Cán bộ thú y kiểm tra lợn nghi bệnh |
Việc sáp nhập sẽ khiến cho một hệ thống từng gây dựng bao nhiêu năm, tổ chức chặt chẽ từ trung ương tới cơ sở có nguy cơ bị "chặt bớt chân tay”, khó có thể chống đỡ kịp thời với dịch dã…
Nỗi thấm thía của tỉnh đã sáp nhập
Hà Nam có hơn 400.000 đầu lợn, tính đến hết ngày 21/3/2019 đã có 527 con của 14 hộ chăn nuôi bị mắc dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) phải tiêu hủy. Mặc dù đã căng hết sức để dàn quân, chống dịch nhưng theo ông Đinh Huy Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân tích vẫn có nhiều khó khăn.
Thứ nhất là tỷ lệ 80% chăn nuôi nhỏ lẻ; thứ hai là huy động lực lượng tham gia vẫn áp theo quy định từ hồi chống cúm gia cầm cách đây 15 năm, công chức, viên chức được 50.000 đồng/ngày, còn đối tượng khác được 100.000 đồng/ngày, rất rẻ mạt; thứ ba là hệ thống thông báo, giám sát dịch từ ngày các Trạm Chăn nuôi và Thú y bàn giao về cho UBND huyện (tháng 7/2018) khiến việc phối hợp không đồng bộ, kịp thời.
Trước đây, từ tỉnh xuống đến xã là một hệ thống, trong đó Trạm Chăn nuôi và Thú y là quân của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nằm ở huyện, tham mưu về việc phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch, thú y cơ sở tiếng là người của xã nhưng cũng do Chi cục trả phụ cấp (0,7) điều hành nên hô cái là thực hiện ngay.
Giờ đây, muốn triển khai một cái gì phải qua các cơ quan như UBND huyện, Phòng NN-PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp rồi mới tới xã. Và ở chiều ngược lại, khi có dịch, thú y xã báo cáo lên huyện phải qua rất nhiều cấp như Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Phòng NN-PTNT, UBND huyện rồi mới đến Chi cục gây chậm chễ.
Thêm vào đó, dịch bệnh thất thường, phòng chống vất vả, phụ cấp cho Trưởng ban Thú y xã lại quá thấp nên người trẻ ít hào hứng để vào, người già cũng uể oải tìm cách xin ra. Nhiều trường hợp hơn 60 tuổi vẫn phải động viên, giữ lại để ký tiếp hợp đồng lao động dù biết đó là phạm luật.
Nỗi lo của tỉnh chưa bị sáp nhập
Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình kể rằng, tỉnh mình là địa phương đầu tiên hợp nhất Phòng Chăn nuôi của Sở NN-PTNT và Chi cục Thú y thành Chi cục Chăn nuôi Thú y (tháng 9/2015) theo Thông tư 14 và hoạt động rất hiệu quả.
Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình |
Nhưng đến khi bàn chuyện hợp nhất Trạm thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thuộc huyện thì lại khác: “Chúng tôi triển khai Nghị quyết 19 đã đến bước sắp sửa hợp nhất, ý định đến quý I/2019 sẽ xong, chỉ còn lăn tăn mỗi chuyện ai là người bổ nhiệm lãnh đạo Trung tâm thì lại dừng. Tôi cho rằng không chuyển mới là đúng bởi chưa thực hiện việc này đã gây ảnh hưởng rồi”.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y có 2 nhiệm vụ, thứ nhất là quản lý nhà nước và thứ hai là sự nghiệp nên vừa có cả công chức lẫn viên chức. Trước đây có nhiều công chức giàu kinh nghiệm và năng lực được bổ nhiệm làm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện. Để hợp nhất thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp nguyên tắc là chỉ có viên chức làm việc ở trung tâm, còn công chức thì làm ở các phòng chuyên môn.
Bởi thế mới gây ra tình trạng xáo trộn trong đội ngũ khi công chức của các trạm phải chuyển về các phòng của Chi cục trên thành phố cách xa nhà vài ba chục km. Thậm chí có 3 Trưởng trạm do gia đình ở quá xa nên phải xin sang Hội Nông dân, Phòng NN-PTNT huyện gồm Trạm Hưng Hà, Trạm Kiến Xương còn Trưởng Trạm Thái Thụy đang xin đi nhưng thủ tục chưa xong. Ngược lại cũng có nhiều viên chức đang làm ở Chi cục, nhà cửa, gia đình sống tại thành phố nhưng nếu sáp nhập sẽ phải về các trạm huyện, rất bất tiện.
Ông Nhương thở phào: “Rất may là Thái Bình chưa hợp nhất. Sau khi nghe tin dừng chuyện này lại, anh em đã rất phấn khởi. Nhân y chữa bệnh cho người còn thú y chữa bệnh cho loài người vì hầu hết các dịch bệnh trên người là do sự truyền lây từ động vật. Ngành y tế có cả mạng lưới bên dưới gồm Sở Y tế ở cấp tỉnh, các trung tâm, các bệnh viện ở cấp huyện còn với thú y thì các Trạm ở huyện như cánh tay nối dài của hệ thống, như tai mắt để kiểm tra, giám sát, phát hiện dịch bệnh nên rất nhanh và hiệu quả… Còn nếu sáp nhập vào thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp rồi chuyển cho huyện thì các chức năng thuộc về quản lý nhà nước sẽ giao hết cho Phòng NN-PTNT chỉ để lại các chức năng thuộc dịch vụ công, dịch vụ tư... khó có thể tham mưu, chống dịch tốt được…”.
Ảnh: D.Đ.T |
Thái Bình là tỉnh đất chật, người đông, mật độ chăn nuôi nhỏ lẻ ở mức cao với gần 7.300 gia trại, 73.000 hộ, tổng đàn lợn gần 1 triệu con. Tính đến ngày 19/3/2019 có 125 xã trên địa bàn 6 huyện phát hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tổng số lợn tiêu hủy 20.756 con, trọng lượng 1.172.799kg. Những ngày này, hầu hết cán bộ nhân viên của Chi cục Chăn nuôi và Thú y có mặt ở các xã, các huyện để sát sao, chỉ đạo việc phòng chống dịch.
Tôi gặp chị Đàm Thị Việt Anh, nguyên Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi Thú y huyện Thái Thụy hiện là Phó Phòng quản lý giống và Kỹ thuật khi đang ở xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ. Trạm Chăn nuôi Thú y huyện này có 4 người thì 2 đang nghỉ đẻ, 1 bị chó cắn, 1 bị tai nạn nên lực lượng tăng cường thường xuyên phải làm việc đến 7 - 8h tối thậm chí 12h đêm, bữa cơm trưa nào cũng gắn liền với đôi ủng phòng hộ.
“Phải đi làm quá xa nhà nên em đã xin chuyển sang Phòng NN-PTNT nhưng lại vướng ở chỗ tuy có quyết định công chức, số hiệu công chức nhưng mã chuyên môn lại tương đương viên chức nên người ta chưa nhận”, chị Việt Anh tâm sự. Cùng hoàn cảnh có Nguyễn Đức Tuệ, nguyên cán bộ của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thái Thụy giờ cũng đang phải chuyển lên làm chuyên viên phòng quản lý dịch bệnh của Chi cục một cách bất đắc dĩ.
Trung tâm Dịch Vụ Nông nghiệp trực thuộc huyện có cái dở là khi có dịch bệnh điều hành rất chậm vì qua nhiều khâu, thậm chí báo cáo về dịch có thể dừng lại ở huyện mà không lên cấp trên vì địa phương muốn giấu. Qua việc chống dịch lở mồm long móng cuối năm 2018, đặc biệt là DTLCP, nhiều tỉnh đề nghị phải xem xét lại việc sáp nhập hệ thống Trạm Chăn nuôi và Thú y vào Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và chuyển về cho huyện quản lý bởi không chỉ gây xáo trộn cho đội ngũ cán bộ mà còn khó khăn cho việc chỉ đạo. Trước là “băng thông rộng” giờ bị hẹp và phân nhánh. |