Xuất khẩu hạt điều trong năm 2022 đạt 519.782 tấn, trị giá 3,08 tỷ USD, giảm 10,3% về lượng và giảm 15,1% về giá trị so với năm 2021. Như vậy, trong những mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD, hạt điều là mặt hàng giảm mạnh nhất về giá trị xuất khẩu.
Xuất khẩu hạt điều giảm cả về lượng lẫn giá trị là do tình trạng lạm phát cao trên toàn cầu đã khiến cho giá cả sinh hoạt trở nên đắt đỏ hơn và mức chi tiêu cho các nhu cầu tất yếu tăng cao hơn rõ rệt, dẫn đến việc tiêu thụ hạt điều và các thực phẩm không thiết yếu khác bị ảnh hưởng nặng nề. Việc các ngân hàng trung ương tăng cao lãi suất cũng khiến cho các nhà nhập khẩu không còn khả năng mua hạt điều với khối lượng lớn để dự trữ như trước nữa …
Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Sơn 1, chia sẻ, trong hai năm vừa rồi, nhất là năm 2022, kinh doanh hạt điều rất khó khăn. Trong 25 năm qua, năm nào Hoàng Sơn 1 cũng tăng trưởng 20%. Nhưng năm 2022 doanh số bị giảm tới 12% so với 2021. Đến thời điểm này, Hoàng Sơn 1 còn một lượng nhân điều không nhỏ đang tồn trong kho mà rất khó tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), những năm 2020 và 2021, do lo sợ nguy cơ đứt gãy chuỗi cung hạt điều vì dịch bệnh Covid-19, các nhà nhập khẩu ở Mỹ, châu Âu đã đẩy mạnh nhập khẩu nhân điều với khối lượng lớn.
Lượng nhân điều tồn dư trong năm 2020 được chuyển sang gối đầu cho năm 2021 và nhân điều tồn dư năm 2021 lại chuyển sang gối đầu cho năm 2022, vì vậy, Mỹ và châu Âu không thiếu nhân điều, khiến cho giá nhân điều giao dịch trên thị trường thế giới giảm khá nhiều.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid” trong cả năm 2022 đã khiến cho xuất khẩu nhân điều Việt Nam sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Không những thế, chính sách “Zero Covid” cũng khiến cho các nhà kinh doanh các loại hạt khô, trong đó có hạt điều ở Trung Quốc gặp khó khăn lớn trong khâu tiêu thụ khi không có các hội nghị, tiệc cưới… Đến thời điểm này, các thương nhân Trung Quốc vẫn còn một lượng nhân điều tồn kho chưa tiêu thụ hết.
Không chỉ Việt Nam, ngành điều ở Ấn Độ cũng gặp khó khăn không nhỏ về tiêu thụ trong năm 2022. Bằng chứng là trong tháng 12/2022 và những ngày đầu tháng 1/2023, có những lô hàng điều thô từ Ấn Độ được đưa ra Việt Nam, mỗi đơn hàng tới hàng trăm, thậm chí cả ngàn tấn. Đây là điều chưa từng có trước đây và cho thấy rằng các doanh nghiệp điều Ấn Độ đã gặp khó khăn không nhỏ về tiêu thụ nhân điều cả ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, nên họ phải bán bớt điều thô (mua từ châu Phi) sang Việt Nam ngay ở thời điểm chuẩn bị bước vào một vụ sản xuất mới.
Trước những khó khăn lớn trong năm 2022, các doanh nghiệp ngành điều vẫn nỗ lực duy trì hoạt động chế biến, xuất khẩu. Bên cạnh đó, Viancas cũng đã có những hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp thành viên. Trong đó, nổi bật là hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA và CPTPP.
Bên cạnh, Vinacas và Văn phòng SPS Việt Nam đã hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký mã số Doanh nghiệp xuất khẩu đi Trung Quốc, trong đó đã xử lý thành công một số vướng mắc cho doanh nghiệp ngành điều. Đến nay, không còn hội viên VINACAS nào phản ánh khó khăn, vướng mắc liên quan đến đăng ký mã số doanh nghiệp xuất khẩu đi Trung Quốc nữa.
Một hoạt động nổi bật khác của Vinacas trong năm qua là hỗ trợ doanh nghiệp lấy lại hàng và giảm thiểu tối đa thiệt hại trong vụ “nhân điều xuất khẩu đi Italia bị lừa đảo”.