| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận khó tuyển lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng

Thứ Ba 18/06/2024 , 07:46 (GMT+7)

Hiện tình hình xin nghỉ việc của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tại tỉnh Bình Thuận vẫn còn tiếp tục diễn ra, song việc tuyển dụng mới gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay tỉnh Bình Thuận khó tuyển lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Ảnh: KS.

Hiện nay tỉnh Bình Thuận khó tuyển lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Ảnh: KS.

Thiếu hàng chục người

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, hiện nay toàn tỉnh có hơn 347.600 ha rừng. Trong đó, hơn 34.800 ha được giao cho 2 Khu bảo tồn thiên nhiên; hơn 261.000 ha được giao cho 15 Ban quản lý rừng phòng hộ; hơn 30.000 ha được giao cho 2 Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp, còn lại là diện tích thuộc các lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp và UBND cấp xã quản lý.

Theo Quyết định của UBND tỉnh giao biên chế làm việc tại 15 Ban quản lý rừng phòng hộ và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là viên chức của 2 Khu bảo tồn thiên nhiên gồm 527 người. Tuy nhiên hiện nay, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn thiếu chưa tuyển dụng được 63 người.

Trong khi đó, các chủ rừng cho hay, tình hình xin nghỉ việc của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng vẫn còn tiếp tục diễn ra, song việc tuyển dụng mới gặp nhiều khó khăn do không có người tham gia bởi áp lực công việc cao nhưng thu nhập thấp.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách vượt sông, suối để tuần tra rừng. Ảnh: KS.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách vượt sông, suối để tuần tra rừng. Ảnh: KS.

Cụ thể, về thời gian hoạt động của lực lượng bảo vệ rừng là 24/24 giờ bao gồm những ngày lễ, Tết và trực trạm từ 15 - 20 ngày/tháng liên tục không kể ngày đêm, mưa, nắng trên địa hình đồi núi hiểm trở, xa dân cư. Đặc biệt, họ phải thường xuyên đi kiểm tra rừng chủ yếu là đi bộ và xe máy để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.

“Nhiều khi chúng tôi phải treo võng nằm đêm tại các tuyến đường mòn trong rừng để ngăn chặn việc vận chuyển lâm sản trái phép, cũng như mai phục ngày và đêm tại những vị trí xảy ra vi phạm để phát hiện, bắt giữ đối tượng vi phạm”, một chủ rừng bày tỏ.

Do đó, có thể nói lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là lực lượng bảo vệ rừng tận gốc nên thường xuyên đối đầu trực tiếp với đối tượng vi phạm pháp luật có sử dụng vũ khí, hung khí, sẵn sàng tấn công, uy hiếp, đe dọa tính mạng.

Hơn nữa, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng có nhiệm vụ rất quan trọng được quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định 01/NĐ-CP của Chính phủ đó là: “Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng thì lực lượng bảo vệ rừng phải lập biên bản kiểm tra ban đầu, bảo vệ hiện trường, bảo quản tang vật vi phạm, kịp thời báo cáo với người, cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách làm việc tại các chốt trạm còn nhiều khó khăn. Ảnh: KS.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách làm việc tại các chốt trạm còn nhiều khó khăn. Ảnh: KS.

Tuy nhiên quy định này gây nhiều khó khăn bất trắc cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, bởi các hành vi vi phạm hầu hết xảy ra ở khu vực rừng, núi, xa địa bàn dân cư, các đối tượng vi phạm thường manh động. Vì vậy việc bảo vệ hiện trường trong thời gian chờ cơ quan chức năng xử lý là rất khó khăn, nguy hiểm.

Ngoài ra, việc sinh hoạt, ăn ở của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng cũng hết sức khó khăn, các chốt bảo vệ rừng không có điện, nước, sóng điện thoại. Trong khi khoảng cách đường đi lại để mua lương thực, thuốc men từ trạm đến khu dân cư xa xôi, bất tiện, nhiều khi còn bị tắc đường giữa chừng do mưa lũ từ các khe sông, suối.

Đối với chế độ chính sách cho lượng bảo vệ rừng tại các Ban quản lý rừng phòng hộ chưa được xếp vào các mã số theo khoản 2, Điều 3, Thông tư số 18 ngày 18/12/2020 của Bộ NN – PTNT để tính lương vì chưa phải là viên chức.

Do đó, các đơn vị chủ rừng vận dụng: Đối với trường hợp tốt nghiệp đại học cho hưởng ngạch: Quản lý bảo vệ rừng viên, hệ số lương bậc 1: 2,34 (9 bậc). Đối với trường hợp tốt nghiệp trung cấp cho hưởng ngạch: Kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng, hệ số lương bậc 1: 1,86 (12 bậc). Còn trường hợp lao động phổ thông hưởng ngạch: Nhân viên kỹ thuật, hệ số lương bậc 1: 1,65 (12 bậc).

Nhiều khi tuần tra ngủ trong rừng để bảo vệ rừng. Ảnh: KS.

Nhiều khi tuần tra ngủ trong rừng để bảo vệ rừng. Ảnh: KS.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, đa phần lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tại các Ban quản lý rừng phòng hộ hiện nay đều hưởng ngạch nhân viên kỹ thuật. Do đó, mức lương hàng tháng của lực lượng này nhận rất thấp, cụ thể nhân viên mới nhận nhiệm vụ nếu làm việc tại các trạm bảo vệ rừng trên dưới 3 triệu đồng (tùy khu vực) sau khi trừ bảo hiểm. Đối với người có 10 năm trong nghề thì mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Ngoài tiền lương trên, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng không còn các khoản phụ cấp, chính sách chế độ ưu đãi nào khác. Thậm chí công tác phí cũng không được phép chi mặc dù phải đi rừng từ 15-20 ngày/tháng. Cũng như không được tiền làm thêm ngoài giờ vào các ngày lễ, Tết hoặc thứ 7, Chủ nhật….

“Với chính sách hiện nay, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng làm việc lâu năm còn cố gắng cầm cự. Nhưng đối với người mới tuyển dụng sẽ chưa đáp ứng được nhu cầu đời sống tối thiểu, chưa kể lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chưa được hưởng chính sách ưu đãi khi trực tiếp làm nhiệm vụ bị thương như thương binh, bị hy sinh được công nhận liệt sĩ”, ông Lê Thanh Sơn chia sẻ.

Giải pháp

Trước tình hình trên, để cải thiện về thu nhập cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, mới đây Sở NN-PTNT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Để tuyển được lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng cần có chính sách hỗ trợ kịp thời. Ảnh: KS.

Để tuyển được lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng cần có chính sách hỗ trợ kịp thời. Ảnh: KS.

Theo ông Lê Thanh Sơn, hiện nay Bộ NN-PTNT đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; dự thảo Nghị định có bổ sung về chế độ chính sách cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, để chế độ chính sách mới được áp dụng đầy đủ cho đội ngũ lực lượng này sẽ còn chậm về mặt thời gian, nhất là việc 100% lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phải đáp ứng đủ các điều kiện để trở thành viên chức. Trong khi hiện hầu hết lực lượng này ở các Ban quản lý rừng phòng hộ là lao động hợp đồng, được các chủ rừng vận dụng ngạch nhân viên kỹ thuật như đã nói ở trên.

Vì vậy, trước mắt, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ ngoài lương cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thêm khoản kinh phí để đảm bảo điều kiện sống tối thiểu, yên tâm công tác, tránh tình trạng xin nghỉ việc và khó tuyển dụng như hiện nay. Đồng thời cho phép lực lượng này được khoán (hàng tháng) tiền công tác phí, tiền cước điện thoại phù hợp để chủ động cho việc phục vụ đi lại, thông tin liên lạc vì hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, cũng như có chế độ trực đêm tại các trạm, chốt quản lý bảo vệ rừng.

Ngoài ra, tỉnh cho phép rà soát lại lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chưa đáp ứng về trình độ chuyên môn để đào tạo, chuẩn hoá về bằng cấp. Cũng như tạo điều kiện mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động chuyển sang viên chức để hưởng các chế độ chính sách theo quy định.

Về lâu dài, Sở NN-PTNT đề xuất tỉnh cho tất cả lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chuyển sang viên chức quản lý bảo vệ rừng; cũng như cho lực lượng này vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm theo Thông tư số 11 ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được hưởng ưu đãi về chế độ về nghỉ phép, nghỉ hưu và được hưởng phụ cấp và chính sách như lực lượng Kiểm lâm.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.