| Hotline: 0983.970.780

Hậu Giang phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững

Thứ Hai 17/06/2024 , 06:57 (GMT+7)

ĐBSCL Tỉnh Hậu Giang phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan vùng nông thôn.

Xây dựng du lịch nông thôn góp phần tăng cơ hội tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp địa phương như trái cây, rau củ, sản phẩm chế biến, đặc sản và đồ thủ công. Từ đó, tạo ra giá trị gia tăng và thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực. Ảnh: NT.

Xây dựng du lịch nông thôn góp phần tăng cơ hội tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp địa phương như trái cây, rau củ, sản phẩm chế biến, đặc sản và đồ thủ công. Từ đó, tạo ra giá trị gia tăng và thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực. Ảnh: NT.

Tiềm năng du lịch nông thôn

Nằm ở trung tâm vùng Tây sông Hậu, tỉnh Hậu Giang có lợi thế về hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc cùng với sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển nông - lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, đây còn là yếu tố quan trọng hình thành nên những nét văn hóa đặc sắc, để phát triển các loại hình du lịch nông thôn.

Để phát huy các giá trị từ nguồn tài nguyên bản địa, tỉnh Hậu Giang đã triển khai nhiều loại hình dịch vụ du lịch nông thôn như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề và hơn hơn 20 điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP. 

Nói đến du lịch văn hóa, du khách đến với Hậu Giang không thể bỏ qua kênh Xáng Xà No. Kênh đào trải dài 40km, nối liền TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, đã làm nên “con đường lúa gạo” trứ danh vùng Tây sông Hậu và cũng là điểm nhấn cho ngành du lịch TP Vị Thanh. Đến đây, khách du lịch có dịp được trải nghiệm ngồi du thuyền ngắm vẻ đẹp hai bên bờ kênh đào, tìm hiểu các giá trị văn hóa, nghệ thuật và thưởng thức các sản phẩm OCOP đặc sắc của địa phương.

Cách TP Vị Thanh 40km hướng về huyện Phụng Hiệp là vườn tre đẹp nhất miền Tây của lão nông Tư Sang với tuổi đời gần 30 năm. Tại vườn tre Tư Sang du khách được hòa mình vào thiên nhiên, thưởng thức các loại trái cây, món ăn đậm chất miền Tây sông nước và tham gia các hoạt động trải nghiệm dân gian.

Ngoài ra, còn nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác như vườn khóm Cầu Đúc, chợ chồm hổm, vườn dâu Thiên Ân, khu du lịch sinh thái Mùa Xuân. Đây là minh chứng cho sự thành công trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên bản địa, giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Vườn tre độc đáo của lão nông Tư Sang ở huyện Phụng Hiệp có tuổi đời gần 30 năm trở thành điểm du lịch mới nổi được nhiều người ưa thích. Ảnh: KT.

Vườn tre độc đáo của lão nông Tư Sang ở huyện Phụng Hiệp có tuổi đời gần 30 năm trở thành điểm du lịch mới nổi được nhiều người ưa thích. Ảnh: KT.

Đặc biệt, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng với diện tích trên 2.800 ha, tại huyện Phụng Hiệp, không chỉ được mệnh danh là “lá phổi xanh” của khu vực ĐBSCL, còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học độc đáo với hơn 978 loài đã được ghi nhận. Ngoài ra, cảnh quan sinh thái khá nguyên vẹn của các đầm lầy, các lung bàu và rừng tràm sẽ là điểm nhấn cho ngành du lịch tỉnh Hậu Giang.

Đây là địa điểm lý tưởng để Hậu Giang phát triển các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên hoang sơ, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và du lịch nghỉ dưỡng gắn với thiên nhiên.

Du lịch nông thôn sức bật mới cho Hậu Giang

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, địa phương sẽ tiếp tục phát triển hoạt động du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông - lâm - ngư nghiệp, môi trường sinh thái nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng NTM bền vững. 

Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang khẳng định, du lịch nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế vùng nông thôn, quảng bá sản phẩm OCOP địa phương. Triển khai xây dựng mô hình du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần tăng cơ hội tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp như trái cây, rau củ, sản phẩm chế biến, đặc sản và đồ thủ công. Từ đó, tạo ra giá trị gia tăng và thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực.

Ngoài ra, dịch vụ du lịch còn góp phần tăng doanh thu trực tiếp cho người dân địa phương từ việc tham gia vào các hoạt động du lịch như bán sản phẩm nông sản, cung cấp dịch vụ lưu trú, hướng dẫn viên. Tăng doanh thu gián tiếp cho một số ngành phụ trợ như chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ. Giải quyết bài toán công việc cho người dân địa phương, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa một cách hiệu quả.

Khu du lịch Mùa Xuân là một trong những khu sinh thái mới nhất miền Tây được đưa vào khai thác du lịch với hệ thống rừng tràm và hàng nghìn loài chim đang sinh sống. Ảnh: MX.

Khu du lịch Mùa Xuân là một trong những khu sinh thái mới nhất miền Tây được đưa vào khai thác du lịch với hệ thống rừng tràm và hàng nghìn loài chim đang sinh sống. Ảnh: MX.

Đẩy mạnh phát triển du lịch

Tuy nhiên trên thực tế, khi đến vùng sông nước miền Tây du lịch ít khi du khách tìm về Hậu Giang. Bà Đoàn Thu Trang một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, bà đến Hậu Giang du lịch thông qua sự giới thiệu của công ty lữ hành, trước đó bà chưa tiếp cận nhiều thông tin về dịch vụ du lịch ở địa phương này. 

Do đó, để thu hút khách du lịch đến với Hậu Giang, địa phương sẽ tập trung tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh về con người và tài nguyên bản địa đến với du khách trong và ngoài nước. Cụ thể, các hoạt động du lịch sẽ được tổ chức thường xuyên; mạng xã hội sẽ được sử dụng để giới thiệu điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Ứng dụng big data trong ngành du lịch được sử dụng để phân tích dữ liệu, nắm bắt nhu cầu của du khách, từ đó đưa ra các sản phẩm và dịch vụ phù hợp. Xây dựng hệ thống quản lý khách hàng, lưu trữ thông tin du khách, phân tích hành vi và đưa ra các chương trình khuyến mãi phù hợp.

Ngoài ra, địa phương còn hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông thôn kết nối với du khách, tham gia các sàn thương mại điện tử du lịch.

Theo ông Hữu, Hậu Giang xác định nông nghiệp và du lịch là 2 trong 4 trụ cột của nền kinh tế địa phương. Do đó, địa phương đã triển khai kịp thời, đồng bộ chương trình phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn trong xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ. Hướng tới đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững. Sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái cảnh quan của khu vực nông thôn tỉnh. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng NTM bền vững.

Ngoài ra, việc phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, nước, điện, viễn thông để phục vụ du khách và hoạt động du lịch luôn được địa phương quan tâm thực hiện. Đảm bảo cơ sở hạ tầng được xây dựng và vận hành theo các tiêu chuẩn bền vững và bảo vệ môi trường.

Tham gia các tuyến du lịch nông nghiệp du khách sẽ có cơ hội được hòa mình vào thiên nhiên, thưởng thức các loài cây trái, các món ăn đậm chất miền Tây sông nước và tham gia các hoạt động trải nghiệm dân gian. Ảnh: KT.

Tham gia các tuyến du lịch nông nghiệp du khách sẽ có cơ hội được hòa mình vào thiên nhiên, thưởng thức các loài cây trái, các món ăn đậm chất miền Tây sông nước và tham gia các hoạt động trải nghiệm dân gian. Ảnh: KT.

Địa phương tập trung phát triển các sản phẩm OCOP, xây dựng các hoạt động trải nghiệm nông trại, nông nghiệp truyền thống, làm sản phẩm thủ công truyền thống từ các sản phẩm nông nghiệp. Nhằm đảm bảo các sản phẩm du lịch mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang sẽ xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch, cộng đồng địa phương, nhà nông và các tổ chức phi chính phủ. Khuyến khích sự tương tác và hỗ trợ giữa các bên để tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững của du lịch nông thôn.

Nhằm đảm bảo các hoạt động du lịch được thực hiện theo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và tài nguyên nông nghiệp, địa phương khuyến khích sử dụng giải pháp nông nghiệp hữu cơ, quản lý chất thải và vệ sinh môi trường tại các khu vực đặc biệt như khu vực sinh quyển, vườn quốc gia.

Xây dựng hệ thống quản lý và quảng bá nhằm khắc phục tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu quy hoạch, nhỏ lẻ, không có sự khác biệt. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tập trung đào tạo nhân lực phục vụ du lịch, huấn luyện kỹ năng, thái độ ứng xử, phục vụ, lấy phương châm làm hài lòng du khách là mục tiêu của ngành du lịch.

Xem thêm
Bình Thuận giải quyết thiếu nước sinh hoạt cho huyện đảo Phú Quý

Tỉnh Bình Thuận đã thống nhất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt cho huyện đảo Phú Quý, trong đó cho đầu tư các hạng mục công trình, nâng cấp công suất nhà máy nước.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

2 sản phẩm sâm Ngọc Linh có tiềm năng đạt OCOP 5 sao

Theo đó, có hai sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao là rượu sâm Ngọc Linh K5 Premium và rượu Quốc Tửu K5 của Công ty cổ phần Vingin.