Dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 800 tỷ USD
Chiều 19/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài. Hội nghị do Bộ Công Thương phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại 61 Cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng chỉ rõ hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá tiếp tục tăng trưởng cao. Kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 433 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ và dự báo cả năm 2022 đạt khoảng 800 tỷ USD.
"Thành tích nổi bật đó có sự đóng góp quan trọng của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là của ngành công thương với hệ thống thương vụ ở nước ngoài" - người đứng đầu Chính phủ nói.
Tuy nhiên, do tình hình thế giới, khu vực thời gian tới diễn biến phức tạp, khó lường, có thể dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu; độ mở của nền kinh tế trong nước lớn (trên 200%), Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là khi các thị trường nhập khẩu lớn còn chịu tác động của lạm phát, đồng tiền mất giá, thị trường xuất nhập khẩu thu hẹp…
Bối cảnh này đòi hỏi hệ thống thương vụ phải tích cực, chủ động hơn nữa trong nghiên cứu thị trường, tham mưu chính sách và nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để tận dụng các FTA thế hệ mới, theo Thủ tướng.
Yêu cầu hệ thống thương vụ phát biểu đúng và trúng vấn đề, Thủ tướng gợi mở 4 định hướng tập trung thảo luận. Đó là: Giữ thị trường truyền thống; Mở rộng thị trường mới; Đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu; Thúc đẩy xúc tiến thương mại trên toàn cầu.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hệ thống thương vụ tại nước ngoài bao gồm 61 đơn vị.
Trong đó: Khu vực châu Á - châu Phi có 28 thương vụ và 4 chi nhánh; Khu vực Châu Âu - châu Mỹ có 26 thương vụ và 3 chi nhánh. Ngoài ra còn 1 phái đoàn Việt Nam tại WTO và 3 văn phòng xúc tiến thương mại.
Về hoạt động chuyên môn, hệ thống thương vụ đảm bảo các chức năng như: đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế - thương mại; xúc tiến mở rộng thị trường nước ngoài cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài;
Ngoài ra, hệ thống thương vụ sẽ thu thập thông tin, nghiên cứu cơ chế, chính sách thị trường sở tại; tham mưu, đề xuất về Bộ Công Thương các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phù hợp.
Trong bối cảnh khó khăn và thách thức đan xen, Bộ Công Thương đề xuất 5 giải pháp. Thứ nhất, trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Chiến lược Phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng về việc thúc đẩy xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch.
Thứ hai, tận dụng các FTA thế hệ mới thông qua việc tổ chức, phối hợp và giám sát cùng các Bộ, ngành, địa phương để tuyên truyền, phổ biến về tận dụng cơ hội cắt giảm thuế trong các FTA.
Thứ ba, tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan chức năng của Bộ, hệ thống thương vụ ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan; đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Thứ tư, tăng cường cơ chế cảnh báo sớm về các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; tăng cường các biện pháp phòng chống gian lận thương mại.
Thứ năm, xuất bản các ấn phẩm thông tin đến doanh nghiệp về các Hiệp định FTA, các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ NN-PTNT trong công tác mở cửa thị trường đối với các mặt hàng nông sản.
Xúc tiến thành lập Liên minh xuất khẩu
Tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, qua các chuyến công tác, khảo sát tại nước ngoài, ông nhận thấy khối doanh nghiệp trong nước có xu hướng làm việc hiệu quả hơn với chính các nhóm doanh nghiệp nước ngoài.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng đề xuất việc thành lập Liên minh xuất khẩu, đặt nền tảng cho hoạt động tiếp thu, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp từ nước sở tại, cụ thể cho từng thị trường. "Các bộ, ngành liên quan sẽ căn cứ vào đây để có những đánh giá cụ thể về tiềm năng, rủi ro, thị hiếu, cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu", ông chia sẻ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng có hai đóng góp, thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại. Với Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương, ông cho rằng cần sớm xây dựng một chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu, tích hợp nhiều chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý.
"Thay vì xúc tiến thương mại một cách đơn lẻ, chúng ta sẽ kết hợp xúc tiến du lịch, xúc tiến văn hóa, giúp tạo ra hiệu ứng đa chiều; đồng thời giúp các ngành bổ khuyết thêm nội lực cho nhau", người đứng đầu Bộ NN-PTNT tham mưu.
Riêng với một số thị trường trọng điểm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các Bộ, ban, ngành bổ nhiệm tham tán nông nghiệp. Người này sẽ giữ vai trò là đầu mối thông tin, phân tích thị trường, giúp doanh nghiệp trong nước tránh tình trạng "mù mờ" thông tin.
Với các hiệp hội ngành hàng, Bộ trưởng đề nghị tất cả phối hợp chặt chẽ. Trên quan điểm "muốn đi xa phải đi cùng nhau", ông coi đây là biện pháp hữu hiệu để giảm chi phí, rủi ro.
Làm rõ ý kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, rằng công tác xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ gặp thuận lợi nếu chính sách điều hành tiền tệ, tỉ giá ổn định. Ngoài ra, bà cũng nhấn mạnh vai trò của hoạt động sản xuất chế biến nông sản, bởi góp phần cân đối ngoại tệ.
Thống đốc cũng chỉ rõ những thách thức hiện tại như: Khối FDI có tỷ trọng xuất khẩu cao hơn hẳn so với các doanh nghiệp trong nước; hoạt động thanh toán tại Trung Đông và châu Phi còn trở ngại...
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị ngành nông nghiệp đẩy mạnh hoạt động hơn nữa hoạt động xuất khẩu, bởi nông, lâm, thủy sản chiếm chưa đến 10% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước (năm 2021 là 48,6 tỷ USD).
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận ý kiến từ hơn 10 thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, cũng như các trưởng ngành. Với mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, Thủ tướng yêu cầu hệ thống thương vụ tiếp tục nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, từ đó tham mưu Chính phủ chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương; đồng thời đưa ra khuyến cáo, giúp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, hệ thống thương vụ được giao nhiệm vụ tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác đầu tư, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực có tính chất nền tảng như cơ khí, chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hoá chất, dược phẩm…
Hoạt động đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ cũng được Thủ tướng lưu ý. Theo đó, hệ thống thương vụ cần xây dựng, đẩy mạnh hơn nữa công tác đưa lao động, thực tập sinh ra nước ngoài để tiếp cận công nghệ sản xuất mới, công nghệ quản trị mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Riêng với việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản, Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT đẩy nhanh việc đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam; thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch; phối hợp địa phương thực hiện nghiêm việc sản xuất theo tiêu chuẩn, áp dụng truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.