| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam cùng 7 quốc gia đối thoại để chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước

Thứ Sáu 06/10/2023 , 06:00 (GMT+7)

Trong khuôn khổ Dự án BES-Net, UNDP cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến triển khai xây dựng đề án tại Vườn quốc gia Tràm Chim.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao. Ảnh: UNDP.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao. Ảnh: UNDP.

8 quốc gia đối thoại

Từ ngày 4 - 6/10, Mạng lưới Đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (BES-Net) tổ chức Hội nghị Đối thoại 3 bên, quy tụ đại biểu từ 8 quốc gia tham gia gồm Cameroon, Colombia, Ethiopia, Kazakhstan, Kenya, Nigeria, Trinidad & Tobago và Việt Nam.

Hội nghị mong muốn kết nối cộng đồng các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học và các bên thực hành để cùng đánh giá, trao đổi về các thách thức, cơ hội, đồng thời cùng vạch ra một số lộ trình hợp tác và nhân rộng các sáng kiến.

Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên tất cả các quốc gia được hưởng lợi từ Quỹ Giải pháp BES - cung cấp các hỗ trợ mang tính xúc tác nhằm triển khai các sáng kiến về bảo tồn đa dạng sinh học tại cấp cơ sở - trong khuôn khổ Dự án BES-Net được họp mặt trực tiếp.

Chi trả cho Dịch vụ Hệ sinh thái (PES) đã được công nhận rộng rãi như một công cụ chính sách thành công để quản lý tài nguyên thiên nhiên tại hơn 60 quốc gia. Những chương trình này đã được thực hiện cho nhiều dịch vụ hệ sinh thái khác nhau trên toàn cầu, bao gồm bảo tồn đa dạng sinh học, dịch vụ du lịch, lưu trữ các bon...

Tổng số tiền chi trả hàng năm cho các chương trình PES trên toàn thế giới ước khoảng 36 tỷ USD.

"UNDP rất tự hào bởi không những thúc đẩy các giải pháp liên quan đến đa dạng sinh học mà còn giúp tăng cường đối thoại giữa các bên có thể cùng nhau tạo ra thay đổi," ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ.

Hội nghị Đối thoại 3 bên vào đầu tháng 10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án BES-Net hứa hẹn sẽ đưa các quốc gia tham gia tiến gần hơn tới việc xây dựng những chiến lược mang tính thực tiễn, nhằm giải quyết nhiều vấn đề bức thiết trong việc duy trì tính bền vững của đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Tại đây, các đại biểu tham gia trao đổi về việc triển khai Khung đa dạng sinh học toàn cầu Kunming - Montreal dựa trên tình hình thực tiễn mới nhất ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu, bao gồm việc xem xét các kết quả nghiên cứu vừa được công bố từ Diễn đàn Chính sách - khoa học liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES).

Nghề nuôi tôm hùm ngoài khơi biển Việt Nam. Ảnh: UNDP.

Nghề nuôi tôm hùm ngoài khơi biển Việt Nam. Ảnh: UNDP.

Trong Pha 1 của Dự án BES-Net, Việt Nam, cùng với Cameron, Ethiopia và Columbia, lần đầu tiên xây dựng Báo cáo Đánh giá hệ sinh thái quốc gia (NEA). Kết quả chính đạt được trong Pha 1 là việc tổ chức các Hội thảo tham vấn cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học và các nhà hành nghề, cùng các hoạt động vận động chính sách dựa trên các khuyến nghị của Báo cáo Đánh giá hệ sinh thái quốc gia (NEA).

Trong Pha 2, được thực hiện từ năm 2020, BES-Net mở rộng các hoạt động hỗ trợ mang tính xúc tác cho các giải pháp cho đa dạng sinh học, nhằm vận động để có các thay đổi về mặt chính sách dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học. Mục đích là nâng cao tiếng nói và quyền lợi của người dân bản địa và địa phương trong bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như thực hiện các hoạt động trực tiếp tại địa phương và do người địa phương dẫn dắt.

Pha 2 dự kiến có 5 kết quả chính, trong đó có việc xây dựng Đề án Chi trả dịch vụ hệ sinh thái. Địa điểm được chọn là Vườn quốc gia Tràm Chim.

Việt Nam được biết đến về tính đa dạng sinh học độc đáo và giá trị vào loại bậc nhất trên thế giới, là quốc gia có đa dạng hệ sinh thái từ rừng nhiệt đới, núi đá vôi, hệ sinh thái biển và ven biển, với hơn 100 loài chim và 10% số loài thực vật là các loài đặc hữu tại đây.

Từ năm 2017 đến 2022, trong khuôn khổ Dự án BES-Net, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp các bên liên quan xây dựng báo cáo đánh giá hệ sinh thái quốc gia (NEA).

Thúc đẩy sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan

Tại Việt Nam, trong khuôn khổ Dự án BES-Net, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nghiên cứu cơ sở về chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước và biển tại Việt Nam.

Các bên liên quan cũng lên kế hoạch triển khai việc xây dựng đề án chi trả dịch vụ hệ sinh thái cho Vườn quốc gia Tràm Chim, nhằm thúc đẩy cơ chế về chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Việc thực hiện thành công chi trả dịch vụ môi trường rừng những năm qua đã góp phần tăng nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Các bài học kinh nghiệm thực tiễn từ dịch vụ môi trường rừng sẽ tạo cơ sở để nhân rộng các cơ chế tương tự cho các hệ sinh thái khác, bao gồm cả môi trường biển và đất ngập nước.

Việt Nam đã thực hiện các sáng kiến ​​tương tự PES đối với các hệ sinh thái biển và đất ngập nước, nhưng chưa có kế hoạch chi trả toàn diện cho các dịch vụ liên quan. Một số vấn đề như mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, phát triển các phương pháp nuôi trồng thủy sản thân thiện với môi trường vùng ven biển chưa được triển khai đồng bộ.

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam. Ảnh: UNDP.

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam. Ảnh: UNDP.

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Môi trường và Biến đổi khí hậu của UNDP Việt Nam đánh giá, các chương trình thực hiện chi trả dịch vụ môi trường đất ngập nước và biển hoạt động tối ưu khi những dịch vụ được xác định rõ ràng, người hưởng lợi được tổ chức tốt, các cộng đồng quản lý tài nguyên và đất đai có quyền sở hữu rõ ràng và khung pháp lý vững chắc.

“Việt Nam cần có những đóng góp thiết thực góp phần thực hiện các mục tiêu đa dạng sinh học đầy tham vọng cam kết trong Khung Đa dạng sinh học Toàn cầu đưa ra tại COP15., Những nỗ lực không chỉ đến từ các nhà hoạch định chính sách, mà còn từ các tập đoàn và cá nhân để giúp thúc đẩy công cuộc tái tạo, phục hồi đa dạng sinh học và hệ sinh thái ở Việt Nam", ông Lai nói.

Thông qua việc phê chuẩn Công ước Ramsar, Chính phủ đã cam kết thiết lập một hệ thống các khu bảo tồn đất ngập nước tiêu biểu. Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 9 khu đất ngập nước được công nhận vào là khu Ramsar thế giới. 

Đó là Vườn quốc gia Xuân Thủy, khu hệ đất ngập nước Bàu Sấu, Vườn quốc gia Ba Bể, Vườn quốc gia Tràm Chim, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia Côn Đảo, khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Vườn quốc gia U Minh Thượng, khu bảo tồn Vân Long.

Trong số này, Vườn quốc gia Tràm Chim là khu vực có hệ sinh thái độc đáo, có tầm quan trọng đặc biệt cho các vùng lân cận, các hệ sinh thái ngập nước, đồng thời sở hữu nhiều nhóm loài đặc hữu quý hiếm, nhóm loài di cư đa dạng. Thảm thực vật của Tràm Chim chủ yếu là đồng cỏ ngập theo mùa và các mảng rừng tràm. Nhiều quần thể lớn các loài chim nước có mặt nơi đây, đặc biệt là vào mùa đông để tránh rét phương Bắc.

Sếu đầu đỏ, loài biểu tượng của Vườn quốc gia Tràm Chim, được xếp hạng nguy cấp ở cấp toàn cầu và cấp quốc gia.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Minh Hải, Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế, Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết, nếu đề án được xét duyệt, Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ hưởng hai nguồn lợi. Thứ nhất, cán bộ, công nhân viên và những người trực tiếp tham gia công tác bảo tồn sẽ có thêm động lực thực hiện nhiệm vụ. Thông qua BES-Net, một dự án được thực hiện trên toàn cầu, Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ được biết đến rộng rãi hơn.

Thứ hai, người dân sinh sống xung quanh vùng đệm của Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ có nguồn lực để tham gia thực hiện, duy trì môi trường sinh thái cho các loài chim di cư tới vườn, nhất là sếu đầu đỏ.

Hiện Vườn quốc gia Tràm Chim đang phối hợp với đối tác Thái Lan thực hiện đề án bảo tồn sếu đầu đỏ. Nếu có thể kết hợp với chương trình của UNDP, vườn sẽ chủ động hơn trong công tác phục hồi sinh cảnh cho loài sếu, tiến tới việc "thu hút" loài chim quý hiếm này trở về khu vực Đồng Tháp Mười.

BES-Net, một sáng kiến do UNDP, UNEP-WCMC và UNESCO khởi xướng, với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ CHLB Đức (thông qua tổ chức IKI) và Swedbio, tập trung vào mục tiêu tăng cường năng lực cho các bên liên quan thông qua phương thức Đối thoại 3 bên.

Thông qua Quỹ giải pháp BES, BES-Net cung cấp các hỗ trợ về mặt kỹ thuật và quỹ hạt giống theo các khuyến nghị của IPBES. Dự án sẽ được thực hiện tại 18 quốc gia, từ năm 2021 đến năm 2028.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản xuất, tiêu thụ 568.000 tấn phân bón

TP. HCM Trong năm 2024, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đặt ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ, trong đó sản lượng và tiêu thụ đạt trên 568.000 tấn phân bón các loại.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm