| Hotline: 0983.970.780

BIỂN CẠN CÁ TÔM

Hậu họa giã cào

Thứ Ba 19/07/2022 , 06:39 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Giã cào đôi vét cạn cá tôm, đưa nhiều ngư dân thành tỷ phú. Và cũng phương pháp đánh bắt này, đã khiến nhiều người mang nợ, mất cả tàu cá lẫn cửa nhà.

Bài liên quan

Chừng 8 năm về trước, xã Phổ Thạnh (giờ là phường Phổ Thạnh, Thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) được mệnh danh là "miền quê tỷ phú" khi có khá nhiều ngư dân sở hữu tài sản tiền tỷ. Giờ, trở lại nơi đây nghe những câu chuyện đắng đót cõi lòng. Xăng dầu và các mặt hàng ở mức giá cao khiến ngư dân lao đao.

Ngư dân không đủ tiền sắm chuyến ra khơi nên khoảng 500 tàu cá neo đậu tại cảng Sa Huỳnh và các bến cá nhiều tỉnh, thành ven biển. Mất nguồn thu nhập, nhiều chủ tàu bị kê biên tài sản để bán thu hồi vốn vay trước đó.

Khung cảnh vùng quê Sa Huỳnh. Ảnh: Thanh Kỳ.

Khung cảnh vùng quê Sa Huỳnh. Ảnh: Thanh Kỳ.

Hấp lực giã cào 

Bài liên quan

Ở tuổi 84, cụ Phan Văn Cúc khá minh mẫn, rành rẽ chuyện làng quê. Thuở trước, cụ cùng ngư dân trong làng với chiếc ghe nhỏ hành nghề câu bủa trên vùng biển gần bờ. Ngày ấy, cá, mực còn nhiều nên mỗi buổi câu chở nặng ghe. Gần 30 năm trước, ngư dân nơi khác đến vùng biển Sa Huỳnh hành nghề giã cào bướm. Họ gắn khung lưới dày phía sau tựa cánh bướm khi tàu chạy băng băng trên sóng nước bắt các loài hải sản lớn nhỏ.

Ngư dân Phổ Thạnh ồ ạt chuyển sang phương pháp khai thác mới nên sản lượng đánh bắt tăng vọt. Rồi họ "sáng kiến" cách đánh bắt mới với hai tàu cá chạy song song kéo theo giàn lưới dày, gọi là giã cào đôi. "Lúc trước cá còn nhiều nên nghề câu làm ăn được lắm. Có buổi câu được 2 - 3 tạ cá thiều. Thế rồi nghề giã cào bắt cả những con bằng ngón tay nên tôm cá chẳng kịp sinh sôi...", cụ Cúc thở dài.

Khi cá tôm ven bờ dần cạn kiệt, những tàu cá buộc phải vươn khơi. Những ngư dân có tàu công suất lớn làm ăn khấm khá với khoản thu vượt trội so với trước. Có những chuyến biển kéo dài cả tháng đem lại cho chủ tàu hàng trăm triệu đồng. Điều ấy khiến bao người thế chấp tài sản vay tiền đóng tàu công suất lớn.

Ông Lê Trung Thành bên con tàu cá đang đóng mới (ảnh chụp 2015). Ảnh: Thanh Kỳ.

Ông Lê Trung Thành bên con tàu cá đang đóng mới (ảnh chụp 2015). Ảnh: Thanh Kỳ.

Ông Lê Trung Thành. nguyên Giám đốc HTX Viễn Đông - Sa Huỳnh (đơn vị đóng mới và sửa chữa tàu ở Phổ Thạnh) nhớ lại dăm bảy năm trước, nhiều người tìm đến ông đặt hàng đóng những con tàu tiền tỷ. Có năm, số lượng đóng mới gần 70 chiếc. Ông phải thuê nhiều nhóm thợ làm việc cật lực để kịp ngày bàn giao tàu cho ngư dân. Bãi đậu chật kín, nhiều tàu từ khơi xa về sửa chữa phải neo nơi bến cá. "Lúc ấy nhiều người đóng tàu lắm. Chủ yếu là tiền vay chứ đâu có mấy người đủ vốn...", ông cho biết. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh ban hàng chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ nghề giã cào sang các nghề khác...", ông Phùng Đình Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết.

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa đầu tư gần 3 tỷ đồng nạo vét, thông luồng cửa biển Sa Huỳnh để thuận lợi cho tàu thuyền ra vào bến. Nhưng giờ đã vắng những con tàu về bờ tôm cá nặng đầy khoang. Giá dầu quá cao "chặn" tàu rẽ sóng vươn khơi khiến bao gia đình lâm vào khốn khó. Tiếng thở than nghe đắng đót cõi lòng.

Mất cả cửa nhà 

"Biển cho ta cá như lòng mẹ/Nuôi nấng đời ta tự thuở nào" (Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận), thế nhưng bây giờ, không ít ngư dân lại tán gia bại sản vì nghề biển. 

Cụ Cúc có 3 người con trai mưu sinh trên sóng nước với nghề giã cào ở những vùng biển xa. Hai con trai nhỏ làm ăn thua lỗ vì khơi xa cũng cạn kiệt cá tôm nên phải bán tàu để trả nợ. Vẫn chưa trả hết, con trai út là Phan Văn Công bị cơ quan chức năng kê biên đất đai, nhà cửa rồi bán cho chủ khác để thu hồi nợ vay ngân hàng trước đó.

Hàng loạt tàu cá được đóng mới tại HTX Viễn Đông - Sa Huỳnh (ảnh chụp 2015). Ảnh: Thanh Kỳ.

Hàng loạt tàu cá được đóng mới tại HTX Viễn Đông - Sa Huỳnh (ảnh chụp 2015). Ảnh: Thanh Kỳ.

Trắng tay, anh phải làm thuê trên tàu cá đánh bắt khơi xa nhưng nửa năm chưa có tiền mang về lo cho gia đình vì nhiều chuyến ra khơi lỗ phí tổn. Con trai lớn 15 tuổi nghỉ học phụ việc trên tàu cá hành nghề ở vùng biển phía Bắc kiếm tiền giúp đỡ cha mẹ.

Vợ anh là chị Thái Thị Bích Thu cùng con nhỏ phải thuê lại chính căn nhà của mình để trú ngụ với giá mỗi tháng 600 nghìn đồng. Hàng ngày, chị ra cảng cá Sa Huỳnh nhặt càng cua nhỏ người ta vứt bỏ mang về sơ chế rồi đem bán kiếm được dăm bảy chục nghìn. "Số tiền ấy không đủ sống nên tôi phải mượn bà con lối xóm. Mong cha con ảnh khỏe mạnh và làm ăn được để có tiền lo cho gia đình", chị tâm sự.

Vợ chồng ông Huỳnh Đinh Dun và bà Trần Thị Được thở dài ngao ngán khi căn nhà bị cơ quan chức năng kê biên để bán thu hồi nợ vay ngân hàng. Hi vọng làm giàu từ đôi tàu đánh bắt giã cào trên vùng biển khơi xa khiến ông bà mang khoản nợ không còn khả năng chi trả.

Sự việc bắt đầu từ 4 năm trước, khi nhiều tàu về bến cá đầy khoang. Vợ chồng ông thế chấp đất ở cùng căn nhà và quyền sở hữu tàu cá vay ngân hàng 3,5 tỷ đồng. Ông dùng tiền vay cùng 500 triệu đồng dành dụm đóng mới tàu cá và cải hoán chiếc sẵn có với tổng công suất 1.000 mã lực.

Tàu cá của ngư dân Phổ Thạnh nằm bờ vì xăng dầu tăng giá. Ảnh: Thanh Kỳ.

Tàu cá của ngư dân Phổ Thạnh nằm bờ vì xăng dầu tăng giá. Ảnh: Thanh Kỳ.

Những chuyến biển dài ngày lắm nỗi gian truân giúp ông trả nợ vay cùng tiền lãi gần 1,3 tỷ đồng. Nhưng rồi nhiều bận thua lỗ khiến ông đứng ngồi không yên. Dịch Covid-19 bùng phát giữa năm 2021 nên tàu phải nằm bờ dài ngày khiến ông thêm khốn đốn. Khi giá dầu tăng cao, đôi tàu "quỵ" hẳn, không thể ra khơi. Chủ cơ sở xăng dầu không bán nợ như trước vì thiếu vốn và ông cũng "hết đường vay mượn". Ông đành bó gối ngồi nhà thở dài nuối tiếc. Khoản tiền vay và lãi gần 3 tỷ đồng không thể chi trả, đành chịu mất cả cửa nhà.

"Mấy chục năm đi biển gầy dựng cửa nhà và sắm được đôi tàu, giờ như thế này không buồn sao được! Tôi mong nhà nước điều chỉnh, hạ giá xăng dầu hơn nữa và ngân hàng khoanh nợ, kéo dài thời gian để tụi tui làm ăn và trả lần lần", ông nói buồn. "Căn nhà bán cũng không đủ trả nợ nên sợ họ lấy luôn đôi tàu thì hết đường sống. Vợ chồng tui chẳng biết tính sao luôn", bà Được than thở.

Lúc nghề biển phát đạt, Phổ Thạnh là địa phương có tàu cá nhiều nhất Thị xã Đức Phổ với trên 1.200 chiếc, tổng công suất gần 390 nghìn mã lực. Trong đó, có gần 1.000 tàu giã cào dọc ngang trên sóng nước Biển Đông. Sản lượng hải sản khai thác hàng năm trên 40 nghìn tấn, cao chót vót so với các xã, phường ven biển.

"Bão nợ" như con quái vật làm bao người điêu đứng. Gần 100 ngư dân bị kê biên tài sản vì không thể trả nợ vay ngân hàng. Chúng tôi mong muốn nhà nước điều chỉnh, hạ thấp giá dầu hay có chính sách trợ giá, giúp ngư dân ra khơi đánh bắt để họ có nguồn thu nhập ổn định cuộc sống", ông Giả Tấn Tàu, Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh kiến nghị.

Bán rẻ chẳng ai mua 

Nỗi buồn u uẩn giày vò ngư dân Võ Mạnh hơn nửa năm qua khiến anh già hơn hẳn tuổi 48 của mình. Đôi tàu cá giã cào với công suất 700 mã lực cùng anh lênh đênh trên sóng nước bao ngày bị kê biên để bán thu hồi nợ vay. Khát vọng đổi đời của anh tàn lụi khi biển dần cạn cá tôm, những chuyến ra khơi lỗ nhiều hơn lãi.

Đôi tàu cá của ngư dân Võ Mạnh neo tại cảng cá Sa Huỳnh rao bán nhưng chẳng có người mua. Ảnh: Thanh Kỳ.

Đôi tàu cá của ngư dân Võ Mạnh neo tại cảng cá Sa Huỳnh rao bán nhưng chẳng có người mua. Ảnh: Thanh Kỳ.

Làm ăn thất bát nên bạn chài ly tán khiến anh chới với. Anh chạy vạy vay mượn cho bạn ứng tiền trước mỗi chuyến ra khơi nhưng không thể gượng dậy. Tàu cá vẫn phải nằm bờ vì thua lỗ khiến anh lao đao. Khoản nợ vay cùng tiền lãi hơn 800 triệu đồng ám ảnh, bao đêm thao thức suốt canh thâu. Đôi tàu neo tại cảng cá Sa Huỳnh rao bán 270 triệu đồng, chưa bằng 20% giá tiền 4 năm trước, nhưng chẳng có người mua.

Gia đình lâm vào cảnh túng quẫn nên vợ anh rời quê vào giúp việc cho người chủ ở Vũng Tàu. Con trai lớn phụ việc trên tàu cá đánh bắt ở vùng biển phía Bắc kiếm tiền thay cha lo cho em đến trường. Anh thường tản bộ ra bến cá bơm nước từ khoang tàu ra ngoài, săm soi vết sơn loang lổ sau bao ngày mưa nắng, cặm cụi lau chùi thiết bị hoen rỉ. Chốc lát, anh ngoái nhìn về phía khơi xa rồi buông tiếng thở dài, mặt buồn hiu hắt.

"Mất đôi tàu, lòng tôi đau xót lắm. Nhưng neo ở đây hơn nửa năm rồi mà chưa bán được cũng buồn. Nếu bán sớm thì tôi đi bạn trên các tàu cá khác để kiếm tiền lo cho gia đình và trả nợ, chứ không sợ mất luôn căn nhà thì chẳng biết ở đâu", anh bộc bạch.

Anh mạnh kiểm tra thiết bị hoen rỉ. Ảnh: Thanh Kỳ.

Anh mạnh kiểm tra thiết bị hoen rỉ. Ảnh: Thanh Kỳ.

Tàu tiền tỷ nhưng bán rẻ như cho, bán chẳng ai mua, làm cho nhiều ngư dân khốn đốn. Ông Lê Trung Thành lý giải sự việc khiến họ sống dở chết dở. Tàu giã cào phải đóng tàu thật bền chắc nên cao hơn vài trăm triệu đồng so với những chiếc cùng kích cỡ hành nghề câu hay vây rút. Giã cào cần tàu mạnh để kéo lưới vượt qua vật cản trong lòng biển nên tốn nhiều dầu nhưng chạy chậm hơn các tàu khác.

Chuyển đổi sang nghề khác phải tốn ít nhất dăm ba trăm triệu, chưa kể giàn lưới trên dưới tỷ đồng nếu hành nghề vây rút. "Chú em cứ nghĩ xe honda chạy số 1 mạnh hơn số 3 nhưng chậm và tốn xăng nhiều hơn. Máy tàu giã cào cũng vậy nên chẳng có người mua vì chuyển sang nghề khác khá tốn kém mà cá tôm bây giờ ít lắm. Bà con ở đây cũng không còn chỗ vay mượn để chuyển đổi nữa rồi...", ông Thành cho biết.

"Tàu giã cào tốn dầu lắm. Có đôi công suất lớn mỗi ngày đêm tốn hơn 1.000 lít. Giá dầu cao như thế này thì làm sao đánh bắt cho đủ phí tổn. Vậy nên chẳng ai mua làm gì", ngư dân Trần Một góp chuyện. 

Ông Giả Tấn Tàu, Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh cho biết: Phường có hơn 26 nghìn người với gần 70% dân số sống phụ thuộc vào ngư nghiệp. Hải sản ngày càng cạn kiệt nên ra khơi đánh bắt thường bị lỗ khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

         

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm