| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 28/10/2019 , 09:06 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 09:06 - 28/10/2019

Hãy để người dân tự lựa chọn

Hai phương án hạn chế xe máy lại đang được sở GT-VT thành phố Hà Nội đặt ra. Một là hạn chế trong các quận nội đô. Hai là hạn chế theo vành đai. 

Ảnh mang tính minh họa.

Nếu áp dụng phương án thứ nhất, thì hơn 4,7 triệu dân (chiếm hơn 50% dân số thành phố) sẽ bị ảnh hưởng. Còn nếu chọn phương án thứ hai, thì tuy số người bị ảnh hưởng ít hơn, nhưng phạm vi ảnh hưởng lại rộng hơn, vì còn rất nhiều người dân ngoại tỉnh đổ về thành phố bằng xe máy.

Hiện tại, TP Hà Nội có tỷ lệ sở hữu xe máy là 760 chiếc/1000 dân, và tỷ lệ xe máy tăng bình quân 6,7% mỗi năm. Với hạ tầng hiện có của thủ đô, thì đó quả là một con số khủng khiếp. Tắc đường là lẽ đương nhiên. Và vấn đề hạn chế xe máy không phải là lần đầu được đặt ra đối với các nhà quản lý.

Hạn chế xe máy sẽ giải quyết được nạn tắc đường. Điều đó đúng. Nhưng muốn hạn chế xe máy, thì trước tiên phải trả lời được câu hỏi: Hạn chế xe máy, thì dân sẽ đi lại bằng gì, và mưu sinh bằng gì?

Dân sẽ đi lại bằng gì, khi hệ thống vận tải công cộng hiện tại của thủ đô vừa thiếu, vừa yếu, lại vừa bất tiện, chưa kể trộm cắp còn hoành hành trên xe buýt như rươi, gây mất an toàn. Chính ngài giám đốc sở GT-VT Hà Nội cũng vừa đưa ra một con số, là đến hết năm 2019 này, hệ thống giao thông công cộng của thủ đô mới đáp ứng được 17,3% và đến năm 2020, mới được 20 hay 21% nhu cầu đi lại của người dân.

Thế thì còn lại 79 hay 80% nhu cầu ấy, người dân lấy gì thay thế ngoài xe máy. Có thể thay thế bằng taxi. Đồng ý. Nhưng những công chức hay người lao động có thu nhập trên dưới 10 triệu đồng mỗi tháng, có dám đi taxi hay không?

Theo tính toán của Viện Chiến lược phát triển giao thông, thì việc hạn chế xe máy chỉ nên đặt ra khi các phương tiện công cộng của thủ đô đã đáp ứng được ít nhất 60,5% nhu cầu đi lại của dân. Mà muốn đạt được con số đó, thì Hà Nội phải có 8 tuyến đường sắt đô thị, 200 tuyến buýt, 35.000 taxi, hơn 50.000 xe hợp đồng, khoảng 20 tuyến buýt mini và 10.000 xe đạp công cộng.

Đến bao giờ Hà Nội có được những thứ đó?

Người dân sẽ mưu sinh bằng gì khi cấm xe máy? Bởi xe máy chính là phương tiện duy nhất mà những người lao động nghèo dùng để kiếm bát gạo đổ vào nồi hàng ngày, mà công việc của họ thì rất phong phú: xe ôm, chở thực phẩm, chở hàng... Những việc đó, xe buýt hay tàu điện làm sao thay thế được?

Xe máy và các loại xe, tàu khác đều là phương tiện. Khi dùng để vận chuyển, thì tất cả đều phải chịu sự điều chỉnh của luật cạnh tranh. Mọi hành vi chèn ép loại phương tiện này để tạo thuận lợi cho phương tiện khác, đều vi phạm pháp luật. Tốt nhất là hãy để cho các loại phương tiện cạnh tranh một cách lành mạnh. Khi người dân cảm thấy đi lại bằng phương tiện công cộng tốt hơn đi xe máy, lúc đó, chẳng cần hạn chế, họ cũng tự bỏ loại phương tiện này.