Khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại hai tỉnh Bắc Giang - Bắc Ninh, mô hình “ba tại chỗ” (3T : sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, ở tại chỗ) và tổ chức xét nghiệm thường xuyên đối với doanh nghiệp đã ra đời và tỏ ra rất hiệu quả.
Tuy nhiên khi áp dụng tại các tỉnh phía Nam, thì kết quả lại không được như mong muốn, do nhiều nguyên nhân khách quan, trong đó 2 nguyên nhân chính là chi phí bỏ ra rất lớn và phải đáp ứng rất nhiều quy định khắt khe khác.
Vì vậy, không ít doanh nghiệp, do không đáp ứng được yêu cầu, đã phải ngừng sản xuất, như chỉ 5% số doanh nghiệp trong Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam đủ điều kiện thực hiện mô hình 3T. 117 trong tổng số 265 công ty của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam phải dừng sản xuất cũng bởi lý do trên, 17 công ty đang áp dụng 3T nhưng xuất hiện ca dương tính với virus SASR CoV-2 nên cũng buộc phải ngừng sản xuất.
Riêng trong lĩnh vực chế biến thủy sản, số doanh nghiệp thực hiện mô hình 3T chiếm đến 72%. Tuy nhiên do phải thực hiện dãn cách nên số công nhân giảm đi rất nhiều, hiện tổng công suất chế biến chỉ còn từ 30 đến 50% so với trước khi có dịch.
Trước những bất cập của mô hình 3T, mới đây Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn và đề nghị các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp tự xây dựng phương án sản xuất và phòng chống dịch phù hợp.
Đặc biệt trong việc xét nghiệm, bộ đã cho phép giảm tần suất xét nghiệm. Theo đó, với những đơn vị chưa có ca dương tính, thì hàng tuần xét nghiệm ít nhất cho 20% người lao động. Ngược lại thì hàng tuần xét nghiệm ít nhất 50% cho số người lao động bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp hoặc test kháng nguyên nhanh.
Với hướng dẫn trên của Bộ Y tế, các doanh nghiệp vui mừng vì được giảm tần suất xét nghiệm xuống còn 1 tuần/lần. Tuy nhiên, lại xuất hiện những lo ngại mới. Đó là các địa phương, trước áp lực phòng chống dịch, sẽ càng siết chặt hơn, khiến việc trở lại sản xuất bình thường của doanh nghiệp càng trở nên xa vời.
Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng bày tỏ nguyện vọng của mình, là các cơ quan chức năng hãy cho phép họ tự tìm nguồn mua dụng cụ xét nghiệm và tự xét nghiệm. Tất nhiên, doanh nghiệp sẽ lưu vào hồ sơ các chỉ số như tỉ lệ xét nghiệm, kết quả xét nghiệm… để báo cáo, xuất trình mỗi khi cơ quan chức năng kiểm tra.
Nguyện vọng này của các doanh nghiệp là hoàn toàn chính đáng. Bằng năng lực của mình, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự tìm mua dụng cụ xét nghiệm, chủ động tổ chức xét nghiệm một cách hợp lý nhất, không để ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, lại đỡ gánh nặng cho cơ quan chức năng khi hàng tuần cứ phải rồng rắn đến từng doanh nghiệp để lấy mẫu xét nghiệm.
Các cơ quan chức năng rất nên quan tâm đến nguyện vọng này của cộng đồng doanh nghiệp.