Nghiêm túc sản xuất theo tiêu chuẩn từng bước nâng tầm nông sản Việt. Hệ thống dữ liệu vùng trồng giúp cải thiện sự mù mờ trong ngành nông nghiệp. Ngành thuỷ sản phối hợp chặt chẽ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển gỡ thẻ vàng IUU. Bình Phước chuẩn bị 1.500ha sầu riêng để xuất khẩu đi Trung Quốc.
NGHIÊM TÚC SẢN XUẤT THEO TIÊU CHUẨN TỪNG BƯỚC NÂNG TẦM NÔNG SẢN VIỆT
Phát biểu tại buổi làm việc với các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài bàn giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2022, định hướng giai đoạn 2023-2025 chiều nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại Giao và ngân hàng nhà nươc tập trung trao đổi, phân tích tình hình, chính sách của nước sở tại, khuyến nghị các biện pháp cụ thể giúp các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức hiện nay để phát triển bền vững, đa dạng hóa thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN-PTNT phối hợp với các địa phương rà soát, thực hiện nghiêm túc việc sản xuất theo tiêu chuẩn, áp dụng truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm nông, thủy sản. Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp để nâng tầm nông sản Việt, đa dạng hóa thị trường, giảm dần sự phụ thuộc của nông sản xuất khẩu vào một số thị trường cũng như giảm dần xuất khẩu theo hình thức “tiểu ngạch”.
HỆ THỐNG DỮ LIỆU VÙNG TRỒNG GIÚP CẢI THIỆN SỰ MÙ MỜ TRONG NGÀNH NÔNG NGHIỆP
Chào mừng dịp Kỷ niệm Ngày Chuyển đổi số, chiều 19/8, Bộ NN-PTNT tổ chức Lễ phát động Chuyển đổi số của ngành, đồng thời Triển khai Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cấp và quản lý mã số vùng trồng.Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Lê Minh Hoan nhấn mạnh, việc xây dựng thương hiệu nông sản thông qua sự minh bạch sẽ góp phần cải thiện một nền nông nghiệp hiện đang mù mờ giữa người mua, người bán đến cơ quan quản lý, mù mờ từ thị trường, chất lượng đến xuất xứ, nguồn gốc.Số liệu thống kê cho thấy, cả nước hiện có trên 4,8 triệu ha diện tích cây lâu năm. Việc Hệ thống thông tin, Cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng đi vào hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định danh nông sản Việt, góp phần xây dựng lòng tin, khẳng định thương hiệu, chất lượng nông sản Việt trên thị trường nội địa và quốc tế.
NGÀNH THUỶ SẢN PHỐI HỢP CHẶT CHẼ BỘ TƯ LỆNH CẢNH SÁT BIỂN GỠ THẺ VÀNG IUU
Chiều 19/8, Tổng cục thuỷ sản và Bộ tư lệnh cảnh sát biển tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa 2 bên giai đoạn 2020-2021 triển khai kế hoạch 2022-2023.Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản chia sẻ, trong 2 năm qua, 2 đơn vị đã phối hợp triển khai một số nhiệm vụ đạt kết quả tốt như: đấu tranh ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và hỗ trợ ngư dân; xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là công tác phòng chống khai thác IUU, góp phần sớm gỡ thẻ vàng của EC.Ông Luân bày tỏ, để hoạt động khai thác hải sản bền vững, không có tàu vi phạm thì bên cạnh nỗ lực của ngành thủy sản từ trung ương đến địa phương, lực lượng kiểm ngư của Bộ NN-PTNT, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, trong đó có cảnh sát biển Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ cùng Tổng cục thủy sản triển khai các quy định pháp luật, luật thủy sản đi vào chiều sâu, thực chất.
BÌNH PHƯỚC CHUẨN BỊ 1500HA SẦU RIÊNG ĐỂ XUẤT KHẨU ĐI TRUNG QUỐC
Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước vừa tổ chức Hội nghị triển khai các đề án ngành NN-PTNT với 4 đề án về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật; phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch; nâng cấp và phát triển hệ thống thủy lợi. Với đề án phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, giai đoạn 2021-2025, tại Hội nghị, bà Lê Thị Ánh Tuyết PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước thông tin, hiện Bình Phước có 3000 ha sầu riêng, theo định hướng phát triển của tỉnh, thời gian tới sẽ nâng tổng diện tích lên từ 8000 – 10.000 ha.Cùng với đó, địa phương đã chuẩn bị 1500 ha và có 33 cơ sở vùng trồng để chuẩn bị xuất khẩu đi Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, Bình Phước đang thực hiện trước 15 vùng trồng và 1 cơ sở đóng gói để mở đường cho sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. Sau đó sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá những diện tích trồng sầu riêng khác để tăng diện tích xuất khẩu.