chờn vờn trong sương sớm trên đỉnh Tây Thiên, ở Vườn quốc gia Tam Đảo.
Và cũng chỉ trong những cánh rừng già, con người mới được tận mắt thấy từng đàn voi nối đuôi nhau lội suối tại Vườn quốc gia Yok Đôn, bầy bò tót lầm lũi hiện ra trong bóng đêm ken đặc khi tia chớp léo ngang bầu trời, chúa sơn lâm bằng da bằng thịt tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, hay những ánh mắt của cá sấu Xiêm trong Vườn quốc gia Cát Tiên. Nếu chừng đó là quá “dữ dội”, những cánh cò trắng lả lướt giữa một vùng mênh mông sóng nước tại Vườn quốc gia Tràm Chim có thể đủ sức “xoa dịu” lại tâm hồn.
“Rừng là nhà”, đó là câu nói cửa miệng của cán bộ kiểm lâm tại hầu hết vườn quốc gia mà chúng tôi đã đi qua. Vượt qua những bộn bề, lo toan thường ngày, họ vẫn ngày đêm yêu rừng, giữ rừng, duy trì màu xanh bất diệt cho mái nhà chung Việt Nam. Thông qua những thước phim, chúng tôi mong muốn lan tỏa được cảm xúc ấy tới khán giả, để tất cả chúng ta thêm yêu và cùng nhau gìn giữ những cánh rừng cho thế hệ mai sau.
Với thời lượng 4 tập, “Sinh thái Việt Nam” hy vọng lột tả được phần nào vẻ đẹp, tính đa dạng sinh học và cuộc sống của người dân sống quanh vùng đệm các vườn quốc gia.
Sự hưởng ứng, tin cậy mà khán giả dành cho bộ phim sẽ tiếp tục là nguồn cổ vũ, động lực để đoàn làm phim chúng tôi không ngừng đổi mới sáng tạo vì cộng đồng, xã hội và vì mục tiêu giữ xanh màu rừng của tổ quốc Việt Nam tươi đẹp.