Truyền 20 lọ huyết thanh kháng độc nọc rắn
Vợ chồng anh Phan Văn Tâm (38 tuổi, ngụ huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) có hai con nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, hàng ngày ai thuê gì anh chị làm nấy như làm cỏ, phụ hồ.
Cuối năm 2019, anh Tâm bị tai nạn phải mổ chân khiến cho anh không còn có khả năng làm những công việc nặng. Anh được người ta cho vài ba cái bẫy để đi bắt rắn kiếm chút tiền nuôi hai đứa con nhỏ (2 tuổi và 9 tuổi).
7h30 ngày 19/8, anh Tâm chở hai con đi thăm bẫy dưới chân Núi Bà Đen (Tây Ninh) thì phát hiện con rắn dính bẫy đang cố tình thoát ra ngoài.
Anh kể: “Thấy đám cỏ nhúc nhích, tôi quỳ đầu gối xuống để đè lên nó, rồi dùng hai tay chụp lại đầu con rắn, nhưng nó to quá nên tay trái tôi bị tuột mất. Vừa lúc đó, con rắn quay đầu cắn vào đùi phải của tôi”.
Theo anh Tâm, lúc này biết là rắn độc, anh mượn người cắt cỏ gần đó một cọng dây để làm garo vùng đùi bị rắn cắn lại hòng nọc độc không bị lan ra. Khi con rắn vẫn còn cuốn chặt trên tay, anh năn nỉ một số người chở đi bệnh viện nhưng không ai chịu đưa đi cả.
May mắn, anh Tâm được một người taxi tốt bụng chở thẳng đến Bệnh viện Đa Khoa Tây Ninh.
“Tôi nói với anh taxi là, anh chạy nhanh lên, chậm chút nữa là tôi sẽ chết trên xe của anh đấy. Khi đến bệnh viện tôi đã xin bác sĩ được cuộn băng keo để quấn đầu con rắn dài khoảng 2,5m, nặng khoảng 4,6kg rồi bỏ vào bao.
Sau đó, tôi mượn điện thoại gọi về nhà kêu gia đình xuống ngay lập tức vì nghĩ rằng mình sắp chết. Sau đó, tôi không còn nhớ gì nữa”, anh Tâm kể.
Tối 19/8, anh Tâm được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Cấp cứu và Khoa Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy đã hội chẩn, sau đó bệnh nhân được chuyển sang khoa Bệnh Nhiệt đới.
Lúc này, anh Tâm có biểu hiện liệt hoàn toàn tứ chi, đồng tử giãn to, mất phản xạ ánh sáng, các bác sĩ phải bóp bóng giúp thở.
Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, rắn hổ mang chúa là loài có nọc độc nhất trong số các loài sống trên cạn. Trúng nọc độc của rắn hổ chúa là bệnh lý nhiễm độc thần kinh rất nặng.
“Sau 16 năm thành lập Đơn vị Hồi sức Chống độc tại khoa Bệnh Nhiệt Đới, các bác sĩ mới chỉ tiếp nhận 8 trường hợp trúng nọc độc rắn hổ chúa trong tổng số khoảng 15.000 bệnh nhân bị rắn độc cắn.
Rắn hổ chúa thường sống ở vùng rừng núi nên khi bị rắn cắn số lượng người được đưa cấp cứu kịp thời là rất hiếm. Trong khi tình trạng nhiễm độc rắn hổ chúa diễn tiến rất nhanh, thời gian tử vong chỉ tính bằng phút.
Trong 8 ca bị rắn hổ chúa cắn chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy thì trường hợp anh Phan Tâm là ca thứ hai may mắn được cứu sống. Còn lại 6 bệnh nhân đã tử vong là do đến bệnh viện khi nhiễm độc quá nặng.
Nhiều ca bệnh dù đã sử dụng huyết thanh nhưng sau đó vẫn suy đa cơ quan, viêm cơ tim, tử vong trong quá trình điều trị”, bác sĩ Hùng chia sẻ.
Theo bác sĩ Hùng, khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã chủ động đi trước một bước trong việc điều trị, không đợi đến khi bệnh diễn tiến mới xử lý. “Ngày đầu tiên được chuyển đến, bệnh nhân đã bị nhiễm độc nặng được thở máy, dùng 20 lọ huyết thanh kháng nọc. Sau 6 giờ sử dụng huyết thanh, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, 12 giờ tiếp theo, bệnh nhân cai được máy thở.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận định người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ của các biến chứng nặng nề khác nên tiến hành theo dõi nhịp tim. Đúng như dự đoán, bệnh nhân đã xuất hiện các dấu hiệu viêm cơ tim”, bác sĩ Hùng nói.
Giành giật sự sống
Đến khuya 19/8, anh Tâm lại chuyển biến xấu, suy đa cơ quan, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim phức tạp. Các bác sĩ đã phải tiến hành đặt máy tạo nhịp tim cấp cứu ngay trên giường bệnh, không kịp chuyển bệnh nhân đến phòng chuyên dụng vì chỉ chậm trễ từng phút là bệnh nhân rơi vào nguy kịch.
Sau đặt máy tạo nhịp, anh Tâm ổn định trở lại nhưng trong 2 giờ tiếp theo, anh lại rơi vào nguy kịch với biểu hiện lừ đừ, vật vã. Bệnh viện đã hội chẩn liên chuyên khoa và quyết định chuyển anh Tâm đến khoa Hồi sức Cấp cứu lọc máu liên tục, thay huyết tương và sẵn sàng đặt ECMO.
Tối 20/8, anh Tâm lại một lần nữa rơi vào nguy kịch, các chỉ số sinh hiệu giảm rất nhanh. Ngoài máy tạo nhịp, người bệnh phải thở máy trở lại, kết hợp với lọc máu, điều trị nội khoa tích cực.
“Bệnh nhân Phan Tâm bị con rắn rất lớn tấn công nên lượng nọc độc phóng thích vào cơ thể rất khủng khiếp, khiến cho việc điều trị liên tiếp đối mặt với hàng loạt khó khăn thử thách. Có thể nói, cứu được mạng sống cho bệnh nhân trúng nọc cực độc của rắn hổ chúa như bệnh nhân Phan Văn Tâm là một kỳ tích”, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy nói.
Là người túc trực tại phòng ICU, bác sĩ Nguyễn Lý Minh Duy, khoa Hồi sức Cấp cứu chia sẻ: "Lúc này tình trạng bệnh nhân nặng nhất, bệnh nhân rơi vào suy đa tạng, nửa cơ thể bên phải tím đen, bạch cầu giảm dần, chúng tôi nghĩ khó có thể cứu được bệnh nhân. Nhưng còn nước còn tát, các giải pháp điều trị tích cực tiếp tục được duy trì để cố gắng giành lại sự sống cho bệnh nhân".
Riêng vùng da rắn cắn bị nhiễm trùng hoại tử được cắt lọc, các y bác sĩ cố gắng cứu từng phần thịt “còn sống” cho anh Tâm.
Các y bác sĩ gần như thức trắng đêm để lọc máu, thay huyết tương, theo dõi chỉ số sinh hiệu… Cuối cùng, mọi nỗ lực của các y bác sĩ cũng đã giúp bệnh nhân giành giật lại sự sống mong manh. Đến ngày thứ 4 nhập viện, sức khỏe của anh Tâm từng bước được cải thiện, anh dần cai được máy thở, nọc độc trong cơ thể đã được loại bỏ hoàn toàn, vị trí hoại tử phải cắt lọc mọc mô tốt.
Bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Bỏng và Phẫu thuật Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, vùng bị rắn cắn nhiễm trùng hoại tử của anh Tâm chiếm khoảng 5% toàn cơ thể, cả ở vùng hông, bẹn, đùi và cơ quan sinh dục ngoài, nên anh Tâm được chuyển về Khoa Bỏng - Tạo hình để tiếp tục điều trị.
“Sau nhiều lần cắt lọc, bệnh nhân đã được ghép da che phủ, vết thương nhiều nơi đã lành, nhưng sẽ để lại một số di chứng ở vùng khớp háng bên phải khiến bệnh nhân vận động khó khăn, tình trạng sức khỏe đủ điều kiện xuất viện”, bác sĩ Hiệp nói.
Sau khi vượt qua nguy kịch và ổn định sức khỏe, anh Tâm bày tỏ lòng biết ơn với các y bác sĩ đã cố gắng cứu chữa cho mình. Anh Tâm cũng gửi lời cảm ơn các mạnh thường quân, cơ quan truyền thông đã hỗ trợ đưa tin, giúp anh có tiền trang trải viện phí.
ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, chi phí điều trị cho bệnh nhân Phan Văn Tâm hiện đã lên đến 482 triệu đồng. Trong thời gian qua, nhiều mạnh thường quân đã tìm đến hỗ trợ bệnh nhân Phan Văn Tâm với số tiền gần 1 tỷ đồng để trang trải chi phí điều trị và tặng hai vợ chồng anh Tâm thẻ bảo hiểm y tế.
“Ngày 8/9 vừa qua, chị Bùi Thị Ngọc Tuổi – vợ anh Phan Văn Tâm đã thông qua Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy trao tặng lại 80 triệu đồng cho một bệnh nhân nặng bị ngộ độc bolutium đang điều trị tại Khoa Bệnh Nhiệt đới của bệnh viện”, Thạc sĩ Hiển cho hay.