| Hotline: 0983.970.780

Hệ thống thủy lợi Khe Lại -Vực Mấu: Những vướng mắc cần tháo gỡ.

Thứ Ba 11/04/2023 , 12:19 (GMT+7)

Hệ thống công trình thủy Khe Lại- Vực Mấu là kỳ vọng lớn của tỉnh Nghệ An trong chiến lược phát triển kinh tế..

1A (1)

Hệ thống thủy lợi Khe Lại _ Vực Mấu

Đây cũng là niềm mơ ước khát khao của nhân dân vùng Tây Bắc huyện Quỳnh Lưu, đặc biệt là vùng quê Tân Thắng từ bao đời nay đất đai luôn khô cằn đang ngày đêm mong chờ nguồn nước mát.

Tuy nhiên thay cho nỗi háo hức của dân chúng chờ mong ngày công trình mở cống lấy nước để làm lễ hoàn công thì đến năm 2017 hệ thống công trình đã gần như hoàn toàn tê liệt.

Cũng từ thời gian ấy đến nay đã biết bao nhiêu hệ lụy xẩy ra. Đất đai đã kiểm đếm đền bù nơi thì bỏ hoang để cho cây cối mục um tùm, nơi thì dân mạnh dạn cày đất lật cỏ làm ăn nhưng ngày đêm thấp thỏm lo sợ không có ngày hái quả. Các hạng mục công trình đã làm dang dở thì trở nên hoang phế xuống cấp một cách nghiêm trọng.

Nguyên do có nhiều, trong đó có cả cơ chế. Nhưng thôi, không bới bới lá tìm sâu, mà chỉ thương nhau cau sáu bổ ba. Trên tinh thần này, Chủ đầu tư cùng các cơ quan hữu trách đã nghiên cứu xem xét các góc độ về nguyên nhân làm cho hệ thống công trình phải ngưng trệ để trình Bộ. Và sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chấp thuận về việc kéo dài thời gian bố trí vốn cho Dự án Hệ thống thủy lợi Khe Lại- Vực Mấu đang triển khai dở dang, chuyển tiếp từ giai đoạn 2016- 2020 sang gia đoạn 2021-2025 ( Văn bản số 7598/VPCP-KTTH ngày 19/10/2021), đến ngày 29/10/2021 Bộ NN&PTNT ký Quyết định số 4228/QĐ-BNN-TCTL “Phê duyệt điều chỉnh Dự án Giai đoạn 1 Hệ thống thủy lợi Khe Lại- Vực Mấu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An"

Nội dung chính của Quyết định này bổ sung: Xây dựng hệ thống giám sát và thông tin điều hành hồ chứa; lập phương án phòng, chống lũ, lụt vùng hạ du đập; cắm mốc phạm vi bảo vệ đập… Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 627,811 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án đến ngày 30/12/2024.

Xin nói thêm tổng mức điều chỉnh vốn theo Quyết định này đội lên 627,811 tỷ đồng, nghĩa là bổ sung thêm 400 tỷ đồng so với QĐ 1609. Trong đó vốn tập trung lớn nhất là đền bù GPMB. Tổng mức đền bù theo QĐ 1609 là 97,622 tỷ thì nay điều chỉnh lên 373,418 tỷ, nghĩa là tăng thêm 275,796 tỷ đồng ( chiếm gần 3/4 tổng nguồn vốn tăng thêm).

3B

Nhiều diện tích chưa thể giải phóng mặt bằng dẫn đến chậm tiến độ

Trong khi đó vốn điều chỉnh tăng thêm cho xây dựng cụm đầu mối của hệ thống công trình chỉ có 63,841 tỷ đồng.( trước đây 69,338 tỷ, nay điều chỉnh lên 133,179 tỷ) Như vậy muốn hệ thống công trình này đạt được tiến độ thi công đúng như QĐ của Bộ NN&PTNT đã nêu thì công tác đền bù GPMB là then chốt.

Mới đây trong những ngày cuối tháng 3/2023 chúng tôi lại đến cụm đầu mối của hệ thống công trình để tìm hiểu thêm về tiến độ thi công của các nhà thầu. Đến đập phụ 2, khung cảnh vẫn vắng hoe, tịnh không thấy bóng dáng người thi công. Hệ thống tràn xả lũ vẫn còn chỏng trơ những chiếc cột bê tông cốt thép đã hoen rỉ. Các cánh cửa tràn chưa có, và phần tháp vận hành đóng mở vẫn còn phải chờ nhân vật lực. Thấy có khách đến, một người từ trong nhà quản lý vồn vã ra mời chào. Chúng tôi xuất trình giấy tờ và nói rõ mục đích chuyến viếng thăm công trường, anh này tự giới thiệu họ tên là Nguyễn Hữu Đồng, chức danh làm Trưởng ban Quản lý công trường thuộc gói thầu thi công đập chính hệ thống thủy lợi Khe Lại.

Tại công trường, có 2 máy ủi, 2 máy lu, 3 máy múc và 5 ô tô vận chuyển đất đang hối hả làm việc một cách nhịp nhàng. Ông Đồng bảo lẽ ra công trình này đã làm xong từ năm 2011, nhưng khi thi công xong tuyến cống lấy nước thì thấy mặt bằng khu vực đập chính chưa được đền bù cây cối hoa màu cho dân, thêm vào nữa là kinh phí thi công do chủ đầu tư cấp không đủ, nên cuối năm đó, Cty Yến Lực chúng tôi đã rút toàn bộ máy móc và nhân công, đến nay dự án được phục hồi nên chúng tôi lại đến làm tiếp.

2A

Công trình xây dựng dở dang thì phải dừng lại

Hỏi về mặt bằng thi công hiện đơn vị có gặp khó khăn gì không, ông Đồng cho biết: Hiện toàn bộ mặt bằng khu vực đập chính thì không còn vướng mắc gì cả, thế cho nên chúng tôi đang đẩy nhanh công việc bóc đất phong hóa, tập trung đào chân đanh chống thấm cho đập, toàn bộ khối lượng công việc này dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 4 này, sau đó thì mới tiến hành lấy đất đắp đập được. Thế nhưng cũng đang còn gặp nhiều vướng mắc.

Bởi khu vực bãi vật liệu lấy đất đắp đập chủ yếu tập trung ở vùng đồi bên bờ trái của đập, nhưng đến nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng được, nơi đây rừng keo và bạch đàn của dân vẫn chưa có ai chịu chặt hạ. Phía dưới rừng keo này còn có một khu đồi chôn cất nhiều ngôi mộ của đồng bào dân tộc Thái, hiện địa phương vẫn chưa có động thái di dời.

Trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu về lý do vì sao đến nay huyện vẫn chưa giải phóng mặt bằng cho đơn vị thi công sử dụng bãi vật liệu lấy đất đắp đập? Ông Dinh trả lời: Mặt bằng thi công đập, chúng tôi đã làm và đã giao cho đơn vị thi công cách đây đã năm, sáu năm rồi. Bây giờ chúng tôi đang tập trung công việc giải phóng mặt bằng trong lòng hồ để phục vụ cho việc tích nước, còn vị trí bãi vật liệu lấy đất đắp đập hiện chúng tôi cũng chưa nắm được, và cũng không thấy đơn vị thi công và Ban Quản lý Dự án trao đổi lại.

Ông Dinh còn cho biết hiện Hội đồng Đền bù GPMB đã thống kê kiểm đếm gần xong cả rồi, nay còn chờ tỉnh áp giá đền bù. Hiện Hội đồng đền bù GPMB của huyện cũng đang làm một cách quyết liệt, trước mắt là ưu tiên những chỗ còn vướng mắc thì làm trước, làm cuốn chiếu, chứ không thể làm cùng một lúc được, bởi làm đúng theo quy trình thì phải hết cả năm.

Ông Nguyễn Văn Lực- GĐ Cty Yến Lực là đơn vị đang trực tiếp thi công gói thầu đập chính Khe Lại cũng khẳng định đơn vị đang tập trung máy móc và nhân công để thi công đập chính Khe Lại, công việc bóc phong hóa, đào chân đanh chống thấm cho đập cũng sắp xong, nay chỉ chờ Hội đồng đền bù GPMB bãi vật liệu xong là chúng tôi lấy đất đắp đập chính. Vốn liếng thì Chủ đầu tư cấp đủ sau khi khối lượng đã hoàn thành từng giai đoạn.

2B (1)

Cột trụ xây lâu để trơ thép hoen rỉ theo thời gian

Qua tìm hiểu chúng tôi thấy công tác đền bù GPMB để thi công hoàn thiện đập chính hồ Khe Lại đang là vấn đề nan giải. Nguyên nhân công tác GPMB dự án thủy lợi Khe Lại- Vực Mấu vẫn chậm là “do khó xác định được chủ sở hữu đất, nguồn gốc đất, chủng loại đất và định mức phân bổ cho từng khẩu. Một số thửa đất có sự có sự sai khác về loại đất trên các bản đồ, dẫn đến khó khăn cho công tác xác định loại đất để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, chưa kể trước đây việc mua đi bán lại đất không thông quan chính quyền”. Phó Chủ tịch huyện Quỳnh Lưu ông Nguyễn Xuân Dinh nói với chúng tôi: “ giải phóng lòng hồ đang còn mênh mông lắm. Tuy nhiên mọi công việc phải làm đúng theo quy trình.”

Như vậy, để Dự án Giai đoạn 1 Hệ thống thủy lợi Khe Lại- Vực Mấu thi công đúng theo tiến độ của Bộ NN&PTNT đã phê duyệt điều chỉnh ( thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2024) thì các cơ quan hữu trách của tỉnh Nghệ An phải vào cuộc một cách quyết liệt. Trong QĐ điều chỉnh này, Bộ phân giao nhiệm vụ: UBND tỉnh Nghệ An trực tiếp tổ chức thực hiện toàn bộ công tác đền bù GPMB và các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, trồng rừng thay thế…trong phạm vi nguồn vốn dự kiến, hoàn thành trong năm 2022. Đối với Sở NN&PTNT Nghệ An, ngoài nhiệm vụ mà Bộ đã giao như QĐ 1609 nay còn bổ sung: Tổ chức thẩm định toàn bộ nội dung và phê duyệt đề cương cộng dự toán, hồ sơ thiết kế bảo vệ thi công và dự toán các hạng mục: Cắm mốc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước; lập phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du đập; xây dựng hệ thống giám sát và thông tin điều hành hồ chứa nước; lập quy trình vận hành hồ chứa; lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; lập phương án thu dọn lòng hồ; lập báo cáo xin phép khai thác nước mặt…; tuân thủ đúng các quy định hiện hành và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.