| Hotline: 0983.970.780

Nơi chúng tôi đến

Ngỡ ngàng Đồng Ruộng

Thứ Hai 17/06/2024 , 09:45 (GMT+7)

YÊN BÁI Sau 15 năm trở lại, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi về diện mạo, đời sống của bà con người Mông ở một thôn vùng cao như Đồng Ruộng.

Từ một nơi heo hút nghèo khó, thôn Đồng Ruộng (xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, Yên Bái) đã vươn lên trở thành vùng quê trù phú, đáng sống. Ảnh: Thanh Tiến.

Từ một nơi heo hút nghèo khó, thôn Đồng Ruộng (xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, Yên Bái) đã vươn lên trở thành vùng quê trù phú, đáng sống. Ảnh: Thanh Tiến.

Một thời đói nghèo đeo bám quanh năm

Mùa đông năm 2009, tôi lần đầu đến thôn Đồng Ruộng (xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) trong một chuyến tình nguyện tặng quần áo và chăn ấm cho các em học sinh của điểm trường mầm non tại đây.

Ấn tượng đáng nhớ đầu tiên với tôi là đoạn đường từ trung tâm xã đến thôn Đồng Ruộng dài hơn 7km đều là đường đất lầy lội. Chiếc xe tải nhỏ chở đồ dùng thiết yếu cho các em ì ạch leo qua được vài con dốc rồi phải nằm lại giữa đường. Các bạn thanh niên trong đoàn tình nguyện người vác chăn, người khiêng bao tải quần áo đi bộ khoảng 5 cây số trên con đường độc đạo, vượt qua những rãnh sâu bùn đất, những dốc đá quanh co và lội qua 2 đoạn suối mới đến được trung tâm thôn Đồng Ruộng.

Trung tâm thôn Đồng Ruộng nằm trong một thung lũng khá bằng phẳng, bao quanh là những dãy núi trùng điệp. "Ấn tượng" tiếp theo khi đến đây là sự nghèo khó ở bản người Mông này, lác đác những ngôi nhà cũ kỹ, xám xịt, thấp lè tè nằm bên những thửa ruộng còn nguyên gốc rạ sau vụ thu hoạch, những chú lợn đen ủi đất tìm thức ăn ngay bên lề đường...

Con đường đất lầy lội đến trung tâm thôn Đồng Ruộng năm xưa đã được thay thế bằng đường bê tông khang trang rộng rãi. Ảnh: Thanh Tiến.

Con đường đất lầy lội đến trung tâm thôn Đồng Ruộng năm xưa đã được thay thế bằng đường bê tông khang trang rộng rãi. Ảnh: Thanh Tiến.

Trở lại thôn Đồng Ruộng sau 15 năm vào một ngày hè, trong ngôi nhà khang trang đẹp nhất thôn, ông Giàng A Sáu, Trưởng thôn Đồng Ruộng kể về lịch sử của vùng đất này. Năm 1987 một số hộ đồng bào Mông ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn di cư về xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên rồi tiếp tục về Đồng Ruộng định cư. Những ngày đầu, chỉ có 3 hộ dân là hộ ông Giàng A Nhà, Giàng A Vư, Giàng A Chư với 19 con người về đây ở. Các hộ dân tập trung vỡ đất làm ruộng để cấy lúa, dọn một vạt đồi trồng sắn lấy cái ăn. Thức ăn chủ yếu là măng rừng và thú rừng nhờ săn bắt.

Dần dần, một số gia đình từ Mỏ Vàng (huyện Văn Yên) tiếp tục hạ sơn về đây sinh sống, dân cư ngày càng đông hơn. Đến năm 1994, vùng đất này mới chính thức được khai sinh, lấy tên gọi là thôn Đồng Ruộng, được thành lập với 27 hộ dân, trong đó có 3 hộ người dân tộc Tày, còn lại là người Mông. Sở dĩ lấy tên là “Đồng Ruộng" bởi khu vực này bằng phẳng, bà con gieo cấy lúa nước nhiều.

Thời điểm đó, nơi đây còn hoang sơ, một vùng thung lũng lau sậy mọc um tùm, bao quanh là núi cao, thú rừng nhiều vô kể, có cả hổ, báo về bắt lợn, gà của dân.

Cây cầu qua suối vào trung tâm thôn Đồng Ruộng đã được xây dựng kiên cố, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại trong mùa mưa lũ. Ảnh: Thanh Tiến.

Cây cầu qua suối vào trung tâm thôn Đồng Ruộng đã được xây dựng kiên cố, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại trong mùa mưa lũ. Ảnh: Thanh Tiến.

Những ngày đầu, đồng bào quen dựa vào tự nhiên nên đời sống của người Mông ở đây rất khó khăn. Nhiều hộ thiếu ăn đến vài tháng/năm, phải lên rừng kiếm măng, củ mài, củ nâu. Chỉ chục năm về trước, tỷ lệ hộ đói, nghèo của thôn chiếm tới gần 70%... Từ trung tâm xã Kiên Thành vào thôn Đồng Ruộng phải đánh vật với con đường độc đạo dốc đá gần chục km, sau mỗi trận mưa, đường trở nên trơn trượt, sình lầy. Các hộ dân nơi đây như sống biệt lập, không điện, không trạm y tế, không sóng điện thoại...

Lúa, tre, quế đổi thay vùng đất heo hút

Thăm lại thôn Đồng Ruộng, tôi thật sự ngỡ ngàng về sự thay đổi ở nơi heo hút từng rất nghèo khó này. Tuyến đường từ xã đến trung tâm thôn đã được kiên cố, trải bê tông phẳng lì, những cây cầu bê tông vững chắc nối liền hai bên bờ suối để bà con đi lại thuận tiện. Những ngôi nhà cao tầng khang trang được xây dựng nối tiếp nhau tạo nên khu cảnh như một góc phố nhỏ giữa núi rừng.

Hiện nay, cả thôn có 50 hộ dân với gần 270 nhân khẩu. Thời điểm này, người dân trong thôn đang bận rộn làm đất gieo cấy lúa vụ mùa. Thay bằng lao động thủ công, sử dụng trâu cày kéo, hiện bà con trong thôn đã cơ giới hóa các khâu sản xuất. Gần như nhà nào cũng tự trang bị một chiếc máy cày bừa giúp cho việc làm đất nhanh và hiệu quả hơn.

Những chiếc máy cày bừa được bà con người Mông gọi vui là 'trâu sắt, giúp bà con sản xuất hiệu quả hơn. Ảnh: Thanh Tiến.

Những chiếc máy cày bừa được bà con người Mông gọi vui là "trâu sắt, giúp bà con sản xuất hiệu quả hơn. Ảnh: Thanh Tiến.

Anh Giàng A Chu ở thôn Đồng Ruộng bộc bạch, trước đây người dân trong thôn tự vỡ đất làm ruộng, công việc này chủ yếu dựa vào sức người với cuốc xẻng và trâu kéo. Mỗi năm chỉ gieo cấy 1 vụ lúa, năng suất bấp bênh, có những vụ lựa chọn giống không tốt, giống trôi nổi nên cây lúa cứ "trẻ mãi không già", không được thu hoạch. Tình trạng thiếu lương thực diễn ra trong nhiều năm, cảnh cơm độn sắn khá thường nhật trong nhiều gia đình.

Đến những năm 2000, huyện Trấn Yên đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ khuyến nông xuống thôn hướng dẫn người dân thực hiện gieo cấy lúa 2 vụ, sử dụng các giống lúa lai và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất lúa ngày càng tăng lên.

Hiện nay, trong thôn có hơn 11ha gieo cấy lúa nước, năng suất trung bình đạt khoảng 50 tạ/ha, người dân trong thôn đã tự đảm bảo được lương thực, nhiều hộ đã có dư để tăng gia chăn nuôi. Đáng mừng hơn là gần như hộ nào cũng tự trang bị “trâu sắt” để sản xuất, mùa lúa chín bà con thuê máy gặt đập liên hợp về thu hoạch, vừa nhanh gọn lại không bị thất thoát.

Từ thiếu đói, hiện nay người dân trong thôn đã gieo cấy lúa 2 vụ/năm, đảm bảo an ninh lương thực, thậm chí dư thừa để chăn nuôi. Ảnh: Thanh Tiến.

Từ thiếu đói, hiện nay người dân trong thôn đã gieo cấy lúa 2 vụ/năm, đảm bảo an ninh lương thực, thậm chí dư thừa để chăn nuôi. Ảnh: Thanh Tiến.

Vừa tất bật chuẩn bị gieo cấy lúa vụ mùa, thời điểm này đồng bào Mông ở đây cũng đang sắm sửa lại đồ dùng, nông cụ lao động như dao, gùi, bao tải và các phương tiện vận chuyển để chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch măng Bát Độ, bắt đầu từ tháng 7. Năm nay thời tiết mưa nhiều, dự kiến sẽ cho măng to hơn, năng suất, sản lượng tăng cao, người dân sẽ có mùa vụ bội thu hơn năm trước.

Ông Hoàng Văn Láng, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Ruộng cho biết, vào vụ măng hầu hết người dân sẽ lên rừng thu hoạch từ sáng sớm, đến trưa các hộ dân tấp nập chở măng bằng xe máy về bán cho cơ sở thu mua sơ chế ở trung tâm thôn. 

Cây tre măng Bát độ bén duyên với mảnh đất Đồng Ruộng từ năm 2007. Ban đầu, bà con còn nghi ngại về hiệu quả kinh tế, mỗi hộ dân chỉ trồng vài bụi tre để sử dụng trong gia đình. Chính quyền huyện đã huy động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đến tuyên truyền, vận động, hỗ trợ củ giống, cùng người dân lên đồi đào hố trồng tre.

Sau khi khẳng định được hiệu quả kinh tế, bà con tin tưởng mở rộng, diện tích tre tăng mạnh, đến nay cả thôn đã trồng được gần 200ha, hộ nhiều cả chục ha, hộ ít cũng có 1 - 2ha.

Tre Bát Độ và quế phủ xanh những cánh rừng giúp người dân thôn Đồng Ruộng có cuộc sống ngày càng no đủ. Ảnh: Thanh Tiến.

Tre Bát Độ và quế phủ xanh những cánh rừng giúp người dân thôn Đồng Ruộng có cuộc sống ngày càng no đủ. Ảnh: Thanh Tiến.

Măng tre Bát Độ đã đem về cho người dân thôn Đồng Ruộng nguồn thu khá, nhiều hộ có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm, cả thôn mỗi năm thu được khoảng hơn 3 tỷ đồng. Cây măng tre Bát Độ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương nên cho thu hoạch măng kéo dài trong cả mùa mưa, trồng một lần thu măng nhiều năm, năng suất và đầu ra ổn định, thích hợp với cách canh tác của bà con. 

Ngoài cấy lúa, trồng tre Bát độ, người Mông ở Đồng Ruộng còn học người Dao, người Tày trong xã trồng quế. Đến nay, cả thôn đã có hơn 50ha quế, mỗi năm tổng giá trị thu nhập từ quế cũng vài tỷ đồng. 

Sắp thành nông thôn mới kiểu mẫu

Giờ đây, gần như mùa nào trong năm bà con ở Đồng Ruộng cũng có thu nhập ổn định, đầu năm thu măng sặt, măng vầu, măng dê; giữa năm thu măng Bát Độ; cuối năm lại có quế. Cuộc sống khốn khó đã lùi xa, bà con trong thôn đã có của ăn của để, cả thôn đã có cả chục chiếc xe ô tô.

Hiện nay, thôn Đồng Ruộng có tất cả 50 nóc nhà, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm và chỉ còn 2 hộ nghèo, những ngôi nhà khang khang trang mọc lên ngày càng nhiều.

Những ngôi nhà 2 tầng san sát như một góc phố nhỏ giữa núi rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Những ngôi nhà 2 tầng san sát như một góc phố nhỏ giữa núi rừng. Ảnh: Thanh Tiến.

Đời sống khấm khá hơn, bà con có điều kiện cùng nhau đóng góp xây dựng nông thôn mới. Có những năm mỗi hộ dân tự nguyện đóng góp hơn 16 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn, nhiều hộ dân hiến đất làm đường, xây nhà văn hóa, hàng tháng tổ chức ra quân trồng hoa, vệ sinh đường làng ngõ xóm. Nhờ đó, hiện nay hệ thống giao thông liên thôn, liên xóm phát triển khá đồng bộ, vấn đề vệ sinh môi trường ngày càng được đảm bảo. Đến năm 2019, thôn đã hoàn thành các tiêu chí thôn nông thôn mới, dự kiến trong năm 2024 sẽ phấn đấu được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Trở lại thôn Đồng Ruộng, tôi giật mình ngỡ ngàng về sự đổi thay diện mạo đến khó tin. Sự tần tảo, cần mẫn của người dân nơi đây đã biến mảnh đất heo hút này thành một vùng quê đáng sống. Ở đó, họ đoàn kết trong xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, thi đua phát triển kinh tế, bảo vệ rừng. Chẳng còn ai nghĩ đến việc di cư đi nơi khác, cũng không cần đốt nương làm rẫy, lo toan lương thực từng tháng....

Xem thêm
Khơi dậy tinh thần 'Đồng Khởi mới' trong phong trào nông dân

6 tháng qua, các cấp hội tổ chức triển khai thực hiện 7/21 chỉ tiêu đạt và vượt, có 9/21 chỉ tiêu thực hiện đạt từ 72 % đến 99 %

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

2 sản phẩm sâm Ngọc Linh có tiềm năng đạt OCOP 5 sao

Theo đó, có hai sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao là rượu sâm Ngọc Linh K5 Premium và rượu Quốc Tửu K5 của Công ty cổ phần Vingin.

Bình luận mới nhất