Bộ nội vụ vừa đề xuất sửa đổi đối tượng tinh giảm biên chế là cán bộ, công chức được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực, để phù hợp với luật cán bộ, công chức và luật viên chức sửa đổi.
Điểm quan trọng nhất trong đề xuất sửa đồi lần này là việc đưa vào đối tượng tinh giảm biên chế những người “có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao (trước đây là bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao) nhưng không thể bố trí việc làm khác hoặc được cơ quan, đơn vị bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện tinh giảm biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý”.
Đề xuất này được xã hội đồng tình. Bởi hiện tại, không ít trường hợp đang bị “tréo nghoe”, được đào tạo nghề này nhưng lại được bố trí công việc khác chẳng liên quan gì đến chuyên môn được đào tạo cả, như có người được đào tạo chuyên ngành là quản lý kinh tế nông nghiệp, lần lượt làm việc ở ban tổ chức chính quyền tỉnh, làm cán bộ kỹ thuật sở nông nghiệp, phòng hành chính tổ chức sở nông nghiệp, phòng kho vận, chủ tịch UBND xã... và cuối cùng bỗng... nhảy tót lên làm thẩm phán và còn lên cao nữa.
Giữa chuyên môn được đào tạo là quản lý kinh tế nông nghiệp và nghề thẩm phán là hai chuyên môn khác hẳn nhau. Một đằng là quản lý về lúa ngô khoai sắn, một đằng là xét xử các vụ án liên quan đến sinh mạng của con người.
Hay một ông khác có chuyên ngành là công an nhưng lại nhảy tót sang làm chánh án, dù không được bổ nhiệm thẩm phán, không được đào tạo một ngày nào về nghiệp vụ xét xử. Đó chỉ là hai trong hàng ngàn trường hợp có thể lấy làm ví dụ, kể ra không hết.
Sở dĩ có chuyện đó, vì xưa nay những người nắm công tác tổ chức luôn luôn có một quan niệm rằng đã có trình độ lý luận chính trị cao cấp thì làm gì cũng được.
Chính vì thế mà đang ở một ngành, nhưng chỉ cần dự một khóa đào tạo lý luận chính trị cao cấp là có thể nhảy sang bất cứ ngành nào.
Sự tréo ngoe về chuyên ngành được đào tạo và công việc được bố trí làm đã gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy. Do không có chuyên môn nên việc nhỏ như cái tăm cũng phải cần đến đội ngũ tham mưu.
Và chính đó là cơ hội cho những người có tâm địa bất chính trong đội ngũ tham mưu “lái” thủ trưởng theo hướng có lợi cho cá nhân mình.
Cổ nhân có câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Muốn thân được "vinh” thì phải giỏi “nghệ”. Mà muốn giỏi “nghệ” thì phải học “nghệ” cho đến nơi đến chốn. Một nền kinh tế được vận hành trên nguyên tắc mọi người đều được làm đúng chuyên môn của mình, là một xã hội phát triển.