| Hotline: 0983.970.780

Lồng ghép hiệu quả các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai 24/06/2024 , 06:00 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Nam đã linh hoạt lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, đảm bảo phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội để xây dựng nông thôn mới hiệu quả.

Tính đến nay, bình quân chung số tiêu chí nông thôn mới (NTM) mới đạt chuẩn của toàn tỉnh Quảng Nam theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022-2025 là 16,42 tiêu chí/xã . Có 125/193 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỉ lệ 64,7%). Trong số này, có 16 xã đạt NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Ngoài ra, có 4 đơn vị cấp huyện/thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là Phú Ninh, Duy Xuyên, Điện Bàn và TP Tam Kỳ.

Các địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam còn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: L.K.

Các địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam còn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: L.K.

Để có được thành quả này, những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được phân bổ. Đồng thời lồng ghép nguồn ngân sách địa phương với các nguồn vốn khác để thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, với việc lồng ghép các nguồn vốn này, nhiều xã, huyện trong tỉnh đã xây dựng được hàng trăm công trình, dự án, hình thành các chuỗi sản xuất, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân, giúp giảm nghèo hiệu quả. Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt theo từng năm, như năm 2023 giảm còn 5,66% (giảm 4.081 hộ), tương đương giảm 0,97% so với năm 2022.

Cụ thể, đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh Quảng Nam đã lồng ghép đầu tư 108 công trình, dự án ở các huyện miền núi. Ngoài ra, triển khai 14 dự án án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trên địa bàn 6 huyện miền núi với gần 500 hộ tham gia… Tổng kinh phí để thực hiện các tiêu chí NTM ở các huyện miền núi trong 3 năm qua, là hơn 1.000 tỷ đồng.

Nhiều nguồn vốn được lồng ghép để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Ảnh: HT.

Nhiều nguồn vốn được lồng ghép để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Ảnh: HT.

Huyện Đông Giang là một trong những địa phương sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các Chương trình MTQG, trong việc triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Từ cuối năm 2023, huyện đã lập danh sách các hộ dân có đủ điều kiện được trợ cấp con giống, vật nuôi để tập huấn kỹ thuật nhằm phát triển kinh tế gia đình.

Ông Alăng Ngơi (52 tuổi, xã Ba, huyện Đông Giang) cho biết, gia đình ông thuộc diện khó khăn nên khi được cơ quan chức năng hỗ trợ 5 con hươu sao, ông cảm thấy rất vui. “Trước khi được cấp 5 con hươu sao, tôi và nhiều hộ dân được nhiều tập huấn kỹ thuật, được tư vấn về làm chuồng trại sao cho phù hợp. Từ số tiền 30 triệu đồng dành dụm, vay mượn bạn bè, gia đình đã làm chuồng nuôi hươu. Hiện nay, hưu phát triển ổn định, hy vọng đến cuối năm sẽ có lứa nhung đầu tiên”, ông Ngơi chia sẻ.

Ngoài mô hình hỗ trợ hươu sao, huyện Đông Giang cũng bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ heo giống sinh sản, hàng chục ngàn cây giống như cây chè, cây dược liệu, giống cây ăn trái… Những mô hình này nhằm tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận khoa học - kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư hình thành các gia trại chăn nuôi tập trung, mở rộng diện tích cây trồng theo phương thức an toàn sinh học, tạo nguồn giống tại địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Theo ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, việc xây dựng NTM, đặc biệt là các xã miền núi, vùng cao luôn được tỉnh cũng như các cấp hết sức quan tâm. Bởi kinh tế - xã hội những khu vực này còn gặp nhiều khó khăn lại thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tai nên nhiều tiêu chí phải đầu tư lại từ đầu.

“Những năm qua, Quảng Nam cũng đã có nhiều chính sách với nhiều nguồn hỗ trợ để các xã miền núi, vùng cao từng bước xây dựng các tiêu chí NTM. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh huy động các nguồn lực khác, nhất là huy động các nguồn lực từ vận động các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đăng ký hỗ trợ các địa phương cùng sự sự tham gia đóng góp của cộng đồng dân cư, người dân trên tinh thần tự nguyện để xây dựng NTM toàn diện, bền vững”.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Tạo sân chơi, không gian kết nối cho các chủ thể OCOP

TP.HCM Ngày 28/9, UBND huyện Hóc Môn tổ chức Lễ công bố, trao chứng nhận các sản phẩm OCOP; đồng thời ra mắt Câu lạc bộ OCOP, Hội quán OCOP huyện với 17 thành viên.

Bình luận mới nhất